Công nghiệp điện ảnh Việt?

Cảnh trong phim Dòng máu anh hùng
Cảnh trong phim Dòng máu anh hùng
TP - Điện ảnh Mỹ lâu nay bá chủ thế giới. Trong khu vực không thể phủ nhận bóng bao trùm của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Điện ảnh Việt Nam vẫn miệt mài phác thảo hình dung trong bức tranh nền công nghiệp văn hoá.
Chuyên gia Jens Nielsen chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong xây dựng nền công nghiệp văn hóa
Chuyên gia Jens Nielsen chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong xây dựng nền công nghiệp văn hóa . Ảnh: T.Toan

Nhiều nước coi văn hóa như một ngành công nghiệp trong nền kinh tế. Khái niệm này ở Việt Nam dường như khá mới mẻ. Hội thảo “Công nghiệp Văn hóa: Vai trò trong nền kinh tế và khung chính sách phù hợp để phát triển tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 13 và 14-5, thành dịp trao đổi kinh nghiệm giữa nhà quản lý với các chuyên gia Việt Nam, Đan Mạch.

Năm 2009, hội thảo quy mô do Bộ VHTTDL tổ chức, lần đầu bàn luận về khái niệm này. Điện ảnh Việt cũng được dịp nhắc đến, với tư cách một thành phần tiềm năng mũi nhọn trong nền công nghiệp văn hóa.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan cho rằng, lâu nay ngay cả giới làm nghề ít khi nhắc đến điện ảnh như một nền công nghiệp, chỉ gọi “ngành điện ảnh”, “nền điện ảnh”. Cách gọi ăn sâu và gần 40 năm tồn tại trong thời bao cấp, đến nỗi khi bung ra trong thời thị trường vẫn không thay đổi nhận thức. Các nhà quản lý có mặt trong hội thảo nhất trí cần thay đổi nhận thức, nếu muốn phát triển nền công nghiệp văn hoá.

Đầu thập niên 90, điện ảnh Việt Nam chứng kiến cơn bùng nổ dòng phim thương mại-mì ăn liền, thấp cả chất lượng hình ảnh lẫn nghệ thuật. Sau 3-4 năm lên “đỉnh” thì tàn lụi, đem lại tai tiếng cho cả giới điện ảnh, không dễ xoá bỏ. Phải đến năm 2002 sau quyết định mới về thành lập các cơ sở sản xuất phim, điện ảnh Việt thực sự bước vào thời kỳ cạnh tranh giữa phim nhà nước, phim tư nhân.

Sau tám năm, số lượng phim nhựa nhà nước và tư nhân đang ở thế cân bằng. Tuy nhiên, điện ảnh tư nhân đóng góp phần sôi động hơn cả trong thị trường điện ảnh, do biết đánh vào thị hiếu của phần đông khán giả.

Điện ảnh Việt Nam chưa hoàn toàn thoát khỏi gọng kìm cơ chế, dù luật điện ảnh có hiệu lực từ 1-1-2007, các văn bản sửa đổi bổ sung các năm 2008, 2009. Điện ảnh được kỳ vọng tương lai không xa, có thể bán sản phẩm trên thị trường quốc tế.

“Thế giới dùng nhiều thuật ngữ khác nhau để nói về các hoạt động văn hóa nghệ thuật: nền công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp sáng tạo, kinh tế văn hóa, kinh tế trong văn hóa, sản phẩm sáng tạo, trung tâm sáng tạo”, theo Jens Nielsen, giảng viên Đại học Kinh Doanh Copenhagen (Đan Mạch).

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL cho rằng, tuy quy mô khá khiêm tốn, ở Việt Nam tồn tại một nền công nghiệp văn hóa. Các lĩnh vực của nền công nghiệp này: Báo chí, phát thanh, truyền hình, internet, xuất bản, in, phát hành, điện ảnh, sản xuất phim, phát hành và chiếu bóng, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, hoạt động kinh doanh thương mại vật tư, thiết bị chuyên ngành văn hóa và các hoạt động dịch vụ văn hóa khác.

Tuy nhiên, hệ thống sản xuất, phân phối các sản phẩm văn hóa chủ yếu do Nhà nước đảm nhiệm, vai trò các doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế. Hơn thế, đầu tư cho các hoạt động văn hóa còn thấp, hiện chiếm khoảng 0,3% GDP. 

MỚI - NÓNG