Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn”

Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn”
TPCN - Một ngày Xuân sau Tết. Con đường qua Đàn Nam Giao lên chùa Từ Hiếu nườm nượp trai thanh gái lịch.
Cuộc đời lận đận của một nhà thơ “ngông cuồng” và “ngạo mạn” ảnh 1
Nhà thơ Vĩnh Mai

Họ du Xuân, lên chùa, thả tâm hồn nương theo những hàng thông vi vu êm ái trong làn gió Xuân mát mẻ cho dịu bớt những vòng quay cuồng nhiệt của cuộc đua tranh sinh tồn.

Bên vệ đường, rải rác những cành mai đã tàn gợi nhớ một vẻ đẹp bình dị mà vẫn có có sức cuốn hút, đồng thời nó cũng nhắc nhở cái hữu hạn của mọi sinh tồn và vòng quay nghiệt ngã của thời gian.

Những triền đồi bên con đường đi lên khu lăng tẩm các vua chúa Triều Nguyễn này cũng là nơi yên nghỉ của nhiều văn nhân, chí sĩ như Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu, Vĩnh Mai, Thanh Hải, Thanh Tịnh…

Nhà thơ Vĩnh Mai quê Quảng Trị, “đồng hương” và cùng hoạt động cách mạng, hoạt động văn nghệ với các nhà thơ nhà văn Tố Hữu, Chế Lan Viên, Lương An, Hồng Chương, Trần Hữu Thung… 

Ở Huế, Bình Trị Thiên rồi Liên khu 4 từ thời chống Pháp, nhưng năm 1984, chị Phương Chi - vợ nhà thơ Vĩnh Mai đã chọn triền đồi cạnh chùa Từ Hiếu làm nơi cải táng cho anh.

Huế là nơi 60 năm trước, “cuộc gặp định mệnh” đã xảy ra giữa hai người. Huế, 70 năm trước là nơi Vĩnh Mai đến với cách mạng, với thơ…

Hai chục năm trước, khi còn công tác ở “Sông Hương”, hầu như lần nào ra Hà Nội, tôi cũng ghé quán nước nhỏ bên đường Lê Trực (chỗ tạm trú cuối đời của nhà thơ Vĩnh Mai) để kể chuyện anh em văn nghệ Huế và đưa cho chị Phương Chi cuốn tạp chí mới ra; và tất nhiên để được nghe chị nhắc lại những kỷ niệm về anh Vĩnh Mai, được chị mời ăn kẹo vừng với chén trà Thái ngọt giọng cho mãi đến lúc lên tàu…

Những câu chuyện rời rạc còn rất nhiều khoảng trống và khoảng lặng ngày ấy nay đã được chị Phương Chi ghi lại trong tập hồi ký “Sống với nhà thơ Vĩnh Mai” (NXB Thuận Hoá, 2003).

“Cuộc gặp định mệnh” giữa hai người xẩy ra 60 năm trước, khi cô cán bộ phụ nữ Thanh Hoá được cử vào Huế dự khoá học “văn hoá-chính trị” do Việt Minh Trung Bộ tổ chức.

Bốn thầy giáo phụ trách lớp học đều là những nhân vật nổi tiếng: Nguyễn Vịnh (tức Nguyễn Chí Thanh) - Bí thư xứ ủy, Hải Triều - Giám đốc Nha Tuyên truyền Trung Bộ, Tố Hữu - Chủ tịch ủy ban nhân dân Thừa Thiên - Huế và nhà thơ Vĩnh Mai. 80 học viên của 16 đoàn - từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, vỗ tay nồng nhiệt chào các “thầy”, nhưng chỉ riêng Vĩnh Mai đứng dậy, nói rất tự nhiên: “Xin chào các đồng chí!”

Ông thầy với thân hình gầy đen, đôi mắt sáng nhìn thẳng, bận bộ com-lê vải tốt màu sáng, cà vạt tím, đi giầy nghiêm chỉnh lập tức được cả lớp chú ý. “Người Huế à?...Vĩnh là Hoàng phái…”

Chị em thầm hỏi nhau vậy. Nhưng thầy quê Quảng Trị, tên thật là Nguyễn Hoằng, đỗ Tú tài Tây Trường Khải Định (nay là Quốc học Huế), hoạt động trong phong trào học sinh từ 1936, bị đày lên Buôn Mê Thuột, sau Cách mạng 1945 ra tù làm Chủ tịch thị xã Tuy Hoà rồi được Xứ ủy điều về Huế làm Bí thư Thành ủy kiêm phụ trách báo “Quyết Chiến”.

Buổi lên lớp đầu tiên, thầy Vĩnh Mai gọi từng đoàn đứng lên làm quen. “Đến đoàn Thanh Hoá, anh nhìn như thôi miên chúng tôi. Riêng tôi, đôi mắt anh như xoáy vào tận con tim đang rung lên từng cung bậc…

” Nhớ lại “cuộc gặp định mệnh” ấy, chị Phương Chi đã viết như vậy. Ngày ấy, thầy 30 tuổi, trò 21 xuân xanh. 12 năm sau, trong một đêm trăng thu thật đẹp, ông thầy-nhà thơ lãng mạn mà “cứng cổ” đang cùng chung tổ với Bùi Hiển, Yến Lan, Đào Vũ đi thực tế nông thôn ở Hải Dương, đã “kỷ niệm” 8 năm ngày cưới bằng việc ghi mấy dòng nhật ký: “…Huế  1946…Lớp học tổ chức ở Trường Hậu Bổ cũ, thấy nàng chăm chú theo dõi mình giảng bài, chỉ thấy nàng có cặp mắt xanh biếc và hiền.

Rồi cặp mắt ấy mình đã gặp ở bệnh viện Hà Lũng huyện Thọ Xuân Thanh Hoá, cùng lần gặp nàng đi thăm nhà thơ Hồng Nguyên vào mùa thu 1947. Từ đây mình đã tung dư luận: “Vĩnh Mai và Phương Chi yêu nhau.” Mình gửi thư liên tục. Ta giăng lưới bắt chim trời,  biết đâu chim trời chẳng sa vào lưới…”.

Người cách mạng - dù trong kháng chiến gian khổ vẫn yêu nhau say đắm và cuồng nhiệt thế đó, chứ đâu như có thời ta lầm tưởng…Nhà thơ Hoàng Cầm, trong “Lời tựa” cho “Vĩnh Mai tuyển tập” (NXB Hội nhà văn, 2003), trước khi trích dẫn mấy câu thơ mà ông cho là rất thật và hay (“…Bóng ai tha thướt đằng xa ấy / Bóng ghé nghiêng nghiêng bóng vội chìm…/… Thời gian như chết giữa lòng tôi / Ngong ngóng người xa mấy bữa rồi / Giá biết thế này đừng hẹn trước / Cũng đành nước chảy với mây trôi…) cũng đã viết: “Phải nhấn mạnh một điều: Vĩnh Mai làm thơ tình ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, giữa lúc các nhà thơ còn ngần ngại và một nhà phê bình thường coi những bài thơ tình là biểu hiện của tư tưởng tư sản”.

Thực ra, trong 10 tập sách đã in, những bài thơ thành công nhất của Vĩnh Mai “đều chân thành, đôn hậu, cởi mở… khi ông viết về quê hương, về những người thân, về những đau xót, mất mát của đất nước và con người bị chiến tranh tàn phá”, như lời nhà thơ Ngô Văn Phú đã nhận xét; trong đó có những bài nổi tiếng được truyền bá rộng rãi trong trong kháng chiến chống Pháp như “Khóc Hoài” tưởng nhớ người bạn thơ trẻ vừa hy sinh.

Về bài thơ này, Hoàng Phủ Ngọc Tường, sau khi nhắc đến “Thơ Mới” với ngôn ngữ cao sang mà ông sùng bái, đã nhận xét: “ Lần đầu tiên tôi biết đến một bài thơ với “thi pháp” khác lạ…

Đây không phải là bắt chước giọng nông dân; đây là giọng nói nứt ra từ máu thịt nông dân. Và tôi nghĩ rằng những gì đã là máu thịt, là cội nguồn đích thực thì đều làm ra thơ hay, “hay muôn đời”…”

“…Chiều hôm nay lật đống báo trong hầm / Tau thấy một bài thơ mi nóng hổi… /…Nghe lau lách xạc xào bên phía cửa / Nghe giun dế rì rầm tau ngờ ngợ / Như nghe mi tâm sự với lòng tau…”

Bài thơ “Người dân quân xã” viết năm 1948 gồm 21 khổ dài 84 câu lại là một bức tranh sinh động, là bài học cụ thể về cuộc chiến tranh du kích độc đáo của Việt Nam:

“…Hai bàn tay gân guốc / Sần sùi lớp chai dày / Vừa buông cuốc buông cày / Đã cầm ngay súng đạn…/…Giặc trên không đổ xuống / Giặc dưới nước ùn lên / Giặc vây chặt bốn bên / Đen dày như bổ lưới / Nhưng giặc vào xóm dưới / Anh đã tới làng trên / Giặc cất bước đi lên / Anh vòng quanh trở xuống…/ …Lô cốt cao chất ngất / Không rào được chân anh / Anh có dãy trường thành / Giữa lòng dân vững chãi…

Kể về sự nghiệp thơ của Vĩnh Mai tưởng cũng nên nhắc đến những bài thơ trào phúng, đả kích của ông với bút danh “Búa Tạ”. Xin thử đọc một bài, một chân dung nay vẫn thường xuất hiện đây đó – bài “Vua thơ”: “Vua thơ…ông vỗ ngực là vua/Lý Bạch mà còn cũng chịu thua/Thượng cấp cũng nhiều tay nể nả/Làng thơ lại lắm đứa a dua // Xưa buồn xuân héo cùng thu lạnh /Nay tán khoai chiêm với lúa mùa/ Ông mới khen rồi ông lại chửi/Rõ là ông giỏi món về hùa.”

Mấy dòng nhật ký kể trên cũng như bài thơ trào phúng vừa dẫn đã thể hiện tính cách “một con người cương trực, thẳng thắn, hồn nhiên, nhiều lúc “ngông cuồng”, “ngạo mạn”...” - Đó là nhận xét của nhạc sĩ Trần Hoàn về người “thủ trưởng” cũ của mình trong một bài viết trên báo “Văn nghệ” nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất nhà thơ Vĩnh Mai.

(Theo chị Phương Chi, chính Phó Ban Tư tưởng-văn hoá Trần Hoàn, trong dịp kỷ niệm sinh nhật 80 năm của nhà thơ Vĩnh Mai đã đến thắp hương và nói vui theo kiểu “văn nghệ”: “Thưa thủ trưởng, lâu nay em bận quá, nay mới đến thăm thủ trưởng, mong được thứ lỗi.” Vị nhạc sĩ đang ở bậc cao danh vọng chưa từng là thuộc cấp của Vĩnh Mai, nhưng kính trọng thưa “thủ trưởng” với ông vì ông hơn mình 10 tuổi, lại từng làm Bí thư Thành Huế khi mình còn là học sinh Quốc học.)

Làm “chứng” cho nhận xét nói trên, nhạc sĩ đã dẫn ra bài thơ “Tự vịnh” của Vĩnh Mai: “Ngày xưa ta ở cung trăng / Thủng trời rơi xuống hoá thằng Vĩnh Mai / Muối dưa đắp đổi qua ngày / Công danh chẳng thiết, trời đày làm thơ!”.

Còn nữa

MỚI - NÓNG