Đà Lạt : Bí ẩn biệt điện số 2

Đà Lạt : Bí ẩn biệt điện số 2
TP - Biệt điện số 2 Yết Kiêu TP. Đà Lạt Lâm Đồng được khởi công từ năm 1958 và tiến hành xây dựng trong nhiều năm. Biệt điện tọa lạc trên đồi thông ở phía tây thành phố gồm các biệt thự lộng lẫy Bạch Ngọc, Hồng Ngọc, Lam Ngọc...
Đà Lạt : Bí ẩn biệt điện số 2 ảnh 1
Biệt thự Hồng Ngọc

Nội thất của các phòng làm việc, hội họp, khiêu vũ, trang điểm… đều hiện đại bậc nhất thời đó, chủ yếu nhập từ Italia, Pháp. Hồ tắm rộng cả trăm mét vuông được lát bằng gạch men ngoại nhập trắng muốt. Đó chính là biệt điện Lệ Xuân.

Theo hồi ký của viên tướng ngụy quyền Sài Gòn Đỗ Mậu thì vườn hoa Nhật Bản nằm phía sau biệt thự Lam Ngọc có hồ sen đặc biệt hình địa đồ Việt Nam. Trần Lệ Xuân đã mời kỹ sư Nhật Bản đến Đà Lạt 2 lần để thiết kế và xây cái hồ này.

Khi hồ được bơm đầy nước, bản đồ tuyệt đẹp sẽ hiện ra…Ngôi lâu đài của Lệ Xuân nổi tiếng đến độ sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (năm 1963), du khách đổ xô về Đà Lạt để xem.

Khi tài sản của gia đình họ Ngô bị tịch thu, biệt điện Lệ Xuân trở thành Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Nhiều bảo vật quý hiếm của các sắc tộc được đưa về đây cất giữ. Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của sĩ quan ngụy, không ít cổ vật quý bị tuồn ra nước ngoài. Những món đồ cổ còn sót lại trong biệt điện cũng bị đánh cắp, đập phá.

Còn nhớ vào giữa thập niên trước, khi đến nơi này, chúng tôi chứng kiến tình trạng xuống cấp trầm trọng: Mái ngói, tường, sàn mục nát, rêu mốc; nhiều cửa kính bị tháo gỡ, đập bể bởi hàng chục năm qua, biệt điện gần như bị bỏ hoang hoặc chỉ được sử dụng như nhà kho. Ngay cả hồ tắm sang trọng cũng bị tận dụng làm hồ nuôi cá giống nên gạch bị sứt mẻ, hoen ố! 

Lần này trở lại biệt điện, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi đa số các biệt thự, công trình đều được tôn tạo để trở về thời…hoàng kim xa xưa. Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia (LTQG) IV – đơn vị đang quản lý sử dụng biệt điện cho biết Bộ Nội vụ và Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đầu tư kinh phí khá lớn để trùng tu, tôn tạo biệt điện.

Đưa cho tôi tập ảnh đen trắng khá dầy miêu tả chi tiết biệt điện Lệ Xuân ngày xưa, giám đốc nói: Quá trình trùng tu sẽ cố gắng giữ nguyên trạng khu biệt thự như trong ảnh.

Bởi việc tìm kiếm những nguyên vật liệu tương ứng với ngày trước rất khó khăn nên nhiều lúc các công trình bị gián đoạn thi công. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận “trả giá” về thời gian, công sức chứ không để xảy tình trạng chắp vá, cũ mới lẫn lộn khi trùng tu biệt điện. 

Điều lý thú, biệt điện này đang lưu trữ hơn 30 ngàn tấm Mộc bản triều Nguyễn – những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo.

Lưu truyền công danh sự nghiệp của vua chúa, các sự kiện, biến cố lịch sử, tiễu trừ giặc giã…Tất cả các bản thảo đều được Hoàng đế “Ngự lãm”, phê duyệt trước khi giao cho những người thợ tài hoa khắc lên gỗ. 

Do tính chất quan trọng của tài liệu Mộc bản nên dưới thời Minh Mạng, nhà vua từng có chỉ “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ ở Văn Miếu (Hà Nội) về các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư Đại Toàn, Vũ Kinh Trực Giải cùng Tiền Hậu Chính Sử và Tứ Trường Văn Thể gửi về Kinh để ở Quốc Tử Giám”.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa nhận định công trình trùng tu, tôn tạo biệt điện Lệ Xuân và phục chế tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được triển khai rất khoa học, bài bản.

Đưa biệt điện vào khai thác du lịch và trưng bày tài liệu lưu trữ quý giá là nhằm phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Đây sẽ là địa điểm du lịch văn hóa lịch sử độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách và các nhà khoa học đến tham quan, nghiên cứu.  

Ngay sau khi đăng quang, vua Thiệu Trị cũng đã ban sắc cho thuyền binh chở toàn bộ Mộc bản từ Quốc Tử Giám (Hà Nội) về Kinh thành để bảo quản, tu bổ.

Nhân viên coi giữ tài liệu thường xuyên kiểm tra các bản khắc xem bản nào bị hư hỏng, chữ nào mất nét thì giao cho Viên Đốc công Vũ khố đốc sức cho thợ phục chế ngay.

Năm 1959, khi Bảo Đại chọn Đà Lạt làm “Kinh đô” Hoàng Triều cương thổ thì toàn bộ Mộc bản triều Nguyễn được chuyển về miền đất cao nguyên này. Ban đầu cất giữ ở Nha Ngân khố rồi chuyển đến nhà dòng Chúa cứu thế và từ năm 1983 đến nay được lưu trữ tại biệt điện Lệ Xuân.

Tiếp xúc với chúng tôi, một số nhà nghiên cứu bày tỏ sự tiếc nuối: Những năm miền Nam vừa được giải phóng, do không hiểu ý nghĩa quan trọng của tài liệu này nên việc bảo quản còn bị xem nhẹ và hậu quả là nhiều tấm Mộc bản bị thất lạc, hư hỏng (nứt, gãy, mối mọt…); thậm chí một số người còn chẻ ra làm củi!

Trước tình hình đó, với sự cộng tác của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu “cây đa cây đề” về Hán Nôm như Vũ Văn Kính, Đinh Tấn Dung,Tăng Văn Hỷ cùng PGS Nguyễn Gia Phu và giảng viên đại học Nguyễn Thanh Châu, Trung tâm LTQG đã triển khai chương trình “cấp cứu tài liệu Châu bản – Mộc bản”: Nghiên cứu, phân loại, sắp xếp “cả một núi tài liệu Mộc bản triều Nguyễn bị xáo trộn lung tung” (lời của giám đốc Trung tâm LTQG) trong nhiều năm liền.

Đến nay, toàn bộ tài liệu Mộc bản đã được in ra giấy dó rồi hệ thống hóa, tổng hợp được 152 đầu sách thuộc 3 nhóm chính: Chính sử triều Nguyễn, tác phẩm văn chương và sách kinh điển của nhà Nho dùng để dạy và học.

Chiếc tủ kính trong phòng làm việc của giám đốc chất đầy đĩa CD – Rom   ghi lại bản dập tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Chương trình quản lý tài liệu  được xây dựng và nạp vào máy tính để có thể tra cứu xuyên suốt khối tài liệu và in sao dễ dàng.

Trung tâm LTQG cũng đã biên soạn và xuất bản sách “Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan” để công bố, giới thiệu toàn bộ tài liệu quý hiếm này.

Cán bộ Trung tâm còn tự hào cho biết các bản gốc tài liệu Mộc bản được bảo quản trong một kho chuyên dụng hiện đại nhất nước nhằm tăng tuổi thọ của tài liệu đến muôn đời sau. Kho có hệ thống điều hòa trung tâm, phòng chống đột nhập, PCCC tự động, công suất chứa khoảng 5.000 m giá tài liệu.

Bước vào phòng lưu trữ Mộc bản, chúng tôi như bị thôi miên bởi những tấm ván khắc màu sáng trắng hoặc xám đen in dấu thời gian hàng trăm năm nhưng chữ vẫn sắc nét, đẹp đến lạ lùng. Mỗi chữ viết, nét khắc dường như đều có thần, khi thì mềm mại uyển chuyển, lúc lại cứng rắn kiên cường...

Giảng viên Nguyễn Thanh Châu cho biết loại gỗ phổ biến nhất dùng làm ván khắc là gỗ thị vì có ưu điểm chất liệu gỗ dai, mềm, mịn, khó bị nứt nẻ nên chữ khắc trên đó sẽ không bị lệch. Ngoài ra, theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Mộc bản còn được chế tác từ “gỗ cây nha đồng, tục danh là Sống mật, sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi”.    

Châu bản, Mộc bản, sách Ngự lãm là kho tư liệu quý, nguồn sử liệu phong phú và đáng tin cậy về xã hội phong kiến triều Nguyễn. Thế nhưng, tỉ lệ Châu bản còn lưu giữ được chỉ khoảng 20%.

Các sách sử in thời Nguyễn cũng bị mất mát, hư hỏng nhiều. Số còn giữ được đã thiếu lại không đồng bộ; quá trình sao chép không tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bản”.

Bởi thế, Mộc bản triều Nguyễn (dạng tài liệu lưu trữ đặc biệt của Việt Nam và hiếm có trên thế giới) cất giữ tại Đà Lạt thực sự là tài sản vô giá. Các cơ quan liên quan đang phối hợp lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.   

MỚI - NÓNG