Cựa gà ngàn năm không mỏi

Quan chức Pháp và người Việt xem đá gà tranh giải thưởng. Ảnh chụp năm 1951
Quan chức Pháp và người Việt xem đá gà tranh giải thưởng. Ảnh chụp năm 1951
TP - Theo nhiều tài liệu khảo cổ, gà là một trong vài con vật được thuần dưỡng sớm tại khu vực Đông Nam Á, sau đó lan rộng ra thế giới. Thần thoại La Mã cũng đề cập đến việc gà như là con vật ngoại lai, đến từ phương Đông xa xôi, nên thường dùng cho tranh đấu, hiến tế.

Trong văn hóa Việt, gà cũng đại diện cho dấu tích thời kỳ đầu của văn minh nuôi trồng. Trên trống đồng Đông Sơn chẳng hạn, gà cũng được thể hiện khá phổ biến, phong phú về điệu bộ. Trong dân gian, đá gà không chỉ là trò chơi đơn thuần, vùng nào cũng có, mà nhiều nơi còn gọi là đá gà nghệ thuật. Như mới đây, chiều 30/12/2016, tại Khu du lịch Vinh Sang (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã công khai tổ chức các trận đá gà nghệ thuật, thu hút du khách xa gần.

Chưa có một tài liệu nào ghi chép cụ thể về việc khai sinh thú đá gà - chọi gà của người Việt, nhưng chuyện ngàn năm là có rồi. Qua văn thơ, lễ hội cho thấy đá gà thường diễn ra trong những ngày lễ tết và suốt tháng giêng, tháng hai, trường gà - sới gà được xây tròn, mọc lên khắp Bắc Trung Nam. Gà Hồ ở làng Lạc Thổ (thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một trong những linh vật của Việt Nam, hội đủ các tài năng và tính cách như văn, võ, dũng, nhân, tín. Thời trước, gà đá nổi tiếng bậc nhất có Văn Cú, Ðình Bảng, Thổ Tang, Yên Phụ (Hà Bắc), Tây Phương (Hà Tây), Nghĩa Ðô, Nghi Tàm (Hà Nội), An Cựu (Huế), Quế Sơn (Quảng Nam), Tây Sơn (Bình Định), Bà Ðiểm (Hóc Môn), Lái Thiêu (Bình Dương), Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Chương Mỹ (Hậu Giang), Chợ Lách (Bến Tre)...

Tranh Đông Hồ và tranh khắc gỗ dân gian vài nơi khác đều có bức diễn tả cảnh đá gà. Trong đạo thờ Mẫu, thờ Thánh, thờ Tam phủ công đồng, thờ Tứ phủ vạn linh… cũng thường thấy biểu tượng con gà đá đứng oai vệ trước điện thờ tiên thánh.

Cựa gà ngàn năm không mỏi ảnh 1

Gà trống trên thạp đồng Hợp Minh trước Công nguyên - bảo vật quốc gia, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái

Trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300) cũng có đoạn chê về việc mê đá gà: “… Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. […]. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh”, bản dịch của Huệ Chi. 

Theo Đại Việt thông sử, năm Canh Tuất (1430), hoàng đế Lê Thái Tổ ban chiếu rằng: Họ Trần xưa, cậy sự giàu có của mình, không nghĩ đến sự khốn cùng của dân, chuộng vẽ trang hoàng, ham bề tửu sắc, lúc nào cũng bày những trò chơi vô ích: Đánh bạc đánh cờ, chọi gà thả cáp, bồn nuôi cá vàng, chuồng nuôi bách thú, khoe khoang mẹo khôn, để tranh thua được; quên cả thiên hạ, chẳng hề để tâm.

Thời Lê Trung Hưng (1533 - 1789) ở Ðàng Ngoài, theo sách Công dư tiệp ký của Đông các học sĩ Vũ Phương Đề, thì đá gà khá thịnh, phổ biến từ ngoài dân gian vào trong triều đình. Ðoan nam vương Trịnh Khải mê đá gà bậc nhất, nên bị cha là chúa Trịnh Bồng hạ bệ vai thế tử, đưa con trai thứ là Trịnh Cán lên thay thế. Bề ngoài Trịnh Khải vẫn tỏ ra bất cần, chỉ lo đá gà, nhưng cuối cùng lại lật ngược tình thế, chiếm được ngôi chúa trong các năm 1783 - 1786.

Thời Lê Huyền Tông (1665) có ra chỉ lệnh nhắc lại lệnh cấm chọi gà, đánh cờ, đánh bạc và các việc đồng cốt, sư sãi từ các đời vua trước. Còn dưới thời Tây Sơn (1771 - 1802), tương truyền Nguyễn Lữ đã đúc kết từ đòn thế đá gà mà tạo ra Hùng kê quyền (hay còn gọi Hồng kê quyền: bài quyền đá gà). Đương thời, bài quyền này cùng với Yến phi quyền do Nguyễn Huệ đúc kết chỉ truyền trong nội tộc, nên sau đó bị thất truyền và mai một. Mãi đến năm 1993, tại hội nghị chuyên đề của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hùng kê quyền cùng với ba bài khác là Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao và Roi Thái Sơn mới công khai, được xếp vào những bài danh võ của Việt Nam.

Cựa gà ngàn năm không mỏi ảnh 2

Người miền Nam có câu ca nổi tiếng, ra đời từ thời Nguyễn Ánh (1762 - 1820): “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Cùng thời, Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) còn viết vè dạy nuôi gà đá, gọi là Kê kinh; vẫn là một trong vài bí kíp còn được dân gian thuộc lòng đến ngày nay. Tương truyền, ngài tả quân đã nuôi khoảng 5.000 con gà đủ giống đủ loại để thực hành, nghiên cứu trong nhiều năm, trước khi viết Kê kinh. Hiện nay trên đỉnh núi Cậu, thuộc dãy Thất Sơn (Tịnh Biên, An Giang) vẫn còn dấu tích một trường gà, người dân kể rằng do ngài tả quân lập ra.

Trong truyện thơ Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) xây dựng hình ảnh Bùi Kiệm là người ham mê tửu sắc, thích bài bạc, đá gà. Còn có một Bùi Kiệm trong dân gian, người Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), tính cách hào hoa phong nhã, thích vui thú điền viên, ghét quan trường, nhưng vẫn miễn cưỡng đi thi theo ước nguyện của cha. Có lẽ với bối cảnh thời đó, một cá tính “playboy” như Bùi Kiệm thường dễ bị lên án, phê phán. Ngày nay, dân nuôi gà đá quanh vùng này vẫn truyền tai nhau một bài thơ dài, được xem như là Kê kinh của Bùi Kiệm. Ông còn được cho là có các sách dạng “khoa học thường thức” về nuôi gà đá, trồng cây kiểng, cây ăn trái… Ở vùng đất Cái Mơn một số người vẫn cho rằng mình trồng hoa, trồng cây ăn trái theo bí kíp của Bùi Kiệm, và của Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837- 1898), người đã du nhập nhiều cây ăn trái từ Malaysia về vùng này.

Bài Chọi gà trong sách Thú vui tao nhã của Toan Ánh (1916 - 2009), có đoạn: “Ở miền Nam có những cuộc đánh cá gà thật to tát. Và ở đây đánh cá trong những cuộc đá gà rất thịnh hành nhất là dưới thời Pháp thuộc. Có nhiều người ở những địa phương tổ chức những trường gà thật chu đáo. Họ dành hẳn những ngôi nhà lớn có thể chứa nổi ba bốn trăm khán giả làm một trường gà. Những khán giả này hoặc cũng là những tay chơi gà sành sỏi, hoặc là những người tham sự cuộc đánh cá và cũng biết sơ lược về chọi gà”. 

Kết quả khảo cổ tại khu vực Đông Nam Á đã bác bỏ ý kiến có tính mặc định rằng đá gà được người Hán truyền tới nước Việt thời Chiến quốc, lúc ấy nước Việt cũng là một nước rất mạnh, kinh đô đặt tại Cô Tô thành.

Hùng kê quyền

 Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như bạch hổ

Thủ quan ngân kiếm tựa thanh long

Xuyên cung độc triểu tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung

Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

Dịch nghĩa:

Hai gà chọi nhau để tranh hùng

Hai chân cùng nhảy, móng chân đâm hất lên

Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng

Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh

Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ

Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch

Chạy, nhảy lên, luồn, hụp… là thế trời cho

Mềm, cứng, mạnh, yếu… đều có cả.

MỚI - NÓNG