Cột chống trời có nguy cơ bị xóa sổ

Cột chống trời có nguy cơ bị xóa sổ
Trong khoảng chục năm, vùng núi Lĩnh Đông và Động Kính Chủ (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn, Hải Dương) - một di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia bị nạn nổ mìn phá đá xâm hại.

Cuối năm 2004, UBND tỉnh Hải Dương đã đình chỉ khai thác tại đây. Thế nhưng vừa qua, người dân lại phát hiện có 14 hố mìn đã đặt kíp, sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào...

Tàn phá di tích

Ông Lại Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn bức xúc cho biết đây là vùng núi đá tuyệt đẹp, có di tích Động Kính Chủ từ thời nhà Trần, được công nhận di tích quốc gia năm 1962. Trầm ngâm giây lát, ông Phú nói tiếp: “Đây cũng là nơi có cột chống trời (trong truyền thuyết “Thần trụ trời”-PV) được dựng lên thuở khai thiên lập địa mà truyền thuyết đã được dạy cho học sinh tiểu học. Thế mà người ta đã nổ mìn phá luôn dấu tích cột chống trời  ở nơi linh thiêng có một không hai này!”.

Việc phá núi Lĩnh Đông đã xâm phạm nghiêm trọng tới quần thể di tích lịch sử văn hoá Động Kính Chủ. Nhưng đáng tiếc, chính quyền địa phương  đã để tình trạng này diễn ra từ đầu những năm 1990 tới nay. Hậu quả, cảnh quan di tích bị tàn phá nhanh chóng. Chỉ đến cuối năm 2004, khi dư luận và nhân dân bất bình, Bộ VH-TT có ý kiến thì UBND tỉnh Hải Dương mới ra quyết định đình chỉ việc khai thác của Cty Bình Minh và hợp tác xã Tân Mỹ. Thế nhưng, trong thời gian qua, việc nổ mìn khai thác lén lút vẫn tiếp diễn.

Hiện núi Lĩnh Đông đã bị tàn phá nghiêm trọng. Toàn bộ phía dãy núi bên trái hình con voi đã bị phá cụt đầu, dẫy núi Hàm Rồng bị “xà xẻo”, còn trơ những khối đá  nham nhở. Việc phá núi diễn ra nhanh chóng, các đơn vị khai thác dùng khá nhiều thuốc nổ phá đá nung vôi ngay khu di tích. Lúc cao điểm, có hàng chục kilôgam thuốc nổ được sử dụng  mỗi ngày. Người dân xã Phạm Mệnh bức xúc vì nạn nổ  mìn đã làm xóm làng ô nhiễm, tiêu điều vì bụi đá, tiếng ồn. “Dãy núi Lĩnh Đông vốn là một dãy núi đẹp, đã đi vào truyền thuyết từ ngàn năm trước. Nay thì dãy núi đó chẳng bao lâu sẽ bị xoá sổ thôi”,  một cụ già buồn rầu nói. Hàng trăm người dân xã Phạm Mệnh cũng bị cuốn vào guồng quay phá núi bằng cách  làm thuê cho 2 doanh nghiệp Bình Minh và Tân Mỹ.

Sẽ xoá sổ núi Lĩnh Đông?

Để mở rộng “quy mô phá núi”, Cty Bình Minh và HTX Tân Mỹ đã  đầu tư gần 3 tỷ đồng mua thiết bị mới, vận hành suốt ngày đêm. Nhưng đúng lúc đó, UBND tỉnh Hải Dương đã kịp có quyết định số 5242 (ngày 21/12/2004) đình chỉ, thu hồi giấy phép đã cấp cho các đơn vị này. Sau đó, tỉnh Hải Dương đã tính đến việc khôi phục cảnh quan cho di tích. Nhưng núi đã bị phá nham nhở rồi, chẳng lẽ lại đi “vá” núi?! Phương án đưa ra là giữ nguyên hiện trạng và sẽ khắc phục từng bước. Không phản đối quyết định của tỉnh nhưng Cty Bình Minh và Tân Mỹ vẫn lén lút khai thác và tiếp tục khoan 14 hố mìn đã đặt thuốc nổ chỉ chờ ngày khai hoả. Trao đổi với PV, ông Phú bức xúc: “Đặt kíp nổ xong họ mới báo cáo xin được khai thác tiếp, đẩy địa phương vào tình trạng đã rồi. Nếu 14 hố mìn này được khai hoả, thì coi như núi Lĩnh Đông sẽ bị xoá sổ, dấu tích cột chống trời sẽ chẳng còn”.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Hải Dương đã kiên quyết chỉ đạo cho huyện Kinh Môn phối hợp với lực lượng Công binh tỉnh tháo gỡ toàn bộ số mìn này, chậm nhất đến hết  tháng 3/2005 phải xong. “Quá trình tháo gỡ rất phức tạp, khó khăn, tốn kém và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra tai nạn, chúng tôi sẽ truy cứu trách nhiệm các Cty nói trên”- ông Phú nói.

Để xảy ra tình trạng phá núi Lĩnh Đông lấy đá là do có sự cho phép của UBND tỉnh Hải Dương trước đây (đã cấp phép cho HTX Tân Mỹ và Cty Bình Minh từ năm 1994). Ngày 29/4/2004, UBND tỉnh lại cấp giấy phép số 1637 gia hạn cho  HTX Tân Mỹ được tiếp tục khai thác đá tại khu vực có di tích. Điều đó lý giải rằng khi cho phép khai thác đá tại đây các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã vô tình không nhận thức hết tầm quan trọng cũng như nghĩa vụ bảo vệ di tích đặc biệt này.

Sau hơn nhiều năm bị xâm hại, núi Lĩnh Đông-nằm trong quần thể di tích Động Kính Chủ bị tàn phá nghiêm trọng. Dấu tích Cột chống trời-hình ảnh đẹp đẽ, hiếm có trên thế giới, được ghi lại trong tâm thức dân gian bao đời đã bị huỷ hoại. Giờ đây chỉ còn  hình ảnh một vùng núi đá bị phá nham nhở, chẳng ra  hình thù gì.

MỚI - NÓNG