Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn” - Kỳ 2

Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn” - Kỳ 2
TPCN - Bài thơ làm cho vui mà ứng nghiệm với số phận lận đận của ông. Mà tính cách “ngông cuồng” như thế, làm sao “người ta” dám giao cho những trọng trách luôn phải tỏ ra mực thước, nghiêm nghị?
Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn” - Kỳ 2 ảnh 1
Nhà thơ Vĩnh Mai

Vậy nên sau khi được “lên chức” Bí thư Thành ủy Huế và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, ông cứ tụt dần trên nấc thang quyền lực: Làm cán bộ Ban Tuyên giáo Chi hội Văn nghệ Liên khu 4, rồi Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tổ trưởng thơ báo “Văn nghệ”.

Có lẽ cũng vì thế mà 20 năm “người ta” quên lên lương cho ông; và cũng mãi 20 năm sau khi ông mất, Hội Nhà văn mới chợt nhớ ra ông là người từng có nhiều công lao, lại hoạt động cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, đề nghị truy tặng ông Huân chương Độc Lập hạng 2!

Đọc hồi ký của chị Phương Chi mới hiểu thêm vì sao nhạc sĩ Trần Hoàn lại “tặng” cho nhà thơ  đồng hương từ “ngông cuồng” - dù là trong ngoặc kép. Trong cuộc “rèn cán chỉnh quân” năm 1953, người ta mổ xẻ phê phán nhà thơ dòng dõi Hoàng tộc Văn Tôn (tức Hải Bằng) với bài thơ Gửi em người nữ cứu thương là “mất lập trường”, sao lại “anh em” với “con y tá người Pháp là kẻ thù”…

Ai cũng tưởng Vĩnh Mai là chính trị phạm từ Buôn Mê Thuột về, hẳn sẽ tuôn ra những lời rất đanh thép. Không ngờ ông nói: “Văn Tôn viết như vậy mới thơ… Thấy xác em nằm trên đống cỏ khô/ Đắp cho em mền trấn thủ…Nhân đạo biết bao. Chẳng lẽ viết Thấy xác mi nằm…Đắp cho mi cái bao tải để tỏ ra có lập trường à?”.

Chưa hết! Thời kháng chiến chống Pháp ở Quảng Trị, trong đợt học tài liệu quan trọng “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” do Vĩnh Mai phụ trách, khi mọi người đã thông tư tưởng, bất ngờ ông nhà thơ kiêm Trưởng ty Tuyên truyền bỗng nói: “Tôi bảo trường kỳ kháng chiến không thắng lợi”.

Thế là cả trăm học viên cùng một chiến tuyến tranh luận mấy ngày với “đối phương” chính là lớp trưởng. Vậy mà số đông bị đuối lý. Lúc này ông Trưởng ty lại trở chứng nói: “Bây giờ tôi bảo trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Lại tiếp tục tranh luận và rút cục cả lớp đồng tình với ông. Cách học “kỳ quặc” này đến tai cấp trên, Vĩnh Mai bị phê bình. Ông nói: Làm tuyên truyền thì phải có lý luận vững chắc, mới “đấu” được với kẻ địch.

Thật ra, chỉ vì nếp quen tuân phục nói một chiều, ca một giọng, chứ “cách học” của Vĩnh Mai là “chuyện xưa” trên thế giới. Đó là khi dạy và học phải tránh thụ động, biết lật đi lật lại vấn đề; đó là cũng là một “hạt nhân” của tư tưởng C. Mác: Với người làm khoa học, nghiên cứu luôn phải biết phê phán, hoài nghi.

Vĩnh Mai còn có “nỗi oan” cười ra nước mắt. Ấy là hồi ông được cử đi làm “Cải cách ruộng đất” đợt đầu ở Thanh Hoá, về “ba cùng” với Đôn, một nông dân nghèo độc thân.

Không đồng tình với cách đề “chỉ tiêu phần trăm” địa chủ ở từng xã, ông lên Đoàn ủy báo cáo, gặp một vị chức rất to ở “Trung ương” về kiểm tra. Hai người tranh luận kịch liệt; khi biết Vĩnh Mai là Tú tài Tây, vị quan to Trung ương liền phán: “Trí thức bấp bênh.” (Sau “sửa sai” thì chính vị quan to lại bị kỷ luật!)

Ngược lại, Đôn rất quý Vĩnh Mai. Ông dạy Đôn học, làm cả một trường ca về mối tình của anh với cô Thanh - cũng từng là một đầy tớ nhà địa chủ như Đôn, mời anh nếm thử cà phê nữa! Không ngờ “tai họa” lại bắt đầu từ đây.

Vĩnh Mai là người có thể nhịn ăn, nhưng không nhịn được cà phê. Thời ấy, chỉ có cách cho cà phê vào khăn tay buộc chặt, dầm vào nước sôi, rồi thêm chút đường đen.

Do Đôn khoe với bạn chuyện uống cà phê, ông Đội Vĩnh Mai còn đọc sách Tây nữa, thế là Bí thư Đoàn ủy triệu tập ông lên bắt làm kiểm điểm. Ông không biết vì tội gì, thẳng thừng chất vấn, liền được giảng giải:

- Tội của anh là uống cà phê, là tiểu tư sản. Nhưng nghiêm trọng hơn cả là đọc sách Tây, vậy là mất lập trường lắm!

- Lạ nhỉ? Hồi tôi hoạt động trước 1945 trong Huế, các anh Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh và cả thợ thuyền đều vào quán uống cà phê…

- Hồi ấy còn thực dân, bây giờ đã tham gia kháng chiến mà thèm uống cà phê là tiểu tư sản.

Bị buộc phải viết kiểm điểm, Vĩnh Mai liền viết:

A- Chữ Tây là rất hay.

B- Nhà Tây là rất sang.

C- Phụ nữ Tây là rất lịch sự.

Ba điểm ấy, tôi (Vĩnh Mai) rất thích.

Còn café giúp tôi tỉnh ngủ…

Bản kiểm điểm đến đây là đủ.

Ký tên: Vĩnh Mai.

Một tuần sau, ông nhận được quyết định: “Trả về Chi hội Văn nghệ Khu 4”!

Được trở về gặp lại bạn bè văn nghệ, chị Phương Chi nấu nồi chè “liên hoan”. Nghe Vĩnh Mai kể chuyện “kiểm điểm”, Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung… ôm bụng cười phun cả chè!

“Tai” vừa qua thì Vĩnh Mai lại dính “nạn nghề nghiệp” hồi “56-57” do có “tội” in chung tập thơ “Trên ghế đá” với nhà thơ Lê Đạt, lại không chịu đấu tranh với những văn nghệ sĩ đang bị “lên án”! Lại phải đốt hết bao thuốc lá này đến bao thuốc khác, ngồi cả tuần viết kiểm điểm…

Hẳn sẽ có người dẫn câu hát “nhắc chi ngày xưa đó để xé buồn lòng ta” hàm ý rằng nên “cho qua đi”, nhất là khi nhà thơ đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập cao quý, rồi “Tuyển tập” được in sang trọng thì cũng coi như đã được “sửa sai”.

Thì đó cũng là một nhẽ để thấy chúng ta thật may mắn được hít thở bầu không khí “Đổi mới” ngày một trong lành. Chị Phương Chi đã nhắc lại một kỷ niệm sau kỳ Đại hội “Đổi mới” của Hội Nhà văn, các bạn đồng nghiệp như Văn Cao, Trần Hữu Thung, Xuân Hoàng, Huy Phương, Sơn Tùng, Lương An, Phan Xuân Hạt… đã đến thắp hương cho Vĩnh Mai.

Xuân Tửu nói to: “Ông Vĩnh Mai ơi! Ông không sống đến bây giờ mà chứng kiến, những chính kiến lập luận phát biểu xưa của ông, của anh em chúng ta được đại hội chấp nhận rồi. Chúng ta đã được cởi trói…”.

Nhưng nói đến số phận một con người, làm sao có thể quên những năm tháng gian nan. Và những trang sử cũ, những bài học cũ từ ngàn xưa vẫn không ngừng được nhân loại nhắc đến để hậu thế không tái phạm sai lầm. Lại có những điều đau lòng không thể “sửa sai” được nữa.

Chị Phương Chi cũng đã viết: “…Khổ vật chất đã đành, vì đất nước ta nghèo. Nhưng cái khổ bị giày vò tinh thần mới đau hơn. Tôi đã gắn bó với nhà thơ, người chồng bị giày vò tinh thần cho đến chết…”.

Và có phải vì vậy mà chị đã phải cam chịu nỗi bất hạnh không một lần được làm mẹ? Lại có những cái khổ vật chất nhưng lại gây chấn động tinh thần đêm nay sang đêm khác. ấy là trong nhiều năm, hai vợ chồng luôn phải sống trong cảnh chật chội, nhất là khi ở 73 phố Thuốc Bắc; căn phòng chỉ có 7 mét vuông, “chật đến nỗi không còn chỗ làm liếp mà che cửa để người qua lại khỏi nhìn thấy, đành tạm che ri-đô vải.

Người dắt xe đạp đi qua đụng vào giường, ngủ trưa không được và 11 giờ đêm, công nhân vệ sinh đổ thùng làm rơi giữa sàn, phải dùng tro mà chống hôi thối, rồi chùi sau…”.

Ôi chao! Cũng đáng gọi là “Chuyện khó tin nhưng có thật”. Nhà thơ “ngông cuồng” của chúng ta thì lại tự cho mọi sự “trục trặc” là vì mình nên đã hơn một lần bàn với vợ: “…Sống với anh em sẽ không hy vọng có con đâu…Anh muốn Phương Chi có hạnh phúc hơn. Phương Chi phải li dị với anh thôi…”.

Chị Phương Chi “đã ngồi khóc ròng buổi chiều ấy”, khóc vì nỗi bất hạnh của mình mà cũng vì cảm động trước sự hy sinh cao cả của người bạn đời.

Sau đó, hai người đã đi tìm con nuôi, nhưng thật không may; lần đầu, nhận một cháu gái lạc trên tàu hoả do công an đường sắt đem về cho, nuôi được một tháng thì cha mẹ cháu tìm đến, đành phải chia tay, mặc dù hai người thương cháu như con đẻ, đến mức Vĩnh Mai đã viết nên những câu thơ buồn đứt ruột: “Con bước đi lụm đụm/ Chốc chốc lại nhìn lui/ Lòng ba bỗng bùi ngùi/ Thấy thương con thương quá”.

Lần thứ hai, nhận nuôi con của người bà con ở quê vào lúc đói kém, nhưng được mấy năm, khi đời sống khá lên, họ lại ra xin cháu về và một lần nữa, hai người lại “trắng tay”!

Cũng có thể nói, chính là với đức hy sinh cao đẹp ấy mà “cậu Tú tài Tây” mới trở thành người cộng sản không run sợ trong ngục tù đế quốc và nhiều năm sau thì bất chấp mình bị trù úm thiệt thòi, dám cất tiếng nói ngay thẳng bảo vệ đồng nghiệp; khi làm Chánh văn phòng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, được cấp căn phòng 30 m2 đầy đủ tiện nghi ở phố Phan Bội Châu, ông đã nhường cho một bạn thơ…

Vĩnh Mai tự bảo “công danh chẳng thiết”, nhưng người đời và nhất là bạn hữu đồng nghiệp không quên “ghi công” của ông. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo “Văn nghệ” đã viết: “…

Với cương vị là Trưởng Ban biên tập Thơ, nhà thơ Vĩnh Mai hết lòng phát hiện, chăm sóc những người làm thơ trẻ. Sự ưu ái và tấm lòng bao dung của anh đã góp phần quan trọng vào việc hình thành đội ngũ các nhà thơ chống Mỹ…”.

***

Tròn 25 năm đã qua kể từ ngày Vĩnh Mai vĩnh biệt người bạn đời chung thủy - cô học trò nhỏ xinh xắn xứ Thanh “có cặp mắt xanh biếc và hiền” đã hút hồn “cậu Tú” Mai 60 năm trước …

Thật không ngờ, người chị-người bạn nồng nhiệt với rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ tưởng là vẫn mãi tươi trẻ ấy nay đang phải nương thân trong một Viện dưỡng lão ở Hà Đông!

Tôi đọc lá thư từ Viện dưỡng lão của chị gửi cho anh bạn thơ Nhất Lâm ở Huế bàn chuyện tổ chức đêm thơ Vĩnh Mai tại Quảng Trị trong dịp kỷ niệm 25 năm ngày nhà thơ qua đời (16/2/1981), lòng bồi hồi xúc động khôn nguôi.

Cuộc sống đã có biết bao thay đổi, bao nhiêu là trường phái nghệ thuật nảy sinh và suy tàn, nhưng những tác phẩm như “Khóc Hoài” vẫn là một điểm son trong nền văn học cách mạng và kháng chiến của Việt Nam, vẫn được nhiều người nhớ đến :

Tau với mi hẹn nhau từ Khu Bộ / Lúc trở về cố sáng tác văn chương… /…Hoài mi ơi! Mới bước được nửa đường / Răng mi chết thình lình oan uổng rứa…/…Thôi văn chương nào có thiếu chi người / Tau nói rứa mà lòng tau ứa lệ!”.

Từ năm 1947, Vĩnh Mai đã kết thúc bài thơ nổi tiếng của mình như thế. Phải! Văn chương nào thiếu chi người. Nhưng chẳng ai có thể thay thế được ai. Vĩnh Mai, như “chân dung” anh tự họa : “Cuộc đời tôi mưa nắng / Suốt mấy chục năm dài / Vẫn sáng một cành mai…”.

  Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Những ngày đầu xuân Bính Tuất 2006

MỚI - NÓNG