Cuộc “đổi đời” cho bảo tàng Việt Nam?

Cuộc “đổi đời” cho bảo tàng Việt Nam?
Thủ tướng vừa ra quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, một loạt các bảo tàng sẽ được đổi mới phương thức hoạt động và xây mới.
Cuộc “đổi đời” cho bảo tàng Việt Nam? ảnh 1
Thăm di tích lịch sử Điện Biên Phủ    Ảnh: Phạm Yên

Một trong nhiều mục tiêu đặt ra là củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò nòng cốt của bảo tàng quốc gia, bảo tàng đầu hệ; phát triển các bảo tàng chuyên ngành về giáo dục, KH-KT và các bảo tàng ngành nghề truyền thống.

7 bảo tàng quốc gia hiện nay gồm Bảo tàng Lịch sử VN, Cách mạng VN, Lịch sử Quân sự, Mỹ thuật, Văn hóa các dân tộc, Dân tộc học và Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ được chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật và đổi mới phương thức hoạt động. 3 bảo tàng quốc gia mới sẽ mọc lên: Bảo tàng Thiên nhiên VN, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN và Bảo tàng Sinh thái Hạ Long.

Dự định, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN hình thành từ Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng, đồng thời có sự đóng góp hiện vật trong phạm vi cả nước. “Sự sáp nhập này không phải là phép cộng đơn thuần, nó chỉ là chỗ dựa về hệ thống hiện vật, cán bộ khoa học cũng như kinh nghiệm trong hoạt động tác nghiệp” - PGS.TS Phạm Mai Hùng, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng VN, nói.

Cũng theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Bảo tàng Thiên nhiên đang chuẩn bị thiết kế, vấn đề còn lại chọn là địa điểm. Một phần nội dung của bảo tàng Thiên nhiên gần như thừa kế “tài sản” của Bảo tàng Địa chất (Bộ Công nghiệp) với hơn 2 vạn mẫu vật đá, quặng... của mọi miền ở VN; Bảo tàng Sinh vật biển (hay Bảo tàng Hải dương học) - một trong những bảo tàng lớn nhất và đầy đủ nhất Đông Nam Á; cuối cùng là Phòng Mẫu vật động thực vật (ĐH Khoa học tự nhiên HN).

Như vậy ít nhiều 2 bảo tàng Thiên nhiên và Lịch sử Quốc gia đã có cơ sở cho tương lai. “Riêng bảo tàng Sinh thái thì chưa có tiền lệ gì và ít cơ sở hơn” - Vẫn lời ông Phạm Mai Hùng.

Mạng lưới bảo tàng trong cả nước thời gian qua khá phát triển nhưng chưa đồng bộ và hơi thiên lệch. Khoảng 3/4 bảo tàng ở VN thuộc lĩnh vực lịch sử - xã hội, còn một phần rất nhỏ thuộc khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Bởi vậy, mục tiêu phát triển bảo tàng về giáo dục, KH-KT và ngành nghề truyền thống đã đề ra trong Quy hoạch tổng thể là cần thiết.

Nếu bạn chăm chỉ tham quan sẽ dễ nhận thấy rằng “tài sản lịch sử” ở nhiều bảo tàng quá trùng lặp nhau. Một cán bộ bảo tàng lâu năm cho biết: Chúng ta học Liên Xô (cũ) quá nhiều, họ có bảo tàng gì mình có bảo tàng đó.

Bạn xây bảo tàng khảo cứu địa phương, mình cũng mọc lên hàng loạt bảo tàng tỉnh, thành phố. Phần lớn bảo tàng địa phương hiện nay ở VN đều gần y chang nhau ở cái “khung” trưng bày: điều kiện tự nhiên, lịch sử trước Cách mạng, sau Cách mạng đến nay. Bởi thế, xem bảo tàng địa phương khá nhàm chán hiện vật khá nghèo nàn và nhiều khi trùng lặp, dễ dãi...

Liệu trong tương lai có thể tránh tình trạng trùng lặp nội dung trưng bày giữa các bảo tàng quốc gia không? TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN nói: Tránh được hay không là ở vai trò cầm nhịp, giữ nhịp của nhà quản lý. Tôi nghĩ việc ấy không khó. Còn PGS.TS Phạm Mai Hùng thì cho rằng bảo tàng tỉnh, thành phố cần chăm lo giới thiệu bản sắc văn hóa của địa phương mình hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở việc trưng bày những thành tích kháng chiến và xây dựng đã qua.

Theo bản Quy hoạch tổng thể, sẽ từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động đối với một số bảo tàng chuyên ngành có các bộ sưu tập quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học, trưng bày và giới thiệu nhằm thu hút khách tham quan và phát triển du lịch. Đó là các bảo tàng Lịch sử TPHCM, Hải dương học, Địa chất VN, Điêu khắc Chăm...

Một quan chức Cục Di sản (Bộ VH-TT) nói: Bảo tàng thế giới rất chú ý chương trình giáo dục. Mỗi loại công chúng có một chương trình riêng, không còn là bài giảng mà tạo điều kiện cho người ta khám phá. Bảo tàng của VN phải thay đổi để hút khách. Cũng theo quan chức này, Bảo tàng Hồ Chí Minh là bảo tàng duy nhất ở VN đạt được trình độ khu vực, nhưng chỉ là ở năm 1990, còn bây giờ mọi bảo tàng ở ta đều tụt hậu.

Cục Di sản văn hóa cho biết: Sắp tới các bảo tàng phải khắc phục sự đơn điệu, trùng lặp, tổ chức dịch vụ ăn nhanh và đồ uống cho khách tham quan. Đặc biệt cần chú ý khía cạnh văn hóa sau mỗi hiện vật. Sức nặng hiện vật không phải là khẩu súng này từng bắn được bao nhiêu giặc, chiến dịch này thu thắng lợi gì, mà là khẩu súng ấy được chế tác cải tiến ra sao, người bắn đã dùng thế nào cho hiệu quả, cái đặc sắc của chiến dịch kia ở đâu...

Bảo tàng sinh thái - nhân văn, bảo tàng tư nhân và bảo tàng ngành nghề thủ công truyền thống là những xu hướng lớn mà Cục Di sản văn hóa xúc tiến trong tương lai gần.

Bảo tàng hóa di sản văn hóa làng trở thành bước đệm cho bảo tàng sinh thái - nhân văn, đang thử nghiệm cho làng Thổ Hà (Bắc Giang). Quy trình sản xuất gốm, bánh đa nem do các nghệ nhân của Thổ Hà thực hiện tại bảo tàng tỉnh Bắc Giang, còn tại làng có một trung tâm thông tin về di sản văn hóa làng Thổ Hà và vùng phụ cận, mở các lớp dạy nghề làm gốm cổ, bánh đa nem, hát quan họ...

MỚI - NÓNG