Của chồng công vợ - truyền thống của văn học thế giới

Của chồng công vợ - truyền thống của văn học thế giới
TPCN - Mới đây, nhà văn nổi tiếng Dan Brown, tác giả thiên tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi “Code Da Vinci”, đã thú thật rằng vợ ông đã giúp đỡ ông rất nhiều trong công việc sáng tác.
Của chồng công vợ - truyền thống của văn học thế giới ảnh 1
Vera Nabokova, vợ của nhà văn Nga Nabokov

Thực ra, lời thú nhận đó không có gì mới bởi vì Dan Brown chỉ là người tiếp nối một truyền thống lớn trong lịch sử văn học thế giới.

Tiêu biểu cho những người vợ như vậy là Jessie Conrad (vợ của nhà văn Mỹ Joseph Conrad) và Nora Joyce (vợ của nhà văn Mỹ gốc Ireland James Joyce).

Theo lời kể của Jeffrey Meyers trong cuốn “Married to Genus”  (“Lấy chồng thiên tài”)  thì cả Jessie lẫn Nora đều đã bảo đảm được mức độ ổn định cần thiết cho những người chồng lúc nào cũng sắp sửa mất thăng bằng.    

Tuy nhiên, không phải người vợ nào cũng bằng lòng với vai trò như vậy. Chẳng hạn như trường hợp Jane Carlyle, vợ của nhà văn Anh Tomas Carlyle.

Vốn là một phụ nữ có học thức cao, bà chấp nhận làm công việc chăm nom chồng, bảo vệ chồng khỏi những kẻ hâm mộ luôn luôn quấy rối ông trong lúc ông cần tĩnh trí để sáng tác.

Nhưng theo như giáo sư Rosemary Ashton viết trong cuốn “Tomas và Jane Carlyle”, bà Jane “chán ghét vai trò đó, một vai trò ngày càng trở nên không thể chịu nổi đối với bà mặc dù rất có ích cho chồng bà”.

Những nhà văn khác đã lấy cuộc sống gia đình của chính mình làm nguồn cảm hứng trực tiếp. Điển hình là nhà văn Mỹ F. Scott Fitzgerald và nhà văn Anh D.H. Lawrence.

Vợ của nhà văn Nga Nabokov là Vera thì đóng vai trò đa năng cho chồng: bà vừa là người đánh máy chữ, vừa là người sửa bản in thử, vừa là người môi giới, vừa là người quản lý và đồng thời còn là người lái xe cho chồng nữa.

Trong một thời gian dài lan truyền lời đồn đại cho rằng Mary, vợ của nhà văn Mỹ Dick Francis, mới là tác giả đích thực những cuốn tiểu thuyết trinh thám kể về cuộc đời của giới nài ngựa.

Cả hai vợ chồng đều bác bỏ lời đồn đại đó nhưng Francis bao giờ cũng đề cao công lao của vợ. Ông nhiều lần nói rằng nếu không có Mary thì ông không thể viết được những tác phẩm của mình.

Bà thường sửa lại những gì chồng viết, kể cả những lỗi chính tả. Nói cách khác, Francis đã khéo léo thu hút vợ vào công việc sáng tác của ông. Rất có thể đây là một trong những lý do khiến sau khi Mary qua đời, Francis không viết được một tác phẩm nào nữa.

Trường hợp cực đoan nhất trong cách tổ chức công việc sáng tác theo kiểu đó là nhà văn và nhà phê bình người Pháp Henry Gauthier-Villars. Vào đầu thế kỷ XX, ông là một nhà phê bình văn học lừng lẫy tiếng tăm.

Trong số những tác phẩm của ông thì nổi tiếng nhất là bộ tiểu thuyết “Claudine” mà ông cho xuất bản dưới bút danh “Villy” . Nhưng về sau người ta mới biết rằng thực ra, người viết bộ tiểu thuyết đó là bà Sidonie-Gabrielle Colette, vợ ông.

Thậm chí, ông thường xuyên khóa chặt cửa giam vợ trong phòng cho tới khi bà hoàn thành được số trang cần thiết. Vì vậy, chẳng có gì lạ là ít lâu sau bà chủ động ly hôn rồi trở nên nổi tiếng với tư cách là tác giả những cuốn tiểu thuyết được xuất bản dưới tên thật của bà là Colette.

Điều lý thú là khi người chồng đề cao công lao đóng góp của vợ thì lại hay xảy ra những trường hợp đề cao vợ quá mức. Chẳng hạn, nhà văn Anh John-Stuart Mill hết lời ca ngợi vợ là bà Harriet mặc dù bà không xứng đáng được như vậy.

Theo các nhà nghiên cứu thì sở dĩ có chuyện đề cao quá mức đó là do nhà văn quá hạnh phúc vì rút cuộc đã tìm được người bạn đời hoàn toàn ưng ý. John-Stuart Mill đã lớn tiếng tuyên bố với khắp thế giới rằng các tác phẩm của ông sở dĩ thành công đều là nhờ công lao của vợ ông, một phụ nữ rất mực đạo đức và thông tuệ.

Thậm chí ông còn khẳng định rằng mọi ý tưởng của ông đều bắt nguồn từ vợ ông. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng vai trò của vợ ông không lớn tới mức đó.

Đôi khi lại có thể thấy những trường hợp ngược lại: vợ là nhà văn còn chồng lại giúp vợ sáng tác. Chẳng hạn, đó là trường hợp Leonard Woolf. Nhờ có ông tạo điều kiện thuận lợi mà vợ ông là nữ văn sĩ Mỹ Virginia thỉnh thoảng lại có thể lui vào một nơi biệt lập để tĩnh tâm viết lách. 

Vũ Việt

Theo Guardian

MỚI - NÓNG