Đà Nẵng tung gói kích cầu du lịch ở Hà Nội

Cảnh sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Cảnh sông Hàn, Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Tại chương trình quảng bá du lịch Đà Nẵng chiều 4/1 tại Hà Nội, không chỉ giới thiệu hàng loạt sản phẩm, sự kiện mới trong năm 2017, Sở Du lịch Đà Nẵng thông báo gói kích cầu với mức ưu đãi giảm giá sâu cho du khách trong suốt năm 2017.

Pháo hoa không chỉ hai ngày

Các năm trước Đà Nẵng thường quá tải lễ hội pháo hoa quốc tế dịp 30/4 và 1/5. Năm nay, lễ hội chủ đề “Tỏa sáng Ngũ Hành Sơn” kéo dài tận hai tháng, từ 29/4 tới 30/6. Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, thay vì dồn vào hai ngày như thường lệ, năm nay tám đội pháo hoa chia ra biểu diễn vào một ngày cuối tuần, bắt đầu 29/4 với chương trình của Việt Nam, Áo tại Cảng sông Hàn. 

Xứng với danh hiệu điểm đến và lễ hội năm 2016, suốt hai tháng có hàng loạt hoạt động phụ trợ: Lễ hội Mặt trời thắp lửa tri ân, lễ hội văn hóa Chăm, lễ hội ẩm thực quốc tế, lễ hội đường phố, lễ hội bia, điêu khắc quốc tế, lễ hội diều, lễ hội rượu vang, cuộc thi Vua đầu bếp Đà Nẵng, lễ hội âm nhạc dành cho những người trẻ hay thi ảnh.

Bên cạnh sản phẩm quen thuộc, du khách trải nghiệm một số chương trình du lịch mới: Ngắm bình minh, hoàng hôn trên sông Hàn dùng ca nô cao tốc, Sông Hàn - chợ hải sản Thọ Quang, sông Hàn - vịnh Đà Nẵng, khám phá Sơn Trà bằng xe jeep, tour nội thành Đà Nẵng, bảo tàng Chăm - Ngũ Hành Sơn - chùa Linh Ứng Sơn Trà. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, PGĐ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, sau sự cố chìm tàu ở sông Hàn, Đà Nẵng rà soát và chỉ cho phép 18 tàu đón khách trải nghiệm tua sông Hàn. “Chúng tôi thành lập đội cứu hộ, đề ra quy trình và quản lý xuất bến chặt chẽ. Dịp vừa qua, Đà Nẵng mỗi tối đón 400 đến 500 khách du lịch đường sông”, bà Hạnh nói.

Đà Nẵng dự kiến đưa tới tiện ích phục vụ du khách đa dạng dịp đầu năm như ứng dụng du lịch trên thiết bị di động dành cho Danang FantasticCity. Khách có thể khám phá thông tin sự kiện nổi bật tại Đà Nẵng, các điểm du lịch hấp dẫn, khách cung cấp thông tin yêu cầu, ứng dụng tạo ra lịch trình để tham khảo, sau đó lưu lại để xem trong suốt hành trình mà không cần kết nối mạng internet. “Danang Pass” là thẻ tiêu dùng cho du khách sử dụng tại các điểm có hệ thống ở Đà Nẵng, có thể xem như cơ sở thống kê lượng khách và mức độ chi tiêu.

Ưu đãi khách

Đà Nẵng kích cầu du lịch nhiều năm rồi nhưng điểm đặc biệt của năm nay theo ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành TP Đà Nẵng chính là sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Đà Nẵng chủ động đưa sản phẩm tới các thị trường chính với logo nhận diện “Danang Fantastic City”. “Đà Nẵng mùa cao điểm thường khó đặt phòng, nhưng mùa thấp điểm mới sử dụng khoảng 30% công suất phòng, chúng tôi muốn đưa ra gói sản phẩm hấp dẫn, tập trung vào dòng khách đi lẻ phối hợp Hà Nội, TPHCM và một số thị trường khác”, ông Dũng nói.

Hai nhóm chính (có hoặc không vé máy bay) để hình thành điểm đến ba ngày khám phá Đà Nẵng, hoặc bốn ngày khám phá thêm Hội An. Với sự tham gia ba hãng hàng không lớn, khách mua sản phẩm được giảm sâu trọn gói hoặc lựa chọn khác. Ông Dũng cho biết, dự kiến mức giá mùa thấp điểm trừ dịp lễ tết giảm ít nhất 30%, mùa cao điểm nếu khởi hành thứ Hai, thứ Ba và Chủ nhật có thể giảm 20%. 

Hiện có sáu doanh nghiệp cam kết tham gia và nhận được ưu đãi này, với hệ thống hơn 60 đơn vị cung ứng dịch vụ, chủ yếu là các khách sạn 3-4 sao và hầu hết ở ven biển mới đưa vào hoạt động để có được mức giảm sâu. “Du khách tự đặt chắc chắn sẽ cao hơn nhiều nếu sử dụng gói chương trình này”, ông Dũng nói.

Đại diện một công ty lữ hành thắc mắc, vào mùa cao điểm rất khó mua được dịch vụ cho khách, liệu Đà Nẵng có đảm bảo ổn định. Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng giải thích, theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyết định giá kinh doanh vào thời điểm thích hợp, tuy nhiên pháp lệnh giá cũng cho phép địa phương can thiệp ở thời điểm thích hợp để bình ổn giá. 

Trong các kỳ pháo hoa vừa qua, Đà Nẵng yêu cầu doanh nghiệp không tăng quá 50% giá ngày thường, và phải công khai giá. Bà Hồng Hạnh cũng nhắc lại định hướng Đà Nẵng là thành phố đáng sống, điểm đến “bốn an” tức “An ninh trật tự, An toàn vệ sinh thực phẩm, An toàn giao thông và An sinh xã hội”. Du lịch Đà Nẵng hứa đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn cho dù khách có xu hướng tăng lên.

Lo thiếu hướng dẫn viên tiếng Hàn

Theo thông tin từ các công ty lữ hành chuyên khách Hàn và đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng, năm tới khách Hàn Quốc đến thành phố biển tăng mạnh, đòi hỏi lực lượng hướng dẫn viên không nhỏ. Bà Trương Thị Hồng Hạnh cho biết Đà Nẵng có 30 hướng dẫn viên tiếng Hàn trong tổng 90 hướng dẫn viên cả nước, năm qua Sở cho phép mở lớp đào tạo 25 người Việt từng lao động tại Hàn để bổ sung lực lượng, năm 2016 đào tạo thêm 43 hướng dẫn viên. Sở chủ động phối hợp trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng đào tạo thêm hướng dẫn viên tiếng Hàn. Ngoài ra Sở cho phép các hướng dẫn viên sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Việt, sau đó trưởng đoàn phiên dịch lại.

MỚI - NÓNG