Cuộc chạy đua của những MV tiền tỷ

Ca sĩ Đông Nhi lột xác với hình tượng mới trong MV “Boom Boom”.
Ca sĩ Đông Nhi lột xác với hình tượng mới trong MV “Boom Boom”.
TP - Vài năm trước, MV (Music Video) chỉ được xem là “lạc kèm bia”, thì trong 2 năm trở lại đây, MV được xem là “món chính”, là công cụ để quảng bá, thu hút và giữ hình ảnh của cả ca sĩ chuyên nghiệp lẫn những gương mặt mới vào nghề. Vì thế, cuộc chạy đua của các MV ca nhạc ngày càng náo nhiệt và khốc liệt hơn.

Cuộc đua làm MV không chỉ dừng lại ở những ca sĩ trẻ, với các ngôi sao, việc cho ra thị trường những MV độc đáo mỗi năm cũng là sự nghiệp gắn liền với họ, vừa để giữ hình ảnh, giữ vị trí và thu hút các nhãn hãng quảng cáo. Để có được những MV độc đáo, “chất” và thắng thế trong cuộc đua nổi bật, các ca sĩ Việt hiện nay không ngại chi tiền khủng cho MV, ngoài đầu tư kỹ thuật mới với: one take, 360 độ xoay, 3D, Flycam… các ca sĩ còn chịu khó sang nước ngoài chọn những bối cảnh lạ để làm nổi bật sản phẩm của mình.

Ca sĩ Vy Oanh là người bắn phát pháo đầu tiên cho trào lưu làm MV tiền tỷ. Vài năm trước giọng ca “Fly” đầu tư số tiền khổng lồ cho MV “Đồng Xanh” được xem là kẻ “chơi ngông”. Cô khiến dân trong nghề thèm khát, mơ ước và luôn bàn tán. Nhưng chuyện đầu tư tiền tỷ cho một MV ca nhạc không còn là bài toán khó với các ca sĩ hiện nay.

Dù không tiết lộ con số chi phí bỏ ra để thực hiện MV ở Thái Lan là bao nhiêu, nhưng với MV “Where did we go wrong” của ca sĩ Thanh Bùi và Thu Minh được quay tại Thái Lan với đạo diễn nổi tiếng nhất nước này, cùng những cảnh quay khó với view nóc nhà cao tầng, siêu xe hoành tráng, cảnh đụng xe trên cao tốc Thái được dự đoán đã tiêu tốn tiền “khủng”.

Hồ Ngọc Hà trong năm 2015 đổ vào MV không ít tiền. Với lượng MV ra lò đều tăm tắp: “Tội lỗi”; “What is love”; “Destiny”... mỗi MV ngốn vài chục nghìn USD được thực hiện với ê kip trong mơ, đầu tư hoành tráng mong muốn dẫn đầu về xu hướng. Các MV của chân dài gốc Quảng Bình liên tục nằm trong bảng xếp hạng và giành được các giải thưởng cao nhờ gây được hiệu ứng về hình ảnh đẹp, kỳ công, những cảnh quay hoành tráng, thời trang lộng lẫy, nhảy múa tưng bừng… giúp cô củng cố vững vàng danh xưng “Nữ hoàng giải trí”.

Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng nổi tiếng là người chịu chơi với bộ sưu tập MV hoành tráng, sáng tạo với: “Khắc”, “Ô kìa đời bỗng vui”; “Yêu em trong cả giấc mơ”; “Làm sao anh biết”…

Một trong những giọng ca nữ trẻ trung, xinh đẹp khác của làng nhạc Việt, chịu chơi, chịu đầu tư cho MV là ca sĩ Đông Nhi. Cô đoạt hầu hết các giải thưởng về âm nhạc trong năm 2015, ngoài việc nỗ lực trong phong cách biểu diễn, các MV ra đời và biến hóa liên tục của Đông Nhi góp phần không nhỏ vào việc thăng hạng trong bảng xếp hạng nhạc Việt. Chi đậm để làm “Boom Boom”, MV được xem là đánh dấu sự “lột xác” ngoạn mục của nữ ca sĩ Đông Nhi, trước đó “Bad Boy” của cô quay trong phim trường tại TPHCM cũng đã ngốn gần 700 triệu đồng bởi phải dựng 4 bối cảnh quay.

Nam ca sĩ Noo Phước Thịnh là người chăm chỉ ra MV. Ngoài những MV thực hiện một mình, cú hích của “Love in Maldives” của anh và ca sĩ Thủy Tiên thực hiện vào cuối năm 2015 khiến cộng đồng mạng chao đảo với hình ảnh đẹp lung linh và đầy ngôn tình. Và để hoàn thành MV này cặp đôi phải chi trên 1 tỷ đồng.

Các nhà sản xuất MV chuyên nghiệp như Uyên Thư, Boon Hồ, Viet Max và Bluer... đều cho biết chi phí để thực hiện một MV chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn ở thị trường thì chi phí thấp nhất cũng không dưới 30 nghìn USD, vì ngoài đầu tư vào khung cảnh, ý tưởng và việc xử lý hậu kỳ cũng cực kỳ tốn kém.

Đăng Khoa, quản lý ca sĩ tiết lộ lý do vì sao các ca sĩ phải thường xuyên ra MV: “Một phần vì MV dễ được nhớ đến, hình ảnh đẹp, thu hút; mặt khác, ra MV cũng là một cách “hiện diện” trong đời sống âm nhạc một cách cập nhật, thường xuyên, thay vì ra album dễ mất hút trên kệ đĩa hoặc vài năm mới ra nổi. Thậm chí, với nhiều giọng ca trẻ, tung ra MV là cách dọn đường cho hành trình tấn công vào showbiz một cách hiệu quả”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.