Cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005: Giám khảo, họ là ai ?

Cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005: Giám khảo, họ là ai ?
Ngày 16/3, Tổng biên tập báo Tiền Phong Dương Xuân Nam đã có mặt tại Indonesia để cầm cân nảy mực cho cuộc thi cuộc thi Hoa hậu ASEAN 2005.

Cuộc thi đang bước vào giai đoạn quan trọng nhất: Chấm điểm và thống nhất về giải thưởng.

Giám khảo, họ là ai?

Trong buổi họp đầu tiên của các thành viên Ban giám khảo, bà Maricel S. Macesar- Phó trưởng Ban tổ chức giới thiệu, Giám khảo của Việt Nam: ông Dương Xuân Nam- nhà thơ, nhà báo có uy tín, chức danh Tổng biên tập báo Tiền Phong.

Phía Philippines cử ngài Shulan O. Primavera- Đại sứ Philippines tại Jakarta, đại diện của Myanmar là bà Khin Myint Myint- Giám đốc Hãng Aung Aung nổi tiếng, thành đạt bậc nhất  nước và cũng là cựu Hoa hậu Myanmar; riêng nước chủ nhà Indonesia có 2 thành viên giám khảo là ông Aridika- cựu Bộ trưởng Du lịch và bà Hartha Tilaar- Chủ tập đoàn mỹ phẩm lớn mang chính tên bà tại Indonesia đồng thời là nhà tài trợ cho cuộc thi này; giám khảo của Thái Lan là ông Somchainuk Engtrakul- Chủ tịch Công ty Ngân hàng quân đội Thái, ông Dato Paduka Lim Beng Thai- Chủ tịch Công ty Lim Beng Thai đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN là giám khảo của Brunei.

Đặc biệt có 2 vị giám khảo còn rất trẻ và xinh đẹp: cô Beatrice Looi- nhà thiết kế thời trang nổi tiếng của Malaysia và cũng là thành viên thuộc hiệp hội các công ty chuyên về tổ chức sự kiện, sản xuất chương trình truyền hình, trình diễn nghệ thuật, thông tin báo chí… Beatrice kể đây là lần đầu cô làm giám khảo một cuộc thi Hoa hậu quốc tế nhưng trong nước đã chấm nhiều cuộc thi về sắc đẹp, thời trang…

Từng đến Hà Nội, nhưng cô tiếc mãi: “Chỉ có 4 ngày chưa khám phá hết vẻ đẹp Hà Nội, tôi rất thích những khu phố cổ, đặc biệt những quán ăn nhỏ xíu mà bạn cứ phải xoay xở trong tư thế ngộ nghĩnh mới có được một món ăn độc đáo. Món ăn ở Hà Nội rất ngon, không quá béo, rất tốt để các cô gái giữ phom người mảnh mai, tôi muốn được trở lại thăm Hà Nội”.

Mái tóc để dài hơi uốn cong duyên dáng ôm lấy gương mặt tròn, làn da trắng mịn, nụ cười dịu dàng, vị giám khảo của Singapore xuất hiện khiến mọi người không thể rời mắt: cựu Hoa hậu Singapore- cô Hannah Toh. Đăng quang từ 1996, đã gần chục năm trôi qua nhưng vẻ đẹp và phom người của Hannah vẫn khiến người ta phải ngầm so sánh với thí sinh của Singapore hiện tại- cô Mindy Ng Geok Boey. Mindy có vẻ đẹp hiện đại, sắc sảo nhưng có lẽ nhiều người vẫn thích nét đẹp mặn mà kiểu Á Đông của Hannah hơn.

Khán giả có thể bầu chọn cho thí sinh của nước mình

Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên các thành viên Ban giám khảo đã thẳng thắn bày tỏ suy nghĩ về cuộc thi này, thảo luận cách thức ra câu hỏi, cách đặt tiêu chí chấm điểm... Nhưng yêu cầu vẫn cứ phải đặt tiêu chí về ASEAN lên hàng đầu bởi Hoa hậu ASEAN 2005 đồng thời sẽ là Sứ giả ASEAN, cô không chỉ đại diện cho đất nước mình mà còn phải vì quyền lợi của ASEAN.

Trong khi đó 8 thí sinh tiếp tục những ngày tham gia các hoạt động xã hội: thăm nhà máy sản xuất thực phẩm với nhãn hiệu nổi tiếng Indomie, đóng những thước phim quảng cáo đại loại các cô nấu mì và mời nhau cùng thưởng thức; tham gia lễ giới thiệu sản phẩm điện thoại mới, xem trình diễn thời trang ở trung tâm  La Piazza; tham quan xưởng sản xuất mỹ phẩm của tập đoàn Martha Tilaar, mỗi thí sinh tập pha trộn nguyên liệu son môi cho ra một màu sắc riêng và những màu này tới đây được hãng mỹ phẩm của Martha Tilaar tung ra thị trường với tên gọi từng loại là Miss Indonesia, Miss Vietnam, Miss Philippines…

Trở lại cuộc họp của giám khảo, Ban tổ chức giới thiệu ngoài 3 giải chính là Hoa hậu ASEAN 2005, Á hậu 1, Á hậu 2 sẽ có một số giải đặc biệt như giải Miss Talent (tài năng), giải Miss IT (Công nghệ thông tin), Miss Photogenic (ăn ảnh)…; riêng giải Miss Favourite (Được yêu thích) do khán giả bình chọn qua mạng nhắn tin (SMS) sẽ theo cách thức: Đài truyền hình các nước tập hợp số lượng bình chọn của khán giả ngay trong đêm chung kết 19/3 sau đó gửi về Ban tổ chức. Hiện nay đã có 6 đài nhận tiếp sóng trực tiếp đêm chung kết từ Đài truyền hình RCTI của Indonesia là đài truyền hình các nước Malaysia, Singapore, Philippines, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (VTV).

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.