Concours Âm nhạc Mùa thu trở lại: Thí sinh 'nóng' - khán giả 'nguội'

Concours Âm nhạc Mùa thu trở lại: Thí sinh 'nóng' - khán giả 'nguội'
TP - Hơn chục năm ngắt quãng, tin Cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ Concours mùa thu 2007 khai mạc sáng mùng 4 và kéo dài tới 13/11 là niềm vui lớn đối với những ai quan tâm đến nhạc giao hưởng thính phòng.
Concours Âm nhạc Mùa thu trở lại: Thí sinh 'nóng' - khán giả 'nguội' ảnh 1
Khán giả “đìu hiu”

Mới qua 2 ngày đầu đã cảm nhận được sức nóng từ thí sinh, trong khi khán giả còn hờ hững.

Những concours âm nhạc dành cho tài năng trẻ là hoạt động sôi nổi của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ở ta, hiếm lắm mới có một cuộc thi âm nhạc dành cho dòng nhạc giao hưởng thính phòng nên học sinh sinh viên, các tài năng âm nhạc hàn lâm trẻ luôn khao khát một cuộc thi tầm cỡ được tổ chức định kỳ, lâu dài. Thế nhưng lần tổ chức gần đây nhất đã trôi qua hơn chục năm.

Dẫu không có cơ hội cọ xát ở những cuộc thi trong nước, thời gian qua, chúng ta vẫn có những Bùi Công Duy (violon), Nguyễn Thị Quỳnh Trang (accordeon), Nguyễn Hoàng Phương, Phạm Ngọc Linh (piano)... mang về cho Tổ quốc các giải Nhất, giải Nhì các cuộc thi tầm cỡ châu lục và thế giới.

Nay không chỉ học sinh sinh viên vui mừng, được tin cuộc thi trở lại, trong thư gửi từ Montreal (Canada) cuối tháng 10, NSND Đặng Thái Sơn hồ hởi: “Cuộc thi được tổ chức vào lúc này là một hoạt động có nhiều ý nghĩa và rất cần thiết”.

NSND Đặng Thái Sơn quyết định góp phần nhỏ bằng việc: “Tôi xin trao 2 giải thưởng cho hai hoặc những em đoạt giải thưởng cao nhất của hai lứa tuổi chuyên ngành piano”. Còn tay violon trẻ tài năng Bùi Công Duy giờ đã là giảng viên Nhạc viện Hà Nội, góp mặt với tư cách giám khảo violon.

Cuộc thi Tài năng âm nhạc trẻ Concours mùa thu 2007 giới hạn độ tuổi dưới 24, chia làm 2 bảng, dành riêng cho thí sinh piano, violon. Các thí sinh nhạc cụ thính phòng giao hưởng khác nếu muốn góp mặt trong concours thì phải tham gia bảng hòa tấu thính phòng. Dẫu giới hạn nhạc cụ nhưng đã có tới 108 thí sinh tham gia. Ngày thi đầu tiên mới chỉ là phần tham dự của các thí sinh bảng A (tuổi dưới 16) chuyên ngành piano nhưng dự đủ cả 2 buổi thi sáng chiều.

Phạm Ngọc Quý Trân đến từ Huế, kỹ thuật xem ra chẳng thua kém so với mặt bằng chung của Hà Nội, TPHCM. Một hai gương mặt khác của Huế trong ngày thi đầu tiên được đặt niềm tin rằng những lần sau rất có thể Huế sẽ “ngang ngửa” với hai đoàn mạnh. Trọn buổi sáng 4/11 người nghe ấn tượng với Nguyễn Đức Bình (NVHN) chững chạc ở tuổi 13. Cũng tuổi 13 còn có gương mặt nữ của Nhạc viện TPHCM Đặng Hoàng Bảo Trâm, kỹ thuật vững vàng.

Một điều đáng chú ý nữa: dường như thí sinh nữ lần này đã “phá vỡ” phong cách ăn mặc truyền thống là váy đầm đen, hoặc chân váy đầm đen áo sơmi trắng, thay bằng những bộ váy như những cô công chúa nhỏ bé.

So với thí sinh Hà Nội, Huế thì thí sinh TPHCM ăn mặc có vẻ trau truốt và màu mè hơn như Bảo Trâm, kết hợp với sự thể hiện đầy nhạc cảm, Trâm để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Tháng 10/2003, Bảo Trâm đoạt giải Nhì piano trong cuộc thi âm nhạc mang tên Giovanni tại Italia, còn năm ngoái Trâm tham gia Festival âm nhạc List ở Áo và Hungari.

Nếu như buổi thi sáng 4/11 chỉ nhìn thấy 2 gương mặt nổi lên thì buổi chiều chất lượng cao hơn và tương đối đều. Trọn buổi khán giả có cơ hội chứng kiến nhiều cây piano triển vọng ở cả hai miền Nam - Bắc: Ngô Huy Khánh Linh (NVHN), Hà Phương, Nguyễn Hoàng Lộc, Nguyễn Thế Cường Quốc (NVTPHCM). 

Chủ nhật khai mạc thu hút khá đông người. Nhưng sự đông đúc chỉ duy trì được cho tới sau lễ khai mạc được một chút, còn lại khán giả cứ rơi rụng dần cho tới khi còn khoảng 1/4 sức chứa của khán phòng nhỏ. Buổi chiều lượng khán giả không cải thiện. Khó hiểu nổi vì sao một cuộc thi đầy ý nghĩa như thế lại không thể thu hút được sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội, hay thậm chí trong chính học sinh, sinh viên của Nhạc viện Hà Nội.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.