Đa văn hóa chợ

Chợ Abbattoir (Bỉ). Ảnh: Quế Mai
Chợ Abbattoir (Bỉ). Ảnh: Quế Mai
TP - May mắn được xê dịch khắp nơi, tôi từng đi chợ và ăn Tết ở nhiều xứ sở. Nói không ngoa, ở chốn tưởng chừng chỉ có bán - mua, văn hóa cộng đồng lại biểu hiện rõ nét nhất.

Bangladesh - Chợ đàn ông

Có ai đó nói rằng, đến với chợ, ta đến với một nền văn hoá. Tôi thấm thía điều đó hơn khi đi chợ ở Bangladesh, nơi tôi đã sống và làm việc trong thời gian bốn năm, từ năm 2002-2006. Ở thành phố Dhaka, tôi đã rất thảng thốt khi lần đầu tiên ra chợ: người bán toàn là… đàn ông. Nhiều người nhìn tôi chằm chằm, săm soi, vì tôi chỉ mặc áo sơ-mi mà không có khăn choàng. Hoá ra, phần lớn người dân ở đây theo đạo Hồi, phụ nữ cần phải tuân thủ theo những quy định khắt khe và phải lánh mặt đàn ông bất cứ khi nào có thể, vì thế công việc chợ búa đều do đàn ông lo liệu. Đàn ông Bangladesh cũng nói thách, cũng mặc cả tài tình như phụ nữ Việt, hoặc thậm chí còn hơn cả phụ nữ Việt.

Nếu ở Việt Nam, mỗi khi ra chợ, tôi thích thong thả ngắm nhìn, mua bán chậm rãi, đôi khi còn lân la hỏi người bán - các bà, các cô đứng tuổi - về việc chế biến một món thức ăn nào đó, thì ở Bangladesh, tôi phải bắt đầu giấu mình dưới chiếc khăn choàng, quan sát những gì đang diễn ra xung quanh một cách kín đáo. Những năm tôi sống ở Dhaka, thảng hoặc lắm tôi mới nhìn thấy phụ nữ đi chợ. Thường thì họ phải dùng khăn choàng để che đầu, che ngực và che cổ. Rất nhiều phụ nữ mặc áo choàng đen (burqa) kín mít từ đầu đến chân, chỉ hở đôi mắt.

Nhớ thời đó, tôi có một người lái xe tên là Lutfo. Một lần, khi xe đang đi, anh nhấn phanh rất gấp, làm tôi chúi đầu phía trước, đau điếng. Một người phụ nữ mặc áo choàng đen đang hối hả băng qua đường.

“Anh Lutfo này, vợ anh có mặc burqa không? Nếu có thì làm sao anh nhận ra vợ mình trên đường phố?” - Sau bao tháng trời quen biết anh Lutfo, tôi mới dám hỏi câu này.

“Có chứ. Vợ tôi dĩ nhiên mặc burqa, và dĩ nhiên, nếu người phụ nữ vừa băng qua đường kia là vợ tôi, tôi sẽ không nhận ra cô ấy”. Anh Lutfo cười vui vẻ. “Mới hôm kia, tôi ra chợ, chọn mua hoa quả ở một quầy hàng, đến đứng cạnh vợ tôi mà không biết. Đến khi vợ tôi cất tiếng trả giá, tôi mới biết đó là vợ mình. Cô ấy ít ra ngoài, nhưng hôm đó thiếu một thứ cần thiết nên mới đi. May mà nhờ giọng nói, tôi mới nhận ra vợ”. Anh Lutfo cười sảng khoái.

Philippines - Chợ thành thật

Khác với những ngôi chợ ở Bangladesh trầm tư và ít cười nói, tiếng cười luôn ngập tràn những ngôi chợ ở Phillipines, nơi tôi đã sống và làm việc bốn năm, từ năm 2011 đến 2015. Họ thả sức nói chuyện, cười đùa, đôi khi vô tư cất tiếng hát vang. Đến với một ngôi chợ Philippines, bạn có thể thả sức hỏi giá các sản phẩm, mà không bị người bán chèo kéo, bắt phải ngã giá, bắt phải mua.

Nhớ có lần tôi đã trò chuyện cùng anh Nguyễn Hùng và anh Nguyễn Duy Đức, những nạn nhân siêu bão Hải Yến. Rời quê nhà ở Phú Yên, hai anh sang Philippines làm ăn buôn bán nhỏ. Theo sự chỉ dẫn của những người quen, các anh tìm đến Tacloban, một thành phố ven biển hiền hòa. Hàng ngày, các anh chở quần áo, giày dép và đồ dùng gia đình ra chợ, bán cho những người Phi. Hầu hết các khách hàng của các anh là người dân nghèo nên dù các món hàng có giá trị thấp, họ vẫn phải trả góp.

“Khi đi lấy tiền từ những người mua trả góp, chúng tôi không bao giờ phải đếm”, cả anh Hùng và anh Đức khẳng định. “Trong nhiều năm làm ăn buôn bán, chúng tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào gian lận. Nhiều khi họ đưa cho mình những chồng tiền xu cao ngất, mình về nhà đếm lại thì chính xác đến từng peso” anh Đức nói. Còn anh Hùng kể một lần anh chạy xe máy và túi đựng tiền của anh bị bung. Những đồng tiền có giá trị 100 peso (khoảng 50.000 đồng) cứ thế được rải trên quãng đường cả kilomet mà anh không hề hay biết.

“Lúc đó, có một người Phi đằng sau tôi nhặt tiền và đuổi theo tôi để trả lại”, anh Hùng lắc đầu. “Tôi đâu biết mình mất tiền, lúc có người gọi, tôi quay lại thì thấy ông ấy vừa chạy theo vừa cầm một nắm tiền trên tay đưa cho tôi”.

“Còn tôi thì một lần mua cá ở chợ nhưng đầu óc lơ đãng nên quên lấy. Ngày hôm sau trở lại, người bán cá gọi tôi, đưa tôi một túi cá mới”, anh Đức nói. “Có lẽ người ta đều theo đạo Thiên Chúa nên nền tảng đạo đức rất tốt”.

Đức - Chợ Giáng Sinh

Các ghi chép của lịch sử cho thấy, Đức là dân tộc phát minh ra các phiên chợ Giáng sinh, và có lẽ vì thế, các hội chợ Giáng sinh ở Đức cũng thật độc đáo và đa dạng. Ngay từ cuối tháng 11, khắp nơi trên nước Đức ấm dần lên với sự hiện diện những ngôi chợ Giáng sinh, được tổ chức ngoài trời. Ấm là bởi trong tiếng nhạc Giáng sinh vui nhộn, người người đang hội tụ để mua sắm những món trang trí xinh xắn, những món quà độc đáo, cùng những món ăn làm nên bữa tiệc Giáng sinh ấm áp.

Đa văn hóa chợ ảnh 1

Món rượu nóng được bán khắp nơi ở châu Âu dịp Giáng sinh. Ảnh: Quế Mai

Mười bốn năm trước, tôi đã “chạm môi” vào Giáng sinh khi nhấm nháp những ngụm rượu nóng Glühwein tại chợ Giáng sinh Munich, để từ đó luôn ao ước được trở lại nơi đây. Món rượu Glühwein khá dễ nấu (với thành phần gồm rượu đỏ, đinh hương, vỏ cây quế, đường, cam cắt lát), tuy nhiên, phải đứng giữa chợ Giáng sinh chính hiệu kiểu Đức, giữa hàng trăm con người đang cúm rúm, co ro vì lạnh, cầm trên tay một chiếc cốc bốc hơi nghi ngút, hít hà mùi rượu thơm nồng nàn, rồi để thứ chất lỏng ấm nóng thơm lừng ấy tan chảy vào cơ thể, mới cảm thấy ngày lễ đó  đặc biệt và thiêng liêng đến thế nào.

Đa văn hóa chợ ảnh 2

    Các nghệ sĩ biểu diễn ở chợ Giáng sinh. Ảnh: Quế Mai    

Đa văn hóa chợ ảnh 3

Các em nhỏ quan sát nghệ nhân Đức tại chợ Giáng sinh. Ảnh: Quế Mai

Địa điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức món rượu nóng Glühwein chính là ở phiên chợ Christkindlmarkt đặt ngay tại quảng trường trung tâm thành phố Munich. Khi được tổ chức lần đầu tiên 370 năm trước (vào năm 1642), phiên chợ Giáng sinh này lập tức thu hút rất đông người tham dự và trở nên nổi tiếng với những sản phẩm Giáng Sinh truyền thống độc đáo như bánh mỳ gừng và những cây chổi quét ống khói được làm bằng… quả mận và hạnh nhân. Ngày nay, Munich Christkindlmarkt không những lừng danh ở nước Đức, mà ở khắp châu Âu. Đặc biệt hơn nữa, chợ Christkindlmarkt đã được thành phố và người dân Munich tổ chức xuyên suốt 370 năm qua, trừ những năm chiến tranh quá ác liệt.

Bỉ - Chợ tết việt

Thật lạ lùng khi gần đây, chuyển đến sống và làm việc ở thành phố Brussels, Bỉ, tôi lại được trở về tuổi thơ khi đến với ngôi chợ Abattoir. Ở đây, tôi tìm được hầu như tất cả những gì cần thiết để nấu những món ăn Việt Nam dân dã. Dưới ánh sáng của mặt trời và trong cái se lạnh của mùa thu, tất cả căng mọng, tràn trề sức sống.

Đa văn hóa chợ ảnh 4

Chợ Tết Việt ở Bỉ. Ảnh của Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ

Chồng tôi nói rằng ở Abattoir, bạn không cần nói một ngôn ngữ nào, vì những người mua bán ở đây đến từ tứ xứ. Thánh thót quanh tôi là tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ả rập, và thảng hoặc có cả tiếng Việt, tiếng Thái, tiếng Nhật… Nhưng ấn tượng hơn cả là tiếng rao của những người bán hàng. Họ hát, họ rao, họ vỗ tay, họ làm đủ mọi thứ để thu hút sự quan tâm của người mua.

Mỗi lần đến với Abattoir, tôi mê mải mua, cho đến lúc không còn xách nổi nữa. Nhớ một lần, tôi ra về, một bên tay kéo một chiếc xe chất nặng thức ăn, bên tay kia là túi vải căng phồng những khoai lang, bí đỏ, thì là, hạt dẻ... Đang đi giữa dòng người, bất chợt xe của tôi không kéo được nữa - một chiếc bánh xe đã bị bung ra. Tôi loay hoay giữa dòng người hối hả.Bất chợt một người đàn ông cúi xuống. Ông nhẹ nhàng nâng chiếc xe của tôi lên, tháo bánh xe ra, rồi lắp lại. Rồi ông đứng lên, bước tiếp, biến mất vào dòng người. Tôi đứng đó, lời cảm ơn vẫn còn ở trong lồng ngực.

Năm nay, tôi ăn Tết xa nhà, nhưng nhờ chợ Abattoir, tôi sẽ có được một mâm cỗ Tết gần như đầy đủ. Còn thiếu món gì, tôi sẽ mua ở phiên chợ Tết, do cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Nhiều năm qua, chợ Tết Việt Nam tại Bỉ đã thu hút rất nhiều người tham dự, với các hoạt động văn hoá đặc sắc, các gian hàng thủ công mỹ nghệ, những quầy ẩm thực đầy ắp các món ăn Tết cổ truyền của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Chắc chắn rằng, để đón Tết tại Bỉ năm nay, tôi sẽ cho các con tôi mặc áo dài, đi chợ Tết để chúng cảm thấy trân trọng hơn, yêu hơn văn hoá bản sắc của đất nước mình.

Trong giấc mơ của tôi về Tết, tôi được cùng cha tôi ra chợ hoa Gò Vấp, nơi bao năm qua tôi đã trở về, cùng cha dạo bước. Chúng tôi sẽ ngắm nghía, chọn cho gia đình một cây mai vàng miền Nam hoặc một nhành hoa đào Hà Nội. Tôi đi bên cha, giữa những nụ hoa e ấp bình minh của một năm mới. Những nụ hoa đang nở, gọi người người hãy gác lại những lo toan, bận rộn để ấp đầy lồng ngực hương thơm của mùa xuân đang dâng lên, đang chảy tràn sắc thắm.

Phần đông người dân Philippines theo đạo Thiên Chúa, và niềm tin tôn giáo được thể hiện rõ nét ở chợ: tôi chưa hề thấy người ta cãi vã nhau ở chợ, họ nói năng từ tốn, nói thách cũng hết sức vừa phải, và hầu như không hề cân thiếu.

MỚI - NÓNG