Đại lễ thơ

Đại lễ thơ
Tp - Chiều 27-2, ngọn lửa truyền thống được rước từ Đền Hùng về đến trụ sở của Hội Nhà văn Việt Nam để thắp sáng Ngày thơ Việt Nam 2010 tại Hà Nội. Ngày thơ năm nay tổ chức với độ dài kỷ lục (13-16 tháng Giêng), hứa hẹn nhiều màn xôm.
Đại lễ thơ ảnh 1

J.Fossenbell (người Mỹ) trình diễn thơ cùng dịch giả Quế Mai tại sân thơ quốc tế - Ảnh: Hà Linh

“Ngày thơ năm nay được tổ chức với phương châm lễ hội hóa, chuyên nghiệp hóa, chấp nhận cả sự phá cách nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng” - Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.

Mở màn là sân thơ quốc tế tại Trung tâm Khoa học Văn hóa Nga sáng 26-2 với sự tham gia của các nhà thơ nước ngoài đang sống tại Hà Nội và nhiều dịch giả.

Có thể coi Ngày thơ Việt Nam 2010 là dấu mốc của những lần đầu tiên: Lần đầu tiên diễn ra nghi lễ rước lửa truyền thống; lần đầu tiên có lễ cầu siêu cho các nhà thơ hy sinh trong kháng chiến; lần đầu tiên tổ chức như một đại lễ thơ; lần đầu chào đón thơ dịch; lần đầu có sân thơ sinh viên, sân thơ thiếu nhi…

Nhiều người không khỏi bất ngờ vì những hình ảnh rất đời của Hà Nội như tiếng rao quà sáng hay phản thịt tươi ở chợ cóc đầu ngõ xuất hiện rất ngọt trong thơ của bạn bè quốc tế.

Trong triển lãm thơ trên gốm sứ, 15 câu thơ nổi tiếng của các nhà thơ tiền bối được các nghệ nhân Bát Tràng thể hiện trên 550 tác phẩm bát, đĩa, bình phong.

Nghệ nhân Vũ Đức Thắng hào phóng cho mượn bàn thơ gốm sứ lớn nhất Việt Nam cùng 2 cây đèn sứ cao 2m (cũng lớn nhất Việt Nam) và 2 cái chum có hoa văn men màu đỏ độc đáo để trưng bày suốt thời gian diễn ra ngày thơ.

Tối 27-2, các nhà thơ sinh viên thuộc 4 trường đại học Quốc gia, Văn hóa, Sư phạm và Thái Nguyên, có cuộc thi thơ và trình diễn thơ tại Cung Văn hóa Hữu Nghị để chọn ra những tiết mục xuất sắc cho sân thơ sinh viên hôm nay.

Được chờ đợi nhiều nhất tất nhiên vẫn là các hoạt động tại Văn Miếu vào đúng rằm tháng Giêng. Trong sắp đặt “Vườn thơ đất nước”, ở sân thơ chính, có tới 63 cây thơ đại diện cho 63 tỉnh thành cùng 2 cây thơ lớn mang 2 câu thơ nổi tiếng Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (Hoàng Cầm) và Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm (Chế Lan Viên).

Yếu tố nhìn cũng được coi trọng ở sân thơ trẻ với chương trình “Chuyển động”. Kiến trúc sư- nhà báo Nguyễn Trương Quý đảm nhận các poster tại sân thơ trẻ.

Để phù hợp chủ đề nghìn năm Thăng Long của ngày thơ năm nay, Nguyễn Trương Quý chọn các kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội như phố cổ, phố Pháp, hồ Gươm… cho poster.

Ngoài ra còn món dành cho thiếu nhi với lễ thả diều thơ, trình diễn thơ hay cho thiếu nhi. Đặc biệt thần đồng Trần Đăng Khoa sẽ đọc chùm thơ về biển đảo ở sân thơ này. Nhà Xuất bản Kim Đồng mang tới thơ dành cho thiếu nhi của cố nhà thơ Võ Quảng và Phạm Hổ.

Cũng không thể thiếu các hoạt động quen thuộc như thi câu đối, lễ thả thơ, đọc thơ, ngâm thơ. Trong buổi trình diễn thơ phổ nhạc, ban tổ chức dự kiến mời các ca sĩ nổi tiếng cho thêm phần hấp dẫn.

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.