“Cuộc chiến” ở Hội văn nghệ Nam định trong mắt một hội viên

“Cuộc chiến” ở Hội văn nghệ Nam định trong mắt một hội viên
TPCN - Gần đây có một số báo như Tiền phong chủ nhật, Văn nghệ trẻ… đăng những bài báo về Hội Văn học nghệ thuật Nam Định. Là một hội viên, cán bộ lâu năm ở đây tôi có thể kể lại đôi điều.
“Cuộc chiến” ở Hội văn nghệ Nam định trong mắt một hội viên ảnh 1
Chùa Phổ Minh, Nam Định

Tôi về Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh tháng 6 năm 1983 khi ấy nhà văn Nguyễn Thế Kiểm vừa mất. Cơ quan có đến gần hai chục người, vào thời kỳ đông nhất có đến hai mươi ba người, nhà văn Chu Văn làm Chủ tịch, cựu đại tá Lê Văn Chương làm Phó Chủ tịch.

Những người ở cơ quan Hội phần lớn từ Sở Văn hóa sang. Chu Văn từng là Trưởng ty Văn hóa rất lâu năm. Kim Ngọc Diệu, Vũ Quốc ái, Giang Phong là cán bộ của Phòng văn nghệ. Thúy Diễm nguyên diễn viên đoàn chèo làm Phó phòng hành chính, Kim Liên đánh máy, Thắng lái xe, bà Suất cấp dưỡng cũng từ Sở Văn hóa…

Lê Hoài Nam đang là bộ đội Hải quân, vừa học xong trường Viết văn Nguyễn Du, được nhận về năm 1987 với sự giới thiệu của ông Lê Văn Chương, sau vụ kỷ luật một số người trong cơ quan. ít lâu sau, Trần Đắc Trung đang làm Chánh văn phòng ủy ban huyện Nghĩa Hưng cũng được đưa lên.

Dưới thời của nhà văn Chu Văn các hoạt động diễn ra khá sôi nổi. Tiếng máy chữ gõ đều đều, rộn rã, người ra kẻ vào không ngớt, từ những hội thảo này đến những trại viết kia liên tục được mở ra. Hội viên của cả bảy bộ môn chưa đến một trăm người. Cơ quan văn phòng Hội ngoài phòng hành chính còn có Ban biên tập tạp chí, Tủ sách quê hương, Ban văn học Thiếu nhi, Phòng xuất bản.

Chu Văn là nhà văn tầm cỡ quốc gia, ông hơn hẳn những người xung quanh không chỉ ở tuổi tác mà còn cả tài năng, kiến thức uyên bác, tầm nhìn xa trông rộng. Nhưng rồi cũng có ý kiến phàn nàn rằng ông coi thường anh em, cho rằng tất cả đám văn nghệ sĩ ở tỉnh chỉ là “thân thảo”, chỉ có ông là “thân mộc”, phòng hành chính và chiếc xe con dường như chỉ là để phục vụ cho các hoạt động và sáng tác của ông thôi.

Đại hội Văn nghệ tỉnh Hà Nam Ninh lần thứ 3 diễn ra vào năm 1988, khi đó nhà văn Chu Văn đã gần bảy mươi tuổi, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Lê Huệ đang làm Giám đốc Sở Văn hóa. Không khí đại hội diễn ra căng thẳng khác hẳn với hai kỳ Đại hội trước. Có nhiều phát biểu chỉ trích lãnh đạo Hội khóa vừa qua, trong đó có bài tham luận của cây bút nữ Trần Thị Nhật Tân gần như là một bài tổng xỉ vả nhà văn Chu Văn.

Có lẽ nhà văn đã phải ân hận vì đã quá tin vào uy tín tuyệt đối của mình đối với giới văn nghệ tỉnh. Lê Huệ được bầu làm Chủ tịch Hội, Lê Hoài Nam, Phó Chủ tịch. Sau Đại hội ông Chu Văn có bảo với Lê Huệ: “Chú muốn làm (ý nói chức Chủ tịch Hội) thì chú bảo anh, việc gì chú phải làm (ý nói những việc trong Đại hội) như vậy”.

Dưới thời ông Chu Văn làm Trưởng ty Văn hóa, Lê Huệ làm diễn viên đoàn chèo, sau lên Trưởng đoàn rồi Giám đốc Sở. Sau khi kiêm chức Chủ tịch Hội Văn nghệ một thời gian Lê Huệ được cử làm Phó Chủ tịch tỉnh, chức Giám đốc Sở Văn hóa được trao lại cho Trịnh Quang Khanh, một người phó vốn có rất nhiều hiềm khích với ông.

Khi đến tuổi về hưu, rời khỏi Văn phòng UBND tỉnh thì ông dành toàn tâm sức cho Hội Văn nghệ. Người ta cũng được biết rằng trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội, Lê Hoài Nam nhiều lần tới gặp Lê Huệ, kể lể đến phát khóc vì những nỗi uất ức của mình. Thật ra người mà Lê Hoài Nam căm ghét không phải là nhà văn Chu Văn.

Anh có hai thứ thường mong muốn thể hiện với mọi người. Một là quá khứ hào hùng của mình thời gian trong quân ngũ. Hai là vốn văn hóa đông tây kim cổ vừa mới tiếp thu được ở trường đại học Viết văn Nguyễn Du. Nhiều người tỏ ra không nể phục những điều đó của Nam. Mâu thuẫn đã nổ ra giữa Nam và một số người. Nam cãi cọ và xỉ vả nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyền, vác ghế định đánh nhà thơ Vũ Quốc ái, những người cả tuổi đời và tuổi nghề hơn Nam đến hai, ba chục năm.

Lê Huệ là một nhà quản lý giỏi. Ngay sau khi nắm quyền lãnh đạo Hội Văn nghệ ông đã nghĩ ngay đến việc xây dựng lại trụ sở Hội. Tiền được huy động từ nhiều nguồn, tiền do hoạt động có lãi của phòng xuất bản trước đây, một số cơ quan, địa phương tài trợ…

Kết quả là trên diện tích của một cái nhà mái bằng cũ kỹ đã mọc lên một khu nhà hai tầng. Tầng một ở phía trong là Hội trường, ở phía ngoài mặt tiền phố Trần Hưng Đạo là một dãy kiôt cho các chủ hàng đồng hồ, đồ điện… thuê.

Tiền cho thuê các kiốt một phần dành cho các hoạt động của Hội, một phần chia cho những cán bộ trong văn phòng cơ quan Hội, gọi là kế hoạch 3. Tầng hai là các phòng làm việc.

Tỉnh Hà Nam Ninh chia thành hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Đại hội văn nghệ tỉnh Nam Hà lần thứ 4 diễn ra vào năm 1993 khá suôn sẻ. Đạo diễn Lê Huệ vẫn làm Chủ tịch, Lê Hoài Nam Phó Chủ tịch. Hội văn nghệ Nam Hà lại được tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.

Cơ quan Hội xây tiếp một tòa nhà nữa ở trong sân nơi trước kia là một dãy nhà cấp bốn. Một hội trường lớn, lộng lẫy ở tầng hai mái bê tông phủ ngói đỏ, rất nhiều đèn và quạt trần; tầng một chia ra thành nhiều phòng. Gần như mỗi người có một phòng làm việc, một số phòng còn được trang bị máy điều hòa. Khách gần xa tới thăm đều nức nở khen Hội văn nghệ Nam Hà có cơ sở vật chất vào bậc nhất so với các Hội văn nghệ trong cả nước. Chủ tịch Lê Huệ lấy làm hãnh diện về điều này.

Ông bảo: “Có an cư mới lạc nghiệp. Giờ đây anh chị em văn nghệ sĩ chỉ còn có mỗi việc chăm lo cho sáng tác thôi”. Đến khi tách tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, Lê Huệ được mời về làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nam và ở đây ông cũng dành nhiều công sức để xây lên một trụ sở Hội to lớn và đẹp đẽ.

Mâu thuẫn giữa Phó Chủ tịch Lê Hoài Nam và Chủ tịch Lê Huệ thực sự bùng ra trong những lần xây dựng, đặc biệt là công cuộc xây dựng lần thứ hai. Lê Hoài Nam cho rằng Lê Huệ đã biến Hội Văn nghệ thành một công trường xây dựng, xây dựng liên miên và đặc biệt anh ta mặc dù là một thành viên của Ban xây dựng nhưng chẳng biết được cái gì cả. Là Tổng biên tập phụ trách tạp chí Văn Nhân anh kêu ca Chủ tịch Hội không quan tâm đúng mức tới tạp chí, Chủ tịch Hội luôn luôn phê bình tạp chí không làm tròn các chức năng nhiệm vụ của mình…

Lê Hoài Nam bị kỷ luật lần thứ nhất do cãi nhau với một nhân viên hành chính, giang tay tát anh này, bị anh này đưa đơn ra tòa cộng thêm một số khuyết điểm có sẵn của Lê Hoài Nam vào nữa, người ta đi đến kết luận bãi chức Phó chủ tịch Hội, kèm theo tất nhiên là cả chức Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.

Quyết định kỷ luật được đưa ra biểu quyết trong Ban chấp hành, mặc dù Chủ tịch Lê Huệ bỏ phiếu trắng nhưng phiếu thuận vẫn đông hơn. Trần Đắc Trung thay Lê Hoài Nam làm Phó Chủ tịch, Lê Huệ trực tiếp chỉ đạo tạp chí Văn Nhân. Năm 1996 chia tách tỉnh, Lê Huệ về Hà Nam, Trần Đắc Trung tạm quyền Chủ tịch Hội.

Cần phải chuẩn bị cho một kỳ Đại hội tới. Trần Đắc Trung tin là có thể khẳng định vị trí hiện có của mình. Lê Hoài Nam ngán Lê Huệ chứ không ngán Trần Đắc Trung, anh quyết đòi vị trí của mình đang nằm trong tay Trần Đắc Trung.

Một số người tiếp tục đưa ra những lời tố cáo Lê Hoài Nam, một số người khác tố cáo Trần Đắc Trung biển lận công quỹ trong việc xây sân trụ sở Hội (?) và không có khả năng lãnh đạo. Một người nữa thiết tha cái chức vị đó không kém cả Trung lẫn Nam, đó là đạo diễn Trịnh Quang Khanh hiện đang giữ chức Giám đốc Sở Văn hóa sắp đến tuổi về hưu.

Từ ngày ông Lê Huệ thôi làm Giám đốc Sở Văn hóa thì ông Khanh tha hồ làm đạo diễn cho các đoàn. Ông Lê Huệ chỉ làm đạo diễn chèo được thôi chứ ông Quang Khanh có thể làm được cả kịch, chèo, cải lương. Người ta cứ tưởng ông sắp được phong danh hiệu nghệ sĩ ưu tú thế nhưng không hiểu làm sao mãi vẫn chưa thấy.

Dù sao một người đang làm Giám đốc Sở Văn hóa ra tranh chức Chủ tịch Hội Văn nghệ cũng có nhiều thế hơn. Số đông hội viên đều là người đang ăn lương của Sở Văn hóa, bộ môn đông nhất là sân khấu, hầu hết các thành viên của bộ môn này là diễn viên, các đoàn trưởng có thể chỉ đạo họ được…

Tuy nhiên ông Khanh cũng không hoàn toàn thuận lợi. Có người cho rằng “văn” cao hơn “nghệ”, ở một tỉnh giàu truyền thống văn hóa như Nam Định thì lãnh đạo Hội Văn nghệ phải là một anh làm văn hay làm thơ chứ không cứ mãi một anh làm sân khấu.

Người ta cũng biết được rằng ông Khanh cứ khoe mãi cái bằng tốt nghiệp sân khấu ở Liên Xô cũ nhưng thực chất là tốt nghiệp văn hóa quần chúng. Một vài người trước đây là cán bộ của Sở Văn hóa từng bị ông Khánh “trù úm” nay tìm thấy dịp để “trả thù”…

Người ta tố cáo ông tham ô (?) trong việc xây dựng văn phòng Sở, tượng đài Trần Hưng Đạo và trong nhiều hoạt động văn hóa khác. Một nhóm người nào đó mang một bức tượng lạ từ trong Nam ra bảo đấy là tượng Phật, suýt nữa thì bức tượng đã được dựng lên ở công viên Tức Mạc, bên hồ Truyền Thống, may mà có người phát hiện ra, bức tượng phải đưa vào trong kho của Bảo tàng…

Cuộc chiến giằng dai từ năm 1997 đến hết năm 1998, đơn từ bay như bươm bướm, ca vè các loại cùng những lời đả kích châm chọc lẫn nhau. Hết họp Ban kiểm tra lại đến họp Ban chấp hành, rồi lại họp Ban chấp hành cùng Ban kiểm tra, rồi lại họp các tổ bộ môn…

Trong tất cả các cuộc họp bao giờ ông Khanh cũng giữ một thái độ kiên nhẫn, bình tĩnh, nói năng nhẹ nhàng biểu lộ đầy tình nhân ái với ngay cả những người vừa nặng lời với ông. Có lúc tưởng chừng phe Trần Đắc Trung thắng thế, có người đang ủng hộ ông Khanh vội quay sang ủng hộ Trần Đắc Trung.

Cuối cùng thì Trịnh Quang Khanh phải liên kết với Lê Hoài Nam, tìm cách xóa án kỉ luật của Lê Hoài Nam. Đại hội văn học nghệ thuật Nam Định lần thứ 5, tuy có hơi muộn so với dự kiến, đã diễn ra suôn sẻ vào đầu năm 1999, Trịnh Quang Khanh làm Chủ tịch, Lê Hoài Nam lại trở về chức Phó Chủ tịch và Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.

Thực ra Lê Hoài Nam cũng có một chút tài năng. Anh chịu khó viết, có mấy chuyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ, một số bài báo, mấy cuốn tiểu thuyết, được kết nạp Hội nhà văn từ khá sớm, sau khi được làm Phó Chủ tịch lần thứ nhất.

Nhược điểm của anh là cứ nói văng mạng. Một số người bị anh xúc phạm thì đem lòng thù oán. Một số nghe anh hứa hẹn điều nọ điều kia sau thấy không được như ý cũng đâm ra ghét anh. Người ta chê Nam không biết làm tạp chí, chỉ lợi dụng tạp chí để in bài cho những người thân cận (?).

Lại sắp một kì Đại hội mới, theo định kì là vào năm 2004. Từ năm 2000, 2001 Trịnh Quang Khanh tuyên bố là mình sẽ rút, để nghỉ ngơi, để “cho anh em trẻ lên làm”. Lê Hoài Nam không tin lắm vào thực tâm của Trịnh Quang Khanh nhưng anh tin là Trịnh Quang Khanh không thể tiếp tục được nữa và người kế vị ông chắc phải là anh.

Người ta dự đoán rằng Nam cũng sẽ vẫn chỉ là phó thôi vì lại một Giám đốc Sở Văn hóa khác sang làm Chủ tịch. Nhưng Nguyễn Xuân Năm, Giám đốc Sở Văn hóa hiện thời mới năm mươi tuổi, còn lâu mới đến tuổi về hưu, chắc chưa vội lắm với cương vị Chủ tịch Hội Văn nghệ. Với niềm tin ấy Lê Hoài Nam thỉnh thoảng có hục hặc với Trịnh Quang Khanh một tí, xong rồi lại thôi.

Đùng một cái người ta đưa ra một cái tin Lê Hoài Nam trong thời gian đi bộ đội đã có lần đảo ngũ và thực chất anh chưa học hết phổ thông, bằng tốt nghiệp lớp 7 của anh là bằng giả (?). Các đoàn kiểm tra phải đi xác minh. Sự thật có như vậy, nhưng đấy là chuyện của quá khứ và trong hoàn cảnh chiến trang.

Lê Hoài Nam bị cảnh cáo và phải làm lại lý lịch. Biết đây là ngón đòn của Trịnh Quang Khanh, Nam kiền kể tội tham ô của ông lên các báo. Một số bạn đọc ở Hà Nội và các tỉnh bạn lấy làm ngạc nhiên vì chuyện tham ô có mấy chục triệu mà cũng đưa nhau lên mặt báo, chuyện tham ô tiền tỉ người ta còn chưa giật mình nữa là.

Những người ấy có hiểu đâu, với thời điểm bấy giờ ở Nam Định một công nhân nhà máy dệt làm quần quật cả tháng chỉ được có mấy trăm ngàn đồng, những hội viên của Hội Văn nghệ Nam Định không mấy ai dám mời nhau một chén nước chè hai trăm đồng hay một cốc bia NaDa một ngàn rưỡi. Nhưng ngay cả trong số hội viên Hội văn nghệ cũng có người bảo nhau: “Làm cái Chủ tịch Hội Văn nghệ thì ăn bàn ăn giải gì mà đánh nhau khiếp quá!”.

Thế là họ đã quên đi là có bàn có giải hẳn hoi chứ nếu không thì làm sao có chuyện. Dù sao thì súng đã bắn lên trời, hai người ở hai bên chiến tuyến, đấy là cuộc đấu tranh một mất một còn. Trịnh Quang Khanh cũng nhận một thông báo cảnh cáo và yêu cầu trả lại cho công quỹ ba mươi sáu triệu đồng.

Tỉ số cân bằng cho cả hai bên. Lê Hoài Nam tính còn moi ra các vụ khác nữa để đưa Trịnh Quang Khanh ra truy tố. Một cuộc họp Ban chấp hành do Trịnh Quang Khanh triệu tập không được đầy đủ các thành viên cho lắm với số phiếu quá bán một tí đã ra quyết định khai trừ Lê Hoài Nam khỏi Ban chấp hành, miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch và Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.

Lê Hoài Nam không công nhận quyết định đó vì chức Phó Chủ tịch của anh do tỉnh quyết định, chức Tổng biên tập do Cục Báo chí cấp. Sự việc lại dằng dai thêm một đận nữa.

Năm 2004 trôi qua, năm 2005 cũng sắp đi, Đại hội Đảng các cấp đã xong, Đại hội văn nghệ các tỉnh người ta đã làm xong từ tám hoánh nào rồi, riêng Nam Định vẫn cứ bùng nhùng lằng nhằng.

Sau cùng thì UBND tỉnh Nam Định phải ra quyết định chuyển đồng chí Lê Hoài Nam sang cơ quan Hội chữ thập đỏ, Trần Đắc Trung chính thức lên thay, ngày tháng tiến hành Đại hội văn nghệ đã được ấn định.

Trong cuộc họp của bộ môn Văn xuôi đề cử người tham gia Ban chấp hành khóa mới, Lê Hoài Nam không thấy có tên mình trong danh sách, anh ta liền nổi đóa lên, cuộc họp phải bỏ dở chừng, người ta thấy rằng vẫn sẽ không tiến hành Đại hội được nếu còn sự có mặt của Lê Hoài Nam.

Một quyết định khai trừ Lê Hoài Nam ra khỏi Hội cùng một hội viên khác nữa vì tội mượn rượu phát ngôn bừa bãi trong hội nghị. Trong Đại hội vẫn còn có ý kiến thắc mắc sao không thấy Lê Hoài Nam đến dự.

Đại hội văn nghệ tỉnh Nam Định lần thứ 6 “thành công tốt đẹp”. Trần Đắc Trung được bầu làm Chủ tịch, Phạm Trường Thi, một nhà thơ công tác lâu năm ở Đài Truyền hình được điều sang để giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân.

Phạm Trường Thi kể ra cũng hơi bị thiệt bởi vì lương bên Truyền hình đang bốn, năm triệu một tháng nay sang Hội Văn nghệ chỉ có hơn một triệu, nhưng đã được cái oai, vả lại hai năm nữa là anh ta đã đến tuổi về hưu.

Chuyện Hội Văn nghệ Nam Định đại khái là như thế. Những điều tôi biết thì hầu hết mọi người đều biết. Có vô vàn những chuyện dích dắc, kì bí và những bài vè cũng hơi buồn cười mà tôi rất ít biết và cũng không tiện kể ra đây.

Tháng 6/2006

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.