Công ước Geneva có hiệu lực: Đĩa lậu vẫn hoành hành

Công ước Geneva có hiệu lực: Đĩa lậu vẫn hoành hành
Trong ngày đầu tiên Công ước  Geneva có hiệu lực tại Việt Nam, 6/7, đĩa lậu vẫn được bán tràn lan tại các cửa hàng ở Hà Nội và TPHCM.

Tại Hà Nội, ông Trần Tung - Chánh Thanh tra Sở VHTT cho biết: Hôm nay, không có chuyến kiểm tra nào đặc biệt. Anh em vẫn tiến hành những cuộc thanh tra như thường lệ.

Các cửa hàng băng đĩa “nổi tiếng” trên phố Hàng Bông vẫn đông khách. Từ cổ điển như Bach, Schubert, rock như Scorpion, Metallica, The Beatles, đương đại như N’Sync, Boyzone, tay kèn Kenny G, đến trăm thứ nhạc khác ít người nghe hơn, đều có mặt tại 2 cửa hàng số 30 và 135.

Đĩa đơn có hộp dao động 30.000 - 35.000đ, đĩa không hộp giá 15.000đ. Cửa hàng 30 Hàng Bông dành hẳn cho đĩa nhạc, ghi rõ trên tường: “Không có đĩa phim”.

Phần lớn đĩa nhạc ghi chữ Trung Quốc bên cạnh tựa đề tiếng Anh nguyên gốc, chắc đĩa “xịn” nhập từ Trung Quốc? Số còn lại không tem nhãn, rõ ràng là đĩa sao chép.

Còn ki-ôt 135, bên cạnh quầy nhạc rock còn bày bán cả áo phông in hình các ban nhạc giá 95.000đ. Học sinh phổ thông vào mua khá đông, vừa chọn đĩa vừa ngân nga một điệu trong bài One của Metallica. 

Sau vố Paris by night 77- 30 năm viễn xứ, các ki-ôt tại chợ Trời - phố Huế (Hà Nội) cảnh giác hơn với người mua lạ mặt. Một chị bán hàng khi được hỏi về thời hạn 6/7 - ngày Công ước Geneva có hiệu lực tại VN, thì trố mắt đốp lại: “Là ngày gì? Đừng có dọa nhé. Đĩa lậu thì loại nào chả như nhau”.

Riêng anh bạn tôi, lập tức chi ngay hơn 300.000đ cho đĩa lậu nước ngoài, “phòng khi thanh tra làm gắt không có gì mà nghe”.

Trước đó, ngày 5/7, Sở VHTT HN đã tổ chức tiêu huỷ hơn 7 vạn đĩa vừa thu được trong các chuyến thanh kiểm tra gần đây. Vụ bắt giữ cửa hàng in sao và cung cấp đĩa lậu tại phố Trần Khát Chân vừa rồi đang làm nức lòng cơ quan quản lý.

Nhưng, Hà Nội hiện có bao nhiêu “lò luyện đĩa” như cái cửa hàng trên phố Trần Khát Chân ấy? Sự biến chuyển để bắt nhịp với tinh thần của Công ước Geneva, ở mặt thị trường và kể cả nhận thức, xem ra phải có một thời gian khá lâu nữa.

Tại thị trường TP HCM, hoạt động buôn bán băng đĩa lậu vẫn không có biến động gì. Chợ Huỳnh Thúc Kháng - khu vực buôn bán băng đĩa lậu lớn nhất tại TP HCM vẫn nhộn nhịp người mua kẻ bán.

Chúng tôi hỏi một vài người bán hàng và người mua hàng sỉ tại đây để đem về tiêu thụ tại các tỉnh thì không ai biết gì tới Công ước Geneva cả. Một chủ tiệm bán băng đĩa cho biết: “Thì trước tới nay nhiều lần tụi tui đã bị bắt về vụ đĩa lậu này rồi, đĩa thiệt dán tem để hoài cả tháng không bán được, không bán đồ lậu thì sao sống được? Cả chợ này ai cũng làm vậy thôi”.

Được biết giá đĩa lậu tại khu vực này đã giảm tới mức khó tin, một đĩa VCD có in bên ngoài đàng hoàng giờ chỉ còn 6 ngàn đồng, một đĩa DVD cũng chỉ 14 ngàn đồng.

Đặc biệt là với những bộ phim mới ăn khách dù ở tận đâu thì chỉ trong vòng 2 ngày đã có bản tại chợ với đầy đủ lời dịch thuyết minh. Giá rẻ như thế nên dù chất lượng những bản in lậu không thể như bản gốc, người mua vẫn chấp nhận bởi nếu đĩa nào chất lượng kém, người bán sẵn sàng đổi đĩa mới.

Tại khu vực Bùi Thị Xuân cũng không có gì thay đổi, những phần mềm tin học vẫn bị bẻ khoá vô tội vạ, bán với giá rẻ, thậm chí khuyến mãi cho người mua máy tính.

Thậm chí những đĩa game, đĩa chương trình được bán công khai chỉ với giá 6-8 ngàn đồng/chiếc. Hỏi về Công ước Geneva thì không ai biết.

Trong khi đó các cấp quản lý hiện vẫn chưa có hành động gì cụ thể. Ông Châu Quốc Dũng - Chánh thanh tra Sở Văn hoá Thông tin TP HCM cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn đang chờ công văn hướng dẫn từ cấp trên về việc triển khai thực hiện Công ước Geneva”.

Ông Dũng cũng cho biết ngày 8/7/2005, sẽ có cuộc hội thảo về vấn đề này tại TP HCM. Còn một số quản lý cán bộ cấp cơ sở thì chỉ cho rằng công ước này chắc cũng chỉ như các chỉ đạo trước đây về việc ngăn chặn băng đĩa lậu.

MỚI - NÓNG