Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII: Tất cả để có tác phẩm hay

Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ VII: Tất cả để có tác phẩm hay
Không có tác phẩm hay, nhà văn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa

Như vậy 13 đại hội nhà văn Việt Nam (cấp cơ sở) đã hoàn tất. Khoảng 500 nhà văn, đại diện cho 832 hội viên trong cả nước sẽ tham dự Đại hội đại biểu nhà văn Việt Nam toàn quốc diễn ra trong ba ngày 22, 23 và 24 tháng Tư năm nay.

Trong 5 năm vừa qua đã diễn ra nhiều sự kiện văn học. Nhưng cứ như người viết bài này thì có hai việc gây được sự chú ý và quan tâm rộng rãi của cộng đồng.

Một là, ngày càng có thêm nhiều người sáng tác tham gia vào lĩnh vực phê bình với cách nhìn mới mẻ, thẳng thắn (thậm chí gay gắt), đôi khi làm chính những người trong nghề “nóng gáy”, thế mà lại tạo được những bước chuyển dịch đáng kể trong lĩnh vực vốn được coi là hàn lâm và khô khan này. Hãy khoan bàn chuyện đúng, sai đến đâu, nhưng một thực tế cần thừa nhận là chính người sáng tác với vai trò trong cuộc, tự thẩm định lấy tác phẩm hoá ra lại thiết lập được cầu nối giữa văn học và công chúng, giữa tác phẩm và thưởng thức, giữa nhà văn và bạn đọc.

Hai là, nước Việt bây giờ đã có một Ngày thơ Việt Nam,  dần hình thành một mỹ tục mới, một môi trường giao tiếp đầy hứa hẹn mang trong mình sức sống và sức lan tỏa.

Hoạt động mang tính lễ hội này không những chỉ tôn vinh thơ và người làm thơ mà còn góp phần vào việc xã hội hoá văn học.

Văn học ngày nay đứng trước sự thách thức tất yếu của nhiều loại hình văn hoá khác. Sách in vấp phải sự cạnh tranh tiềm tàng của sách trên mạng. Nhà văn đối mặt với sự đòi hỏi ngày càng cao của công chúng ngày càng có trình độ. Sẽ là không công bằng khi phủ nhận thành tựu của văn học trong 5 năm vừa qua.

Đã có những tác giả được công chúng đón nhận, những tác phẩm có giá trị văn học cao làm người đọc say mê… Nhưng phải thẳng thắn với nhau rằng, chúng ta có quá ít những tác phẩm có tầm vóc, tạo nên được sự chấn động và quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Chúng ta mới chỉ hay so với chúng ta, nghĩa là nếu đem so với thành tựu ở những lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, kinh tế, truyền thông v.v... thì văn học chưa có nhiều tác phẩm tương xứng.

 “Kinh nghiệm hàng ngàn năm của nhân loại và dân tộc cho chúng ta thấy rằng, văn học tuy thể hiện ra bằng cảm xúc, hình tượng, ngôn từ... nhưng nó luôn xa hoặc gần, trực tiếp hay gián tiếp gắn với tư tưởng của con người, triết luận về cuộc sống, thao thức về số phận cá nhân và cộng đồng, băn khoăn về lẽ sinh tồn , về kiếp người...” “Mãi mãi con người đi tìm chính mình, mãi mãi con người cần văn học, cần nhà văn như ngọn đèn soi rọi vào cuộc sống, vào con người” (Báo cáo phương hướng phát triển văn học giai đoạn 2005 -2010).

Trước kỳ vọng và đòi hỏi như vậy, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII đã đặt ra mục tiêu số một : Tất cả để có tác phẩm hay, bởi vì không có tác phẩm hay thì nhà văn chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. “Đầu bài” cho đại hội nhà văn lần này là phải tìm ra bước đột phá cơ bản về tổ chức Hội nhà văn, hệ thống ấn phẩm của Hội, cách trao giải thưởng văn học hàng năm, kết nạp hội viên mới, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng trẻ v.v... Chỉ khi ấy “thương hiệu” Hội nhà văn mới giữ nguyên được sự sang trọng và sức hấp dẫn vốn có, mới là nơi tập hợp những cây bút ưu tú nhất, đặc biệt là những người viết trẻ.

Đáng chú ý, (có lẽ đây là lần đầu tiên ?) trong 10 nhiệm vụ đặt ra cho nhiệm kỳ này có việc Thành lập Ban kinh tế, khai thác nguồn thu cho Hội, bổ sung kinh phí hỗ trợ sáng tác... Phải chăng nhà văn hôm nay sẽ rời bỏ tháp ngà văn chương để “xông” vào lĩnh vực của các doanh nhân ?

Cứ như hiểu biết của người viết bài này thì cho dù nước ta đã bước vào nền kinh tế thị trường khá lâu nhưng hiện chỉ rất ít nhà văn ta sống bằng văn chương. Họ vẫn phải tự mình nuôi văn chương bằng nghề khác. Vậy thì làm kinh tế đây không có nghĩa là làm thay công việc của doanh nhân, mà nhà văn phải đòi lại những gì mình đáng được hưởng. Sách in lậu, sách nối bản vẫn tồn tại một cách phổ biến, dai dẳng và bất công. Cha đẻ của tác phẩm - nhà văn thì nghèo, trong khi bà đỡ - người làm sách thì lại giầu một cách khó hiểu. Nhà thơ Dương Thuấn đã có lý khi đề nghị Hội Nhà văn nên có bộ phận quan tâm tới công tác phát hành sách, vì lâu nay thị trường sách vẫn bị các đầu nậu thao túng, sáng tác khó đến được tay người đọc, còn nhà văn thì phải chịu nhiều thiệt thòi.

Một điểm đáng chú ý khác là, lần đầu tiên trong Điều lệ của Hội sẽ có điều khoản : đình chỉ sinh hoạt Hội (điều 27 “Về kỷ luật”). Trước kia, việc “ra” hay “vô” Hội đều là tự nguyện ; nhưng bây giờ những nhà văn vi phạm quy chế sẽ bị đình chỉ sinh hoạt nếu BCH bỏ phiếu quyết định đạt tỉ lệ quá bán.

Lĩnh vực “nhạy cảm” nhất và thu hút sự quan tâm nhất ở mọi kỳ đại hội vẫn là vấn đề nhân sự của BCH mới. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh thì cơ cấu BCH mới sẽ có hình thoi. Quãng giữa (quãng lớn nhất) của hình thoi sẽ là những người đang ở độ chín của văn chương, tuổi từ 4X-5X. Hai đầu của hình thoi là những nhà văn dưới 40 và trên 60 tuổi. Với số lượng trên 800 hội viên và nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới, BCH mới cần có khoảng 15 uỷ viên mới đủ để làm việc. Yếu tố vùng miền, thể loại... cũng là điểm cần lưu ý.

Với đa số các nhà văn thì đại hội là một cuộc giao lưu lớn ở cấp toàn quốc, là một lần điểm danh đội ngũ. 5 năm qua Hội Nhà văn kết nạp được thêm 193 hội viên mới, song đã phải chịu một tổn thất to lớn, đã có 60 nhà văn từ trần.

Để có tác phẩm hay không phải là việc mà một kỳ đại hội có thể làm ngay được. Nói và làm theo cách phổ biến bây giờ là cần phải hình thành được một pờrôdếc (project -dự án) dài hạn và khôn ngoan, với những mục tiêu cụ thể và khả thi; phải tạo được môi trường sáng tạo cởi mở, có đường biên văn học rộng rãi phải làm cho độc giả tiếp cận trực tiếp với tác phẩm v.v... thì mới mong thu được thành công. Ba ngày đại hội sẽ trôi nhanh. Mỗi người viết lại phải quay về với công việc độc hành cùng trang giấy (hoặc màn hình) trống trải và sứ mệnh “thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”.

1.4.2005

MỚI - NÓNG