Cướp ngân hàng chống lại cướp đất

Cảnh trong “Hell or high water”- khởi chiếu tại Cannes 2016 trong hạng mục phim tranh giải.
Cảnh trong “Hell or high water”- khởi chiếu tại Cannes 2016 trong hạng mục phim tranh giải.
TP - “Cuộc chiến” của dân thường thấp cổ bé họng chống lại sự thôn tính đất đai của các đại gia là vấn đề nóng ở nhiều quốc gia. Nó được phản ánh một cách rất cao - bồi, rất viễn Tây trong phim Hell or high water - ra rạp ở Việt Nam với tựa Không lùi bước.

Câu chuyện bi thương xảy ra ở miền Tây Texas. Hai anh em Toby và Tanner bị đẩy vào đường cùng khi miếng đất cha mẹ họ để lại bị một công ty lớn nhòm ngó. Và nếu không trả nổi món nợ ngân hàng chỉ trong vài ngày, họ sẽ bị mất đất. Điều quan trọng là bên dưới mảnh đất ấy là một mỏ dầu. Toby có cuộc hôn nhân tan vỡ và anh hy vọng có thể bán quyền khai thác dầu để đảm bảo cho con trai một đời sống tốt đẹp hơn bố nó. Còn Tanner, độc thân, ở tuổi 39 đã có 10 năm ngồi tù.

Họ lên kế hoạch cướp ngân hàng. Đây được xem là “cách kiếm tiền”đầy rủi ro, không còn phù hợp với xã hội hiện đại (khi người ta có thể cướp tiền bằng vài cú kích chuột), nhưng là những người dưới đáy, họ dường như không còn đường nào khác.

Đoạn đầu phim hơi tẻ nhạt khi hai anh em “tác nghiệp” khá dễ dàng với các chi nhánh ngân hàng nhỏ ở nơi hẻo lánh. Ở tuyến đối lập, hai cảnh sát viên tuổi đã “dừ” bắt đầu hành trình theo dấu hai kẻ cướp một cách lừ đừ. Trong đó, Marcus Hamilton lão luyện trong nghiệp vụ nhưng nói nhiều một cách khủng khiếp. Và chính điều này đã góp phần đưa người đồng sự vào nguy hiểm.

Nhịp điệu tăng dần lên khi hai anh em trở nên say máu và liều lĩnh hơn. Họ mang tiền cướp được vào sòng bạc để rửa. Và khi đến một trụ sở ngân hàng đông đúc, cuối cùng tay Tanner đã vấy máu trong cuộc đấu súng với cả cảnh sát lẫn các khách hàng. Toby bị thương nhưng vẫn tự lo được.

Tanner đi đến quyết định sống còn để cứu em trai cũng là cứu đất. Cảnh đấu súng cuối phim phải nói là nghẹt thở và thật đến trần trụi. Tanner trở thành loại nhân vật nằm ở lằn ranh giữa chính và tà, rõ là tội phạm nhưng trong khía cạnh nào đấy lại là người hùng. Phim hơi có lỗ hổng khi để cho sở cảnh sát khép lại vụ việc một cách khá chóng vánh.

Song Marcus vẫn chưa thỏa mãn. Dù đã về hưu, ông vẫn tìm gặp Toby và hiểu rằng mảnh đất mà Toby và anh trai cố sống cố chết giữ lấy là để cho ai. Toby giãi bày: “Cái nghèo như bệnh dịch giáng xuống gia đình tôi qua nhiều thế hệ…” Giờ đây, số phận của Toby mà gia đình nhỏ mà anh cố gắng vun vén có thể nói nằm trong tay Marcus.

Không lùi bước của đạo diễn David Mackenzie giật khẩu hiệu “Công bằng không phải tội ác” (Justice isn’t a crime) trên poster. Quan điểm thể hiện quá rõ. Phim cho thấy thực tế phũ phàng, để đạt được sự công bằng ở một khía cạnh nào đó, giá phải trả đôi khi là mạng sống. Richard Roeper của tờ Chicago Sun Times nhận định: “Nhìn chung, bộ phim quá đẹp và khắc nghiệt và buồn đau và nhiều ý nghĩa. Đến mức tôi muốn xem lại ngay sau khi nó kết thúc”.

Phim Mỹ hay có kiểu (ngầm) bênh vực kẻ yếu thế, và phạm tội vì yếu thế. Hell or high water gợi nhớ đến bộ phim nữ quyền kinh điển Thelma và Louise (1991) giành Oscar cho biên kịch. Trên đường đi nghỉ tạm thoát khỏi cuộc sống tù túng, hai cô gái vô tình phạm tội ngộ sát trong khi tự vệ. Thay vì đầu thú, họ tiếp tục chuyến đi, chớp lấy những khoảnh khắc tự do cuối cùng.

MỚI - NÓNG