Cứ đi, sẽ tới chân trời

 Cây đa trước cổng làng cổ Đường Lâm. Ảnh: như ý
Cây đa trước cổng làng cổ Đường Lâm. Ảnh: như ý
TP - Suốt 22 năm, ông Dashrath Manjhi, người đàn ông nghèo Ấn Độ đã xẻ núi mở một con đường chỉ với vài công cụ thô sơ. Con đường đặc biệt ấy sẽ rút ngắn quãng đường từ làng ông xuống khu trung tâm từ 70 km còn 1 km.

Sẽ có nhiều bàn chân bước qua, tới biển, giong buồm ra khơi xa. Sẽ có nhiều em bé ra đời an toàn, nhiều sinh mạng được cứu sống dưới bệnh viện trung tâm. Ngay cả đàn dê cũng có thể qua con đường đó mà lên đỉnh núi thần.

Người đàn ông nghèo ấy đã tới chân trời. Một chân trời có đường bay. Đường bay đưa ông đoàn tụ với người vợ 22 năm trước đã chết trên hành trình 70 km tới bệnh viện. Thượng đế vừa cười vừa khóc khi vẽ đường chân trời cho ông. Có những việc Người bó tay nhưng người lại làm được.

Đường chân trời ấy, nằm ngay tại ngôi làng, cạnh nấm mồ người vợ bất hạnh của Manjhi. Nơi đó, là thiêng liêng, là vĩnh cửu. Ngay cả núi lửa có giận dữ vùng dậy táp ngoạm bao trùm, đường chân trời ấy cũng vẫn được bảo vệ. Bởi lòng yêu vô hạn.

Gần ba mươi năm tôi ra khỏi làng mình. Một ngôi làng đơn sơ, nghèo cháy như ngàn vạn ngôi làng miền Trung oặn mình theo khúc lưng cong chữ S.

Đi 18 km thì đến thị trấn, để học trường chuyên. Nhớ mẹ, nhớ nhà khủng khiếp. Đến tận bây giờ, đôi lúc nhớ lại, vẫn rùng mình ôm ngực vì cảm giác xót lạnh. Dù chỉ còn là ký ức.

Ký ức không chở được sự cồn xót, loạn hoảng của đứa trẻ 9 tuổi phải sống xa cha mẹ. Ký ức chẳng thể nào khép nổi hàng mi đầy nước mắt hay làm ấm bàn tay bé bỏng lạnh cóng đêm đông. Nhưng thường thì những thước phim xưa cũ ấy sẽ bừng lên mỗi chiều thứ bảy.

Quay thật nhanh thật nhanh đôi chân chạy như bay gần 5km đường đầy cát đá từ quốc lộ 1A nơi đứa bé xuống xe đò. Nó vừa chạy vừa nghĩ tới con dốc đầy hang rắn mình sẽ leo lên, mảnh sân đầy rơm rạ mẹ sẽ ào ra, sân giếng ngợp ánh trăng sẽ ngồi tắm…

Lúc ấy, nó quên hết học sinh giỏi cấp tỉnh hay cấp quốc gia, quên báo Nhi Đồng quên cuộc thi Viết thư Gửi bạn, những thứ bố vẫn nói phải đạt được để đi nhanh tới ánh sáng tương lai. Nó chỉ biết hiện tại là ở đây, căn nhà gỗ thơm rơm rạ vạt áo mẹ nồng mồ hôi cánh chuồn chuồn rung lá trúc …

Và tương lai ngay đây thôi, trên chiếc giường chiếu cói cũ mèm, nằm bên mẹ ngủ vùi. Lên thị trấn học trường chuyên mà làm gì. Khi thiên đường ở tại nhà.

Nghĩ một cách rốt ráo, tất cả người Việt Nam xuất phát từ nhà quê, từ văn minh lúa nước. Tôi rất buồn cười thấy người ta cứ cãi cọ rồi phân biệt nhà quê với thị thành.

Có dạo, bao chí còn châm ngòi cho cuộc chiến nông thôn thành phố ầm ĩ cả lên. Sao không chấp nhận Hà Nội vốn (thực ra) giống như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tứ xứ đổ vào, đa văn hóa và hỗn tạp lai căng. Sao không thấy sự thật rành rành Làng là nơi linh thiêng nhất trong tâm thức người Việt.

Dù chỉ còn là ký ức. Ký ức không chở được sự cồn xót, loạn hoảng của đứa trẻ 9 tuổi phải sống xa cha mẹ. Ký ức chẳng thể nào khép nổi hàng mi đầy nước mắt hay làm ấm bàn tay bé bỏng lạnh cóng đêm đông.

Bố tôi hay kể ngày xưa làng tôi có ngôi đình khá đẹp. Những ngày lễ lạt, dân chúng tập trung cúng tế, chuyện trò đầy tình thân.

Sau cải cách ruộng đất, đình bị phá. Lúc tôi lớn lên đã chẳng còn dấu tích nào. Trụ sở hợp tác xã gần như là nơi hội họp thay thế đình làng.

Chỉ khác hợp tác xã không có bàn thờ, chẳng nhiễu điều phủ lấy giá gương. Nên trò chơi dân gian dần dần biến mất và tình thân cộng đồng mai một khá nhiều. Rượu nhiều hơn, văng tục nhiều hơn, đánh nhau nhiều hơn.

Thời thế đổi khác, kinh tế xã hội phát triển ắt mọi thứ phải thay đổi theo. Người ta hay nói vậy. Tôi thì cho rằng ngôi đình giống như bàn thờ của làng. Bàn thờ làng bị phá ắt dẫn tới anh em trong nhà phá bàn thờ bố mẹ, tranh giành nhau miếng đất miếng ăn…

Nhiều khi tôi cứ ao ước giá như đình làng mình vẫn còn. Để có thể giới thiệu với gia đình nhà chồng nét khác biệt của văn hóa Việt Nam. Để có thể dựa lưng vào cây cột gỗ nâu bóng thời gian mà mường tượng nỗi nhớ ngày quay lại đất khách. Nhưng thôi, đình mất đi, vẫn còn hồn.

Cây còn có linh hồn huống hồ ngôi đình hàng trăm năm. Nên nỗi nhớ luôn dâng đầy. Như vô số sợi tơ len lỏi từng thớ thịt mạch máu khiến nghĩ ngợi, khiến quay về. Hồn làng, hồn quê hương. Càng đi xa càng thấy gần.

Mười tuổi, tôi cuốc bộ 30km từ thị xã Thanh Hóa về nhà vì nhớ. Bố thương, nhìn hai bàn chân tóe máu của con, ứa nước mắt. Bố cho con học xa là mong mai sau thoát khỏi làng. Con phải dành sức mà đi tới tương lai. Đi, từ làng ra thị trấn, đến thị xã, lên thủ đô, sang Mỹ, đi mãi… Bây giờ, ngàn ngàn dặm dài, chân thoát khỏi làng mà vẫn nguyên vết máu ngày nào.

Ở Mỹ, tôi hay gặp bố mẹ da trắng dắt con da vàng đi công viên. Nhiều bé trong số đó từ Việt Nam. Chúng nhanh nhẹn, tự tin và nói tiếng Anh không một chút pha tạp.

Tôi tự hỏi không biết trong suy nghĩ của các em, đâu là quê hương. Chắc chắn nước Mỹ là nhà. Nơi cho chúng yêu thương, mái ấm, học hành. Tất cả những thứ tiền đề cần thiết của cuộc đời sau này. Thế thì Việt Nam ở đâu trong trái tim, suy nghĩ các em? Có còn là quê hương?

Khi mà em mồ côi hay người ta bỏ rơi em hay nghèo quá mà đổi chác em đi. Khi mà mảnh đất nào đó từng chôn nhau em cũng đã biến mất. Thay vào đó là sân golf hoành tráng, biệt thự bỏ hoang, nhà máy thải độc. Không, không phải vậy. Em sẽ quay về. Về nhà. Dù chỉ thoáng chốc.

Để ngửi mùi khói rơm quê mẹ, ngắm bình minh trên dòng sông quê cha, ăn bún mắm ngào ngạt vị biển Đông, gõ chuông chùa dội ngàn năm tiên tổ… Bạn tôi, một trong những người đến Mỹ năm 75 trong chương trình không vận trẻ mồ côi của chính phủ Hoa Kỳ, đã mười năm liên tục về Việt Nam tìm kiếm người thân.

Tôi hỏi nếu tìm được ai đó, câu đầu tiên chị sẽ nói gì. Mắt chị ánh lên thoáng bối rối, cười mà như khóc lí nhí thứ tiếng Việt lơ lớ. Không biết, chưa nghĩ tới, nhưng chắc chỉ im lặng…

Tôi tưởng tượng người phụ nữ gầy nhỏ ấy trong giây phút đoàn tụ giang đôi cánh tay ra, thật rộng, thật dài. Rộng mãi, dài mãi mà không ôm được gì. Quá khứ chị ôm không xuể, còn hiện tại chị chẳng dám ôm.

Từ cửa sổ nhà bếp, tôi ngày ngày nhìn ngắm một trong những ngã tư sầm uất nhất của thị trấn Berkeley, thị trấn nổi tiếng không chỉ bởi Đại học Berkeley danh tiếng mà còn vì phong trào phản chiến những năm chiến tranh với Việt Nam. Buổi chiều ngày quốc hội Hoa Kỳ thảo luận để quyết định việc có tấn công Syria hay không, ngã tư quen thuộc của tôi ầm ã khác thường. Người lấp kín vỉa hè, giương cao khẩu hiệu kêu gọi hòa bình, phản đối chiến tranh.

Tôi nhìn kỹ những khuôn mặt xa lạ. Chủ yếu là người già. Tưởng tượng mấy chục năm trước, cũng chính họ đã xuống đường phản đối chiến tranh với Việt Nam. Ngày ấy, họ thanh xuân, họ biết gì về Việt Nam chúng ta? Dân tộc da vàng mới thoát khỏi chiến tranh với Pháp, nghèo, nhỏ, xa tít tắp bờ bên kia đại dương. Họ mơ được đặt chân đến xứ sở của chùa chiền, nón lá, dừa xanh, sen hồng, cánh cò chao nghiêng đồng lúa chín. Họ không muốn bom đạn quật chết những cánh cò mong manh…

Những ngày chờ chết vì căn bệnh ung thư quái ác, người anh họ của tôi tha thiết muốn phục dựng lại đình làng. Tôi cũng đôn đáo nhờ người này người kia tìm lai lịch gốc tích ngôi đình đã bị phá. Chuyện không thành. Người anh đã mất. Ước mơ về ngôi đình có lẽ mãi chỉ là ảo vọng. Thì thôi, đành hong tóc sân đình trong giấc mộng xứ xa...

Có lần, một nhà báo Nhật Bản hỏi nếu sinh trưởng ở thị thành, tôi có nghĩ mình cũng sẽ viết văn và viết như tôi bây giờ hay không. Thật khó trả lời.

Tôi chỉ biết nói là chưa một giây phút nào trong đời tôi oán thán sao mình lại sinh ra trên mảnh đất nghèo nàn lạc hậu mà không phải thị thành văn minh.

Từ nơi đó, tôi bước đi. Bước chậm, bước nhanh, chạy đuổi mà cũng có lúc bò như trẻ sơ sinh. Thị trấn, thị xã, thủ đô rồi xa hơn. Ngẫm ra sướng hơn cành vàng lá ngọc phố hội phồn hoa. Bởi đường xa khiến ngựa đi nhanh.

Tùy bút của Đỗ Hoàng Diệu
MỚI - NÓNG