Công sở “Sau lũy tre làng”

Công sở “Sau lũy tre làng”
TP - Cơ quan MH đóng tại thôn quê, địa bàn thuộc vùng sâu vùng xa. Trụ sở làm việc xây dựng từ thời bao cấp đã hư hỏng, cũ kỹ.
Công sở “Sau lũy tre làng” ảnh 1

Cơ quan ít có khách đến liên hệ công tác, thỉnh thoảng các bác nông dân ghé vào xin ngụm nước, hút nhờ điếu thuốc lào, gọi nhờ điện thoại.

Chủ yếu cán bộ, nhân viên gặp nhau hằng ngày nên phong cách làm việc cũng xuề xoà, thoải mái.

Năm ngoái, được trên cấp kinh phí xây dựng trụ sở mới hoành tráng, khang trang, khép kín từ nơi làm việc, hội họp đến chỗ giải trí, vệ sinh.

Trước các phòng ghi bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh, trông rất “tây”, một số người trình độ Anh văn lõm bõm, những ngày đầu chưa quen, đến phòng nào phải nhìn người ngồi trong phòng mới nhận ra phiên hiệu đơn vị.

Nội thất lên đời, máy vi tính nối mạng đến từng phòng. Bộ mặt cơ quan thay da đổi thịt làm mọi người phấn chấn hẳn lên.

Để xứng đáng với tầm vóc trụ sở mới, thủ trưởng cơ quan quyết định làm cuộc cách mạng: Sắp xếp lại vị trí các phòng ban, đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác.

Đi về phải đúng giờ, trang phục bắt buộc nam comple, nữ áo vest, váy lửng. Kể ra nhìn cũng “mát mắt”, nhất là cánh thanh niên có dịp được ngắm  mấy “lọ lem” nay như cô Tấm  “chân dài” bước ra từ quả thị.

Chỉ tội mấy chị lớn tuổi, mấy cô giò cẳng có vấn đề cứ lóng nga lóng ngóng vì ngượng. Một số chị em không quen mặc váy đi xe máy, phải  mặc quần tây đến cơ quan mới thay váy, hết giờ làm việc lại cởi váy, diện quần tây ra về. Có người nói đùa phải  xây thêm phòng thay váy.

Mùa nắng chị em cảm thấy “thông thoáng” hơn  còn cánh đàn ông thì khốn khổ vì nóng, quạt bật hết số nhưng mồ hôi vẫn “ướt đầm vai áo”. Họ đành cởi vest mắc vào thành ghế, cử người thay nhau ngồi ở cửa trông chừng sếp, hễ có báo động là phải khoác vào ngay nếu không muốn bị cắt thi đua.

Ngược lại mùa lạnh, mấy cô mấy chị tím tái chân cẳng còn bị mấy anh trêu đùa “gặp em trên cao lộng gió”. Tóm lại “nóng thì khổ ông, lạnh thì khổ bà” như có người tổng kết.

Ông trưởng phòng nhân sự đang theo học bổ túc văn hóa trên tỉnh không dự lễ khánh thành trụ sở mới. Hôm nọ, được nghỉ học kỳ mấy ngày ông tranh thủ về thăm.

Trước sự hoành tráng của cơ quan, ông quyết định chiêu đãi nhân viên trong phòng một chầu bia hơi với hột vịt lộn. Ai cũng phải uống,  phải “zô” 100%.

Mấy cô nhân viên trẻ chịu không nổi phải trốn vào nhà vệ sinh giải quyết “đầu ra”. Ông trưởng phòng sau mấy chầu “zô, zô” mặt mũi đỏ bừng, đi đứng loạng choạng cũng tuyên bố nghỉ.

Ông đi về phía cuối hành lang, vừa đi vừa ngắm  nghía cơ ngơi  mới, tự hào vì có sự đóng góp của mình (ông có ông chú họ làm to trên tỉnh, nhờ ông vận động hành lang nên cơ quan mới có cơ ngơi này, vì thế  ông là “công thần”, thủ trưởng cũng phải nể).

Nhìn biển hướng dẫn ghi “Woman” ông ung dung đẩy cửa bước vào. Bỗng tiếng con gái kêu ré lên.  Hai cô gái hốt hoảng buông váy đứng dậy, bỏ chạy ra ngoài suýt nữa xô cả vào ông.

Quay lại nhìn tấm biển hướng dẫn vẫn thấy chữ “Woman”, ông tức giận  quát lớn: “Tổ cha chúng mày, định vào đây rình xem người ta tè à!”. Hai cô gái chạy thẳng một mạch về phòng đóng kín cửa lại.

Sau một lúc trốn trong phòng, cuối cùng hai cô xuất hiện, mặt tái nhợt. Ông trưởng phòng hỏi: “Vì sao tụi bay dám vào phòng vệ sinh đàn ông?”.

- Dạ, chúng cháu vào phòng vệ sinh nữ , do chú đi nhầm  chứ  ạ - Một trong hai cô lí nhí.

- Nhầm  nhầm cái gì, tao vào phòng có biển  “Vô nam”, nhầm làm sao được.

Một số người trẻ phì cười phải lấy tay bịt miệng, mấy người lớn tuổi ngơ ngác. Có anh bạn rụt rè nói: “Thưa chú, bảng hướng dẫn ghi bằng tiếng Anh, “Uymin” có nghĩa là phụ nữ ạ”.

- Thế hả, thế tao nhầm hả? Trời đất, phụ nữ thì ghi phụ nữ đi, lại còn “uy min, uy miếc”. Chú xin lỗi hai cháu. Thôi lo mà học tiếng Anh kẻo nhầm như chú thì khổ lắm, nay mai vào “vê kép ti âu” là phiền lắm.

Cả phòng phá lên cười vui vẻ. Hai cô gái được giải oan nhưng vẫn chưa hết ngượng, đấm lưng mấy thanh niên thùm thụp.

Câu chuyện trên chẳng bao lâu đến tai ông giám đốc. Ông lặng lẽ chỉ đạo nhân viên lễ tân ghi thêm tiếng Việt phía dưới tiếng Anh trên các bảng chỉ dẫn.

Xây dựng nếp sống văn minh, phong cách làm việc hiện đại, lịch sự, trau dồi ngoại ngữ để giao lưu, hội nhập là cần thiết, là đòi hỏi của thời đại. Nhưng phải có quá trình tích luỹ; phải phù hợp với thực tế của từng cơ quan, đơn vị, phải có bước đi thích hợp.

Bắt chước, đua đòi kiểu “trưởng giả học làm sang” vốn là tật xấu dù thời nào cũng không mang lại hiệu quả, nhiều khi gây ra nhiều chuyện bi hài.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.