Đã có nhà biên kịch nào dám dùng quyền từ chối?

Đã có nhà biên kịch nào dám dùng quyền từ chối?
Các nhà biên kịch vốn vẫn có một quyền rất lớn - quyền từ chối. Tuy nhiên trên thực tế đã có nhà biên kịch nào dám sử dụng quyền này ngay cả khi "đứa con tinh thần" của mình bị các đạo diễn vặn ngoéo chân tay.

Có một nguyên lý đã gần như được mặc nhiên thừa nhận, đó là dấu ấn của nhân vật chính là một trong những nội dung được ôm chứa trong một khái niệm lớn: Phim truyện.

Không có nhân vật thì cũng có nghĩa là không có phim truyện. Chưa có một bộ phim nào trong cả lịch sử phát triển của phim truyện dám cả gan phế bỏ vị trí thống soái của nhân vật, mà cụ thể là cắt đứt sợi chỉ đỏ dẫn dắt số phận nhân vật.

Từ phía người sáng tác (NST), tôi cho rằng số phận nhân vật trong mỗi phim truyện chính là cơ hội để các tác giả phim phát biểu chính kiến về cuộc sống của mình. Nói rõ hơn, cái kết cục mà mỗi nhân vật phải lãnh chịu hay được tưởng thưởng ở cuối phim chính là thông điệp mà bộ phim muốn gửi tới khán giả.

Vấn đề của chúng ta là ở chỗ, phải làm sao để cái thông điệp đó được gửi đi một cách tế nhị nhất, thông minh nhất, bằng một đường truyền duy nhất: cảm xúc.

Điều này thì các nhà biên kịch đều đã hiểu. Nhưng hiểu là một chuyện, làm được lại là chuyện khác. Rất nhiều lần, chúng ta chỉ tạm hài lòng, hoặc hoàn toàn chán nản khi ngắm nghía lại công trình của mình. Và sự chán nản đó được truyền đến khán giả…

Nó tạo ra sự ngờ vực đối với chính thông điệp mà chúng ta muốn gửi tới khán giả, và hệ quả là sự từ chối tiếp nhận đối với toàn bộ công trình, tức là bộ phim. Tình hình này, buồn thay đang là hiện trạng khá phổ biến của phim truyện Việt Nam.

Các nhà biên kịch hoàn toàn có thể đổ lỗi cho nhiều khâu khác, mà dễ nhất là điều kiện sản xuất phim, áp lực từ các cấp xét duyệt, đạo diễn… Nhưng khán giả Việt Nam cũng thật khoan dung. Nhưng khán giả càng khoan dung, chúng ta càng thấy không thể cứ lợi dụng mãi sự độ lượng của họ để cho ra đời những sản phẩm không hoàn hảo, dù nó thuộc hệ thống sản xuất nào.

Càng trải nghiệm trong nghề và trong đời, tôi càng thấm thía lời dạy của các bậc tiền bối: Tiên trách kỷ hậu trách nhân.

Trong những lần tạm hài lòng hoặc hoàn toàn không hài lòng khi nhìn lại một kịch bản do chính mình kiến tạo nên, trong đó chứa đầy những hình mẫu nhân vật khô khan và lười biếng, có bao nhiêu nhà biên kịch dám lắc đầu từ chối trước lời đề nghị của nhà sản xuất?

Hay thực tế, chúng ta vẫn thường tự an ủi mình bằng một lời cửa miệng rằng “tiền nào của nấy”? Và có bao nhiêu người trong chúng ta, khi biết một đạo diễn đã vặn ngoéo chân tay đứa con tinh thần của mình, dám phẫn nộ đến mức đòi lại kịch bản? Trong khi đó, các nhà biên kịch vốn vẫn có một quyền rất lớn, đó là quyền từ chối.

Có quá nhiều áp lực từ chính bản thân NST và từ các mối quan hệ khiến chúng ta chấp nhận làm kẻ thua cuộc.

Thực chất, những áp lực đó có lẽ chỉ là những điểm tựa cho một thói quen an phận, hay là sự lười biếng. Nhưng nặng nề hơn, đáng sợ hơn, tôi chợt nhận ra rằng thói quen an phận ấy, sự lười biếng ấy đã kéo dài quá lâu.

Nó đang dần phủ một lớp màng dày lên lòng tự trọng của chúng ta. Nó bào mòn những kỹ năng nghề nghiệp cũng như cái trách nhiệm xã hội mà mỗi NST đã tình nguyện gánh lấy khi quyết định dấn thân vào nghề. Nó chặt đứt mối đồng cảm lẽ ra phải có giữa NST với khán giả.

Khán giả là một số đông biết bao dung, nhưng khán giả cũng là những người thẩm định vừa cảm tính vừa uyên bác. Họ sẽ nhận ra ngay sự lười biếng và giả dối trên màn ảnh khi chúng ta giả dối và lười biếng.

Họ cũng sẽ nhận ra ngay sự nhiệt tâm của chúng ta nếu nhân vật trên phim nói lên được những nỗi niềm khắc khoải của chính họ, hoặc mang lại cho họ những nụ cười. Và như thế, nhân vật trên phim chính là người đại diên cho chúng ta giao lưu, hoà nhập cùng khán giả.

Sự hấp dẫn của một bộ phim truyện phải được nhận biết trước hết bởi xúc cảm, rồi mới đến các tiểu xảo. Nhân đây, tôi xin được nhắc đến một trong những bộ phim Việt Nam đã mang lại niềm xúc cảm lớn lao cho người xem nhiều thế hệ, đồng thời cũng mang lại niềm ngưỡng mộ của những người làm phim Việt Nam hậu sinh. Đó là phim “Cánh đồng hoang” của cố đạo diễn Hồng Sến.

Tôi đã xem đi xem lại bộ phim này nhiều lần, khi thì ở giữa khán giả, khi thì chỉ có một mình giữa im lặng... Và tôi nhận thấy những xúc động mà Cánh đồng hoang đem lại cho chúng ta (những người xem có nghề vẫn thường ngạo mạn mà tự tôn!) chính bởi những chi tiết giản dị nhất.

Tiểu xảo, hay còn gọi là những miếng nghề của các tác giả phim đã hoàn toàn khuất lấp dưới những chi tiết giản dị này. Thành công của Cánh đồng hoang là kết quả của sự cộng hưởng xúc cảm cao độ giữa các tác giả phim và các diễn viên.

Họ có thể là những người đã từ bưng biền đi ra (Nguyễn Quang Sáng, Hồng Sến, Lâm Tới) hoặc chưa bao giờ tham dự vào đời sống bưng biền kháng chiến (như Thúy An), nhưng xúc cảm lớn lao trước một hiện thực vĩ đại của dân tộc đã gắn kết họ lại...

Nói đến tính hấp dẫn trong phim truyện Việt Nam hiện nay, trước hết phải đỏi hỏi nhiệt tâm của chính những người sáng tác và thể hiện...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...