Vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt lần thứ nhất:

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước
Ông Dương Xuân Nam, Trưởng BTC cuộc thi HHTG người Việt cho biết, nếu không có gì thay đổi, cuộc thi sẽ được tổ chức định kỳ vào các năm lẻ. Đây là cơ hội để nhiều cô gái Việt, dù sinh ra và lớn lên ở đâu trên khắp thế giới, cũng được trở về với quê cha, đất Tổ.
Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 1
Các thí sinh Việt đến từ khắp nơi trên thế giới trong phần thi Hoa hậu Du lịch.
Ảnh : TTXVN

Trước khi Vòng chung kết Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt lần thứ nhất chính thức khởi động tại khu du lịch Vinpaerl (Nha Trang, Khánh Hoà), trong buổi họp báo cuối cùng, ông Dương Xuân Nam- Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức đã đề cập đến một “quy chế” của Cuộc thi đối với những thí sinh là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, là phải có ông hoặc bà, cha hoặc mẹ là người Việt và phải biết nói tiếng Việt.

Tưởng là đơn giản, nhưng thực tế điều này khiến cho nhiều thí sinh khi tham dự vòng loại ở các khu vực ngoài nước, dù có “sắc nước, hương trời”, nhưng một tiếng Việt “bẻ đôi” cũng không biết, đành phải chấp nhận bị loại ngay từ đầu.

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 2
Hai thí sinh đến từ Mỹ : Nguyễn Bình Phương và Nguyễn Cao Thu Vân. Ảnh : Hồng Vĩnh

Trong số 15 thí sinh ở nước ngoài lọt vào Vòng chung kết lần này, có hai thí sinh từ Mỹ là Nguyễn Bình Phương (Hoa hậu người Việt Nam 2006 của thành phố Dallas) và Nguyễn Cao Thu Vân (Á hậu cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam tại Mỹ năm 2007) đã kịp về Nha Trang trong phút chót, khi các cuộc thi phụ đang bắt đầu.

Xem ra, tiêu chí dựa vào việc thí sinh nói được tiếng nói của "Quê cha, đất Tổ" như là một sự khẳng định nguyên quán, lại mở rộng bằng 5 cuộc thi khu vực ở nước ngoài, đã vừa mang tính quy tụ về nguồn cội, vừa có sức lan toả rộng ra thế giới người Việt, tạo nên sự thành công bước đầu của Cuộc thi khi gợi mở những ý nghĩa thiêng liêng.

Trong ngày diễn ra Cuộc thi "Hoa hậu Ảnh", thí sinh Nguyễn Hoài Milena (số báo danh 405), 18 tuổi, đến từ Bungari, mặc cho khuôn mặt xinh... như Tây, cô vẫn trở nên thướt tha trong chiếc áo dài màu đỏ.

Bố là người Việt ở vùng đất Quảng Trị, mẹ là người Bungari và Milena sinh ra ở quê mẹ. Lần này về tham dự Vòng chung kết Cuộc thi, cô mang theo những lọ nước hoa Bungari có hương thơm hoa hồng như là một sản vật mang đậm dấu ấn về vùng đất mình sinh ra là lớn lên, góp mặt cho phần giao lưu ở Cuộc thi.

Đổi lại, cô được thưởng thức hương vị của cốm vòng, ô mai do các bạn từ Thủ đô Hà Nội mang vào; hay... làm quen món kẹo "cu đơ" nổi tiếng của vùng đất Hà Tĩnh, do Nguyễn Thị Anh Ly giới thiệu. Milena còn thú thật: Cô đã ăn rất nhiều hoa quả trong những ngày ở Việt Nam, chúng rất tươi ngon và phong phú. Cô đang theo học tiếng Pháp, Đức và cả tiếng... Việt. “Vì bố là doanh nhân, thường xuyên ra ngoài làm việc, không có thời gian để dạy tiếng Việt cho em”- Milena nói.

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 3
Nguyễn Hoài Milena (trái) và Trần Ngọc Bích.
Ảnh : Hồng Vĩnh

Thí sinh Natalia Trần (số báo danh 798), 20 tuổi, hiện là sinh viên tại Học viện các nước Á Phi thuộc Đại học tiếng Việt Matxcơva, đã đọc rành rẽ hai câu ca dao: “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn” khi cánh nhà báo muốn biết cảm nhận của cô trong lần về Việt Nam này.

Cô đã giành danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Cuộc thi ở vòng loại ở khu vực SNG. Natalia có bố là người Việt, mẹ từng là một cô gái Nga, cô sinh ra ở thủ đô Matxcơva và hiện gia đình vẫn sinh sống ở đó. Natalia mặc chiếc áo dài màu trắng, làm rạng ngời khuôn mặt tươi trẻ với mái tóc đen nhánh.

Mỗi kỳ nghỉ hè, Natalia thường được bố mẹ thu xếp để cùng về thăm quê nội ở tỉnh Nam Định. Ở đấy, cô học được cách nấu các món ăn Việt và háo hức thực hành ngay khi trở lại Matxcơva. Riêng món bánh dầy, bánh chưng do thí sinh Phạm Phương Thảo, quê ở Phú Thọ- Đất Tổ mang vào giới thiệu, kèm với câu chuyện về lòng hiếu thảo của chàng Hoàng tử Lang Liêu thời các vua Hùng dựng nước, khiến Nalatia chăm chú lắng nghe và tỏ ra xúc động.

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 4
Natalia Trần. Ảnh : Hồng Vĩnh 

Suốt những ngày diễn ra các cuộc thi phụ, thời gian dường như quá ngắn đối với các thí sinh từ nước ngoài trở về. Họ tận dụng lúc rỗi trong khi đến lượt mình thể hiện nội dung thi, để tâm sự, tìm hiểu những điều đối với họ như vừa quen, lại vừa lạ từ các thí sinh trong nước, kể cả việc học tiếng Việt cũng được tranh thủ triệt để.

Buổi sáng 26/ 8, khi vào Cuộc thi "Hoa hậu Du lịch" không lâu, Anna Hứa Ngọc Anh (Giải tài năng người Việt tại Anh) đã ngất xỉu vì bị rối loạn điện giải, đến độ phải đưa đi cấp cứu. Vậy mà khi trở về bên đoàn, cô lại tiếp tục tíu tít cùng các bạn, tìm hiểu về những vùng đất ở Tây Nguyên, Nam bộ... theo như lời cô nói, là để sau này có dịp trở về sẽ khám phá qua con đường du lịch.

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 5

Sonnia Bui Thuy Vi

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 6

Nguyễn Kang Wung Ching

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 7

Hoàng Minh Thuý

Cuộc trở về cội nguồn của các người đẹp ngoài nước ảnh 8

Lê Thị Hồng Nhung

Nhiều thí sinh như: Sonnia Bùi Thuý Vi (Á hậu 2 người Việt tại Anh), Hoàng Minh Thuý (Á hậu 1 người Việt tại SNG), Nguyễn Kang Wung Ching (Á hậu 1 người Việt tại Đức)... luôn "hoạt bát" đặt câu hỏi cho các bạn trong nước trước những điều nhìn thấy trên đường, vốn bình dị đối với các thí sinh trong nước, nhưng đối với họ lại lạ lẫm như phát hiện lần đầu. Ví như ở chợ Đầm, Bùi Thuý Vi không ngờ trái cam còn xanh mà lại có vị ngọt đến vậy, khác hẳn ở Anh quốc...

Trước khi đến đây, thí sinh Lê Thị Hồng Nhung đạt danh hiệu Á hậu 2 tại Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại Canada. Cô nói: “Trong mục đích dự thi của em có cả ý định được học hỏi cùng các bạn về tiếng Việt, em thấy mình còn hạn chế khi diễn tả điều gì đó bằng tiếng Việt một cách chuẩn xác.”

Cô cho biết: Bố mẹ đều là người Việt, nhưng khi vừa 2 tuổi là Hồng Nhung đã theo bố mẹ sang Canada làm việc và sinh sống luôn ở thành phố Toronto. Hồng Nhung mơ ước trở thành một nữ bác sĩ, thế nên năm tới cô sẽ nhập học tại một trường y khoa ở Toronto và ý định trở về Việt Nam làm việc vẫn thường được cô nghĩ đến.

Nhung thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện do Hội đồng hương Hải Phòng ở Toronto phát động. Mỗi lần như vậy, cô hay mặc chiếc áo dài. Nhung nói: "Em thích vậy, vì khi đó người nước ngoài nhìn mình, ai cũng đều biết mình là một cô gái Việt Nam."

Có quá nhiều điều để các thí sinh khám phá và cảm nhận về "Quê cha, đất Tổ" trong dịp này, nhưng quỹ thời gian thì cứ thu dần lại. Ông Dương Xuân Nam, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết, nếu không có gì thay đổi, Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt sẽ được tiếp nối theo định kỳ 2 năm một lần, vào các năm lẻ.

Đấy là cơ hội và diễm phúc để nhiều cô gái Việt Nam dù sinh ra ở đâu, đang sống, làm việc ở nơi nào trên khắp thế giới, vẫn có quyền nghĩ đến một cuộc hội ngộ như thế này trong tương lai. Đấy là được trở về với quê cha, đất Tổ thiêng liêng.

Theo Tiên Minh
TTXVN

MỚI - NÓNG