Cuộc chơi chung của 8 sắc màu

Họa sĩ Mai Hiên đại diện nhóm G8 phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm. Các họa sĩ (hàng sau, từ trái sang): Đỗ Đình Cường, Lâm Thanh, Trần Thùy Linh, Trần Thanh Thục, Trần Quang Hải, Nguyễn Thị Lan Hương, Thái Vĩnh Thành
Họa sĩ Mai Hiên đại diện nhóm G8 phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm. Các họa sĩ (hàng sau, từ trái sang): Đỗ Đình Cường, Lâm Thanh, Trần Thùy Linh, Trần Thanh Thục, Trần Quang Hải, Nguyễn Thị Lan Hương, Thái Vĩnh Thành
TP - Tám họa sĩ, kẻ trong Nam người ngoài Bắc, với 8 phong cách khác nhau, cá tính khác nhau. Mỗi người đều đã có con đường riêng của mình. Đến một ngày đẹp trời, họ hẹn nhau ở một triển lãm chung. Và chính sự khác biệt giữa họ đã tạo nên một buổi triển lãm phong phú, nhiều màu sắc.

Tôi đi tìm mình

Triển lãm cũng là cuộc “chào sân” đầu tiên của nhóm họa sỹ G8 gồm 4 họa sỹ Hà Nội, 4 họa sỹ TPHCM. Hơn 50 tác phẩm acrylic, sơn dầu, sơn mài, chất liệu tổng hợp và cắt vải đã thu hút người xem ngay từ ngày đầu khai mạc. Họ là những người bạn, những đồng nghiệp thân thiết đã nhiều lần cùng nhau tham gia các trại sáng tác, những chuyến đi thực tế và đã bày tranh chung tại nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước.

“Nếu như tranh của các tác giả nam thể hiện sự khỏe khắn, điêu luyện thì các tác giả nữ dẫu bút pháp có mạnh mẽ, dữ dội thì vẫn nhìn thấy đằng sau đó là sự nữ tính và tình yêu nồng nàn. Điều đó cùng với những điểm khác nhau về vùng miền, phong cách, chất liệu, kích thước, cách khai thác đề tài... đã làm cho phòng tranh phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn, đồng thời giúp đời sống mỹ thuật lan tỏa hơn”.   

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

                cảm nhận khi có mặt ở buổi khai mạc 

triển lãm

“Chúng tôi hiểu nhau và đủ chiều sâu để nhận ra rằng để có thể bày tranh cùng nhau, điều quan trọng nhất là mỗi gương mặt nhất định phải có cá tính riêng, không lẫn lộn, nhưng lại phải có nhiều điểm tương đồng để mạch tranh cũng như mạch tư duy nghệ thuật không bị đứt đoạn. Đó là điều G8 luôn hướng tới và mong muốn dành cho công chúng qua một cuộc triển lãm chung. Sau cuộc này, nhóm sẽ tiếp tục làm việc miệt mài để chuẩn bị cho những dự án tiếp theo. Có thể lúc đó, mỗi người lại còn khác đi nữa, mới hơn nữa“- Họa sĩ Mai Hiên, trưởng nhóm G8 chia sẻ.

Bùi Mai Hiên định danh với tranh sơn mài trong nhiều năm qua nhưng gần đây chị đã chuyển sang vẽ sơn dầu, sáng tác tranh hiện thực thay vì trừu tượng. Nếu như với sơn mài, chị là một nghệ sĩ sắc sảo, mạnh mẽ thì khi chuyển sang chất liệu acrylic, Mai Hiên lại hồn nhiên như một đứa trẻ. Tranh của chị bay bổng, trong trẻo, ngập tràn không gian mùa xuân, với một góc rừng Tây Bắc, cảnh sắc đại ngàn hùng vĩ hay giây phút suy tư trong phố…

Khác với những họa sĩ trong nhóm, được đào tạo mỹ thuật bài bản, Trịnh Thùy Linh là “kẻ tay ngang liều lĩnh”, khi theo hội họa chỉ bằng bản năng và tự học. Linh vẽ bằng cảm xúc hồn nhiên, vừa gần gũi vừa tạo cho người xem nhiều khoái cảm. Hoa của Trần Thùy Linh không phải trong bình mà là chân dung hoa. Dẫu tay nghề và chất liệu còn non nớt so với các thành viên trong nhóm nhưng bù lại, Linh đa tài, không chỉ vẽ được mà còn là một nhiếp ảnh gia, một cây bút văn nghệ có tiếng. Thế nên, những bức tranh hoa bán siêu thực của cô trở nên lộng lẫy, mềm mại, cuốn hút đến lạ thường.

Thử thách với tranh nude

Nếu như bốn nữ họa sĩ mỗi người một vẻ, một đề tài và hướng đi riêng thì cánh nam giới trong nhóm lại có chung một nguồn cảm hứng sáng tác, đó là phụ nữ. Tuy nhiên, ngay cả khi chọn chung đề tài thì cả 4 nam họa sĩ cũng có những bút pháp và cách cảm nhận khác nhau.

Bút pháp mềm mại và đặc thù của chất liệu lụa giúp họa sỹ Lâm Thanh tạo nên những thiếu nữ nuột nà, ngọc ngà như tiên đồng ngọc nữ bên những bông sen tinh khiết. Chọn một đề tài đã được nhiều người khai thác, đi trên con đường mà vẻ đẹp tưởng như đã bão hoà nhưng các “nàng” của Lâm Thanh vẫn mang dáng dấp riêng, như bước ra từ quá khứ, nude đầy gợi cảm mà thánh thiện.

Là họa sĩ gốc Bắc, từng có thời gian dài sinh sống và làm việc ở TPHCM, họa sĩ Trần Quang Hải vẫn quyết định hồi hương để “tu luyện” với sơn mài- tình yêu bất tận của anh. Nếu như nữ giới trong tranh của Thái Vĩnh Thành và Đỗ Đình Cường là các “cô gái”, trong tranh của Lâm Thanh là “thiếu nữ”, thì nữ giới của Trần Quang Hải đích thị là “đàn bà”. Những người đàn bà của Trần Quang Hải mang vẻ đẹp đầy ma mị, khiêu khích và đậm cá tính trong một không gian siêu thực, sâu thăm thẳm.

Triển lãm của nhóm họa sĩ G8 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học và kéo dài đến ngày 2/3/2017.

Các tác phẩm tại triển lãm:

Cuộc chơi chung của 8 sắc màu ảnh 1
Cuộc chơi chung của 8 sắc màu ảnh 2
Cuộc chơi chung của 8 sắc màu ảnh 3
MỚI - NÓNG