Còn ve vé mãi một giống Hoàng Cầm xanh

Còn ve vé mãi một giống Hoàng Cầm xanh
TP - Kịch thi văn sĩ Hoàng Công Khanh ra đi hăm hai thì hăm ba tháng ba âm đùng cái, cũng kịch thi kiêm thi sĩ Hoàng Cầm về cõi.

>> Tiễn biệt nhà thơ Hoàng Cầm về “Bên kia sông Đuống”

Còn ve vé mãi một giống Hoàng Cầm xanh ảnh 1
Thi sĩ Hoàng Cầm - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Lạ thế, mới lử lả hai cơn nóng tiết lập hạ mà Chiếu kịch thơ Bắc Hà quạnh hẳn đi hai gò hai đống! Chút an ủi là nhị vị đây đều về cõi ở tuổi quá cửu tuần...

Chợt nhớ hai câu của Nguyễn Khuyến Tuổi là tuổi của gia tiên/ thế nên thày được hưởng niên lâu ngày. Tuổi của gia tiên, tuổi của trời. Giời cho hay giời hành đây, chả biết?

Thuở trai xanh tung ra những Bến nước Ngũ Bồ những Cung phi Điểm Bích giăng ra những Kiều Loan  những Sông Đuống  cùng váy Đình Bảng buông chùng cửa võng những lá diêu bông... rồi ông Xanh lại giành cho hơn nửa thế kỷ nữa của thời gian sống để mà hành tiếp nhị vị họ Hoàng, bắt phải hậm hụi vượt qua những gò những đống những cái mốc ấy! May mà giời lại thương, lại cho.

Hai thi sĩ kịch thi họ Hoàng, hai con tằm già đó chả chịu rợp lẫn cớm dưới những mốc giới sáng tạo ấy mà vẫn nhả vẫn dệt thêm những đường tơ óng ả ngõ hầu rung động tiếp những tâm của tao nhân mặc khách lẫn người đời. 

Tôi có ông bạn làm nghề điêu khắc tên là Khúc Quốc Ân. Không biết lọ mọ được bao nhiêu vốn mà gần 20 năm trước đã cho dựng ở mạn Láng Hạ một mái nhà sàn. Bên bếp lửa nhà sàn Láng Hạ những năm rét ấy, ánh lửa thêm nồng đượm thêm nhảy nhót bởi có những bàn tay xòe ra của những Hoàng Cầm, Kim Lân, Đỗ Chu, Nguyễn Khải...

Một bận cả đám được rinh sang Thuận Thành quê Khúc Quốc Ân. Đêm rét Thuận Thành ấy không có mưa,  lòng ngôi nhà cổ của họ Khúc ngay ngắn mấy vuông chiếu  đã qua đi một phần đêm của chương trình quan họ cổ.

Hoàng Cầm tóc nõn bông xoải người trên chiếu. Xoải là kiểu nửa nằm nửa ngồi theo thế nghiêng một tay chống đầu. Nghĩ cứ cười thầm, đám các em các cháu quan họ gọi ông con trai Hoàng Kỳ (hồi đó cũng trên lục tuần) của thi sĩ Hoàng Cầm là chú nhưng lại xưng em ngọt lịm với tác giả Mưa Thuận Thành.

Ánh mắt thi sĩ lim dim sang mạn những Thúy Hường, Thúy Cải thuở ấy đương nhấn nhá những âm sắc vang rền nền nẩy. Chả có cái chi thoát được sự soi của nhà văn Kim Lân cả khi ông gục gặc cái đầu sang mé tôi tuổi ấy mà mắt cứ ve vé xanh thế thì có chết không cơ chứ!

Tôi giật mình choàng tỉnh trước sự bình phẩm bất ngờ của lão Hạc! Hữu Loan thì bảo thơ Hoàng Cầm đĩ. Tô Hoài có bận dim mắt (những khi ấy không biết cụ khen hay cụ thoắt nhớ một thời trai) rằng Hoàng Cầm là cái... giống phong tình! vv... Nhưng cụm từ ve vé xanh dường như là sự toát yếu chất sống cùng chất thơ của thi sĩ Hoàng Cầm? 

Ngót chục năm trước, tôi có viết loạt bài về người đàn bà đa tình và cuốn hồi ký truân chuyên. Đó là người đẹp Trịnh Thị Phụng tức Minh Phụng quê ở xứ Đông những năm bốn mươi thế kỷ trước từng nổi danh trên sân khấu Hà Thành trong những đêm diễn hiếm hoi.

Nổi nhất là đêm diễn kịch thơ Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm. Đêm ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã vét sạch túi rồi lại mua chịu một phần hoa trước cửa nhà hát lớn Hà Nội để mua tặng diễn viên Minh Phụng.

Sau này, người con gái đa tình đa tài ấy đã bỏ nghề sân khấu đi giang hồ. Giọng hát cùng ánh mắt của mỹ nhân từng làm ngả nghiêng các salông sang trọng của nhiều nhà buôn đến chính khách. Nhưng  mỹ nhân ấy số phận khá truân chuyên. Phần cuối cuộc đời lặng lẽ, trải qua nghèo khó và mất ở Sài Gòn.

Trước khi mất bà Trịnh Thị Phụng đã hoàn thành cuốn hồi ký cuộc đời mình và ký thác việc giữ gìn cũng như xuất bản cho nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ. Đó là một nhà phả học nổi tiếng của Việt Nam có tên trong nhiều công trình phả trạng học của thế giới, nay cũng đã mất. 

Trước khi mất, cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ lại ký thác tiếp cho vài người khác trong đó có nhà nghiên cứu sử học Hoàng Lê và GS sử học Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học.

Tôi may mắn tình cờ được  GS Văn Tạo cho mượn cuốn hồi ký dạng bản thảo ấy. Và mùa xuân Canh Dần, may mắn cuốn hồi ký của mỹ nhân Trịnh Thị Phụng tức Minh Phụng, có tên là Vàng son huyết lệ đã được NXB Phụ nữ cho ấn hành với số lượng lớn nghe nói bán khá chạy...

Trở lại thời gian tiếp cận với cuốn Vàng son huyết lệ dạng bản thảo, tôi gạn thêm thi sĩ Hoàng Cầm hoàn cảnh vở kịch Kiều Loan ra mắt lần đầu ở Hà Nội cũng như đêm diễn đầu tiên lẫn người thủ vai chính. Điều kỳ diệu là thi sĩ sau một hồi suy nghĩ đã tuồn tuột kể ra nhiều điều...

Tôi nói kỳ diệu là bởi hồi ức của thi sĩ Hoàng Cầm sau nửa thế kỷ vẫn rành rọt và hầu hết đều trùng với những chi tiết trong cuốn hồi ký mặc dầu thi sĩ không hề biết trên đời đã có một cuốn Vàng son huyết lệ dạng bản thảo.

Tôi cũng được biết thêm, không phải sau buổi công diễn đầu tiên ấy thi sĩ mới biết Minh Phụng. Có điều sau buổi công diễn ấy, Hoàng Cầm mới giới thiệu với bạn bè để làm quen với diễn viên sắc tài thủ vai chính trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân.

Tiện buổi gặp, tôi cũng trích để trình thi sĩ tâm sự của người bạn gái năm xưa

... Tin tưởng ký thác anh Dã Lan Nguyễn Đức Dụ cuốn hồi ký độc nhất của tôi. Sau này anh hoàn toàn sử dụng vào một thời điểm thích hợp để mai sau con cháu chúng ta biết rõ thăng trầm của một người sương phụ đại bất hạnh. Saigon 24-4 năm Tân Dậu tức là ngày 27-5-1981. 8 giờ sáng, viết trong lúc đang lâm trọng bệnh...

Và tâm sự của nhà phả trạng học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ Bốn trăm trang hồi ký! Thú thật tôi chưa từng thấy tập bút ký nào như thế không phải độ dầy mà lạ!  Có điều các chính khách hay những danh nhân khác thường hay nói tốt cho mình nhiều hơn chớ mấy ai như chị lại đem phô bày hết những cái xấu xa trụy lạc của mình ra.

Tôi rất thán phục chị phải can đảm lắm mới viết ra như thế. Minh Phụng quả không hổ thẹn dòng dõi Nho gia. Chị là một phụ nữ đủ tài sắc. Tuy chị là gái nhảy chả tên tuổi gì nhưng để lại một tập bút ký như thế với mấy trăm bài thơ là đủ cho đời sau nhắc đến chị rồi.

Đọc những dòng ấy, thi sĩ mắt nheo nheo, giọng bồi hồi rồi bảo tôi đưa cho ông cuốn sổ. Một lát ông lại buông sổ, vớ lấy cái điếu. Đóm đã châm nhưng lập tức ông dụi chưa hút... Với nét chữ khoát hoạt cố hữu, lại có phần bay bướm nữa là khác. Thi sĩ giáng giữa trang hai câu Trăm loài súng sính có đôi/ Loài tình thui thủi đi về một- không. Hoàng Cầm.

Tôi lờ mờ hiểu hình như thi sĩ bất ngờ bật ra hai câu ấy ngay lúc ấy và cho suốt mãi những năm sau này, ông chưa kịp giăng kịp nối thêm cái kỷ niệm cùng cuốn hồi ký như ông nói đã gợi cho thi sĩ rất nhiều dự cảm... Dự cảm? Có lẽ chả bao giờ nữa!

Hoàng Cầm, vị thuốc đông y đắng lắm nhưng tính lại bình có tác dụng công phạt nhiều thứ... Có lẽ với không ít người, thơ Hoàng Cầm hàng bao năm nay đã góp nên những bình ổn cân bằng. Mà công trạng ấy có lẽ vẫn dằng dặc cùng năm tháng?  Vậy nên cứ ve vé mãi một giống xanh Hoàng Cầm như ý cụ Kim Lân chăng?

Đêm 6 - 5 tức 23 tháng Ba, Canh Dần

Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 22-2-1922 tại xã Phúc Tằng, huyện Việt Yên, Bắc Giang; quê gốc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1938, ông ra Hà Nội học trường Thăng Long. Năm 1940, ông đỗ tú tài toàn phần và bước vào nghề văn, dịch sách cho Tân Dân Xã của Vũ Đình Long. Từ đó, ông lấy bút danh là tên một vị thuốc đắng: Hoàng Cầm.

Năm 1944, ông đưa gia đình về Thuận Thành, tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc. Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông về Hà Nội, thành lập đoàn kịch Đông Phương.

Tháng 8-1947, ông tham gia Vệ quốc quân ở chiến khu 12, đội Tuyên truyền văn nghệ- đội văn công quân đội đầu tiên. Năm 1952, ông được cử làm Trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Cuối 1955, ông về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Nam. Tháng 4-1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, được bầu vào Ban chấp hành. Ông rút khỏi Hội Nhà văn năm 1958 và về hưu non năm 1970.

Những tác phẩm chính trong sự nghiệp thơ ca của ông: Trương Chi (xuất bản 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...

Đầu năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

MỚI - NÓNG