Cuốn sách lớn nhất của Trần Dần

Bìa “Đêm núm sen”.
Bìa “Đêm núm sen”.
TP - Đầu tháng năm, tiểu thuyết “Đêm núm sen” được Trần Dần viết từ năm 1961 chính thức xuất bản. Trong vòng hai tuần sau khi sách in, đã thu hút sự chú ý của một bộ phận bạn đọc trẻ tuổi. Thậm chí trên các trang hỏi đáp đã xuất hiện những câu hỏi: “núm sen” là gì, có giống với “núm cau” không?

Trên bàn thờ Trần Dần tại tư gia, có một cuốn “Đêm núm sen” bản bìa cứng. Anh Trần Trọng Văn, con trai cả của Trần Dần chỉ những bức chân dung của cha treo trên tường: Vũ (họa sĩ Trần Trọng Vũ) vẽ cả đấy! Nhà ba anh chị em, tôi ít tài hoa nhất, nhưng như thời ông cụ còn sống, việc lớn việc nhỏ cứ đến tay tôi!

Trong câu chuyện, anh Văn gọi bố là “ông Dần”. “Ông Dần viết cuốn này từ năm 1961, trong nhật ký ông khẳng định đây là tác phẩm lớn nhất của mình”.

Bản thảo của “Đêm núm sen” sau hơn nửa thế kỷ chuyển đi chuyển lại, bị thất lạc và hư hỏng một phần. Sau khi tìm được phần thất lạc, anh Văn phải sắm riêng một điện thoại có phần mềm chỉnh chữ để khôi phục bản thảo. Từng chữ “có vấn đề”: mờ, rách, xóa v.v… được anh chụp lại, zoom lên chế độ to nhất, để đảm bảo không nhầm lẫn.

Cuốn sách lớn nhất của Trần Dần ảnh 1 Bản thảo viết tay cuốn “Đêm núm sen” của Trần Dần.

Bà Bùi Thị Ngọc Khuê, vợ nhà văn kể: trước khi viết cái này (Đêm núm sen) ông ấy có một thời gian dài cứ ngồi xem kiến. Xem nó đánh nhau, nó chuyển thức ăn. Có khi ông ngồi hàng tiếng đồng hồ, chăm chú y như ngồi viết!

Anh Văn kể: ông Dần viết rất điều độ, cứ đến 12h đêm là ngủ. Khi viết thì cực kỳ tập trung, đến mức con cái bật nhạc ầm ĩ ông cũng không ý kiến gì. Thường những lúc đang mạch viết, vợ gọi ăn cơm ông cũng không để ý. Bạn bè đến chơi, vợ bảo: có khách kìa, anh Tường đến kìa, anh Phùng Quán đến kìa, ông vẫn ngồi. Có khi khách phải đợi hàng tiếng. Như nhà thơ Dương Tường, có khi không đợi được lại lặng lẽ về.

Toàn bộ cuốn “Đêm núm sen” và tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” Trần Dần đều viết tại ngôi nhà số 7 phố Vũ Lợi.

Vẽ minh họa cho… dễ hiểu

Sinh thời, Trần Dần được cha là một viên chức kho bạc tại Nam Định cho học cả văn lẫn võ, lẫn vẽ, vì thế, trong số di cảo ông để lại, có lẫn cả tác phẩm hội họa.

Cuốn sách lớn nhất của Trần Dần ảnh 2 Anh Văn (ngồi giữa) và nhà thơ Dương Tường (ngoài cùng bên phải) trong buổi ra mắt “Đêm núm sen”.

Anh Văn giải thích: sở dĩ cuốn “Đêm núm sen” có thêm 23 bức minh họa in kèm là vì anh thường nghe mọi người nói “văn ông Dần khó hiểu”, “chữ trước nghĩa sau”. Trong nhật ký của Trần Dần, ông cũng bày tỏ lo ngại vì văn hóa đọc của người Việt quá yếu, quen với thói đọc đơn nghĩa. Khi đẩy họ vào cuộc chơi chữ họ thường bị lúng túng và hoang mang.

“Phải viết khác đi, phải cách tân, phải quên những thành tựu của tiền chiến để sáng tạo nên những thành tựu mới, phải cướp được độc giả của tiền chiến” - Trần Dần viết.  Cuộc cách tân chữ của Trần Dần không có nhiều người đương thời, thậm chí cả bạn bè ông giải mã hết được.

Lúc đó anh Văn nghĩ đến giải pháp in tranh kèm tiểu thuyết để cung cấp thêm cho người đọc một gợi ý tiếp cận tác phẩm của “người khổng lồ” (chữ Dương Tường gọi Trần Dần).

Bảy họa sĩ đã được giới thiệu và tự ứng cử vẽ minh họa cho “Đêm núm sen” nhưng chỉ có Tạ Huy Long là “chốt đầu và chốt cuối”. Anh Long mất hơn một năm để hoàn thành toàn bộ số tranh minh họa, trong đó, bức ở bìa hai có dựa theo tạo hình của chính Trần Dần.

Giải thích lý do Trần Trọng Vũ không thể trực tiếp minh họa cho sách của bố, anh Văn nói: vì khi đó Vũ quá bận, triển lãm liên miên, tôi đành phải tìm người khác! Tranh Long ra, Vũ cũng không can thiệp nhiều!

Tác phẩm của ông Dần còn đầy!

Cuốn sách lớn nhất của Trần Dần ảnh 3 Anh Văn và mẹ bên những chân dung Trần Dần do Trần Trọng Vũ vẽ.

Anh Văn kể: bản thân là người tài hoa nhưng “ông Dần” không ép con học nhiều, chỉ có một yêu cầu duy nhất là phải giỏi ngoại ngữ. Khi đó anh và Trần Trọng Vũ được gửi đến ông Nguyễn Mạnh Tường (người từng đỗ hai bằng tiến sĩ của Pháp) để học tiếng Pháp. Khi đó chỉ có Vũ thích học nên học rất giỏi. Sau này Vũ nói và viết tiếng Pháp toàn được khen là “hay như thơ”.

Anh Văn kể, di cảo của Trần Dần “còn đầy”, có điều chọn tác phẩm nào, in vào thời điểm nào còn phải tính toán. Nhà văn Phạm Thị Hoài từng động viên anh công bố phần lớn tác phẩm của Trần Dần nhưng anh từ chối. Khi đó, chị Hoài tức quá bảo: Ông Dần là con hổ nhưng đẻ ra toàn một lũ chuột nhắt!

Nhà văn Dương Tường, một bạn văn thân thiết của Trần Dần cũng cho biết: “Phần lớn tác phẩm của Trần Dần vẫn còn ở trong bóng tối. Đó là thiệt thòi lớn, không chỉ cho tác giả mà cho cả nền văn học Việt Nam”.

Trong số bản thảo Trần Dần để lại, ông rất hay dùng “các phương án” khác nhau. Ví dụ, về tên tiểu thuyết “Đêm núm sen”, Trần Dần chú thích: có thể lấy tên “Sứa” hoặc “Đêm núm sen”.

Nhiều câu văn, thơ của Trần Dần có hai dị bản khác nhau nhưng không phải do “tam sao thất bản” mà do chính nhà thơ chỉnh sửa. Ví dụ câu thơ: “Tôi yêu đất nước này có cỏ cây làm chứng/ Tôi yêu chủ nghĩa này cờ đỏ cãi cho tôi”, trong một lần xuất bản khác, ông lại sửa thành: “Tôi yêu đất mẹ này có cỏ hoa làm chứng/ Tôi yêu đại nghĩa này nhật nguyệt cãi cho tôi”.

“Đêm núm sen” được Nhã Nam giới thiệu: “là một cuộc trình diễn ngôn ngữ của một tác giả mà từ vựng là của thi ca và cảm xúc là của thi sĩ”. Nhà thơ Dương Tường đánh giá “là một cocktail của trữ tình, bi tráng và u-mua, của các bề chiều chữ: Màu chữ, mùi chữ, vị chữ, nhịp chữ, biến tấu chữ (Trần Dần có cả một lò luyện chữ!). 56 năm đọc lại, không còn cú sốc bàng hoàng, ngây ngất ban đầu, nhưng ngấm sâu thêm những suy nghĩ nhiều chiều về phận con người (không phải CON NGƯỜI viết hoa, mà là con người bé tí, bé như cái kiến)”.

Trần Dần (1926 - 1997), ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Một số tác phẩm của Trần Dần đã xuất bản: Trần Dần thơ; Đi! Đây Việt Bắc, Những ngã tư và những cột đèn; Người người lớp lớp; Đêm núm sen...

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).