Dan Brown và chiến dịch 'Biểu tượng đã mất'

Dan Brown và chiến dịch 'Biểu tượng đã mất'
TP - Có lẽ phải rời khỏi trái đất mới không nghe nhắc đến tin nóng hổi Dan Brown xuất bản The lost symbol ở Anh và Mỹ ngày 15/9.

Mấy tuần qua, sự kiện cuốn sách sắp ra mắt khiến dư luận bàn tán sôi nổi. Tên sách và bìa sách The Lost symbol (Biểu tượng đã mất) được công bố. Tất cả chỉ có thế. Các hiệu sách ký hợp đồng bảo mật thông tin đến khi sách chính thức ra mắt: Từ 0 giờ 1 phút 15/9.

Giới xuất bản không theo cách quảng cáo cũ, đi vào chiến lược lăng xê một cách xứng tầm. Giống như đợt quảng cáo mẫu xe hơi đời mới. Nhà xuất bản quảng bá trên mạng xã hội lớn: Facebook, Twitter, và theo cách của một phim bom tấn, có hẳn website quảng bá, Thelostsymbol.com. Tác phẩm đứng đầu danh sách bán chạy ngay cả khi chưa xuất hiện trên thị trường bởi lượng đăng ký qua mạng.

Mật mã Da Vinci bán hết 82 triệu bản, khiến khán giả tìm tới các cuốn khác của Dan Brown (Thiên thần và ác quỷ, Điểm dối lừa, Pháo đài số với tổng số 50 triệu bản trên thế giới).

Bản tiếng Anh Biểu tượng đã mất in lần đầu 7,5 triệu cuốn. Đây là con số chưa từng có cho lần xuất bản đầu.

Ở Pháp, NXB Lattès mua được quyền dịch sách cho các nước nói tiếng Pháp với số lượng lần đầu là 600.000 bản. Nhiều nước khác hứa hẹn mua bản quyền và dịch nhanh nhất có thể.

Nhằm tránh bị rò rỉ nội dung, các nhà xuất bản không phải ở Anh, Mỹ chỉ có bản thảo khoảng bốn đến năm ngày trước khi sách phát hành! Hiện ở Đức, tám dịch giả bắt tay làm việc để sách ra mắt trong một tháng nữa, trong khi Pháp hy vọng cuối tháng 11 ra lò.

Một trong những chìa khóa thành công của Biểu tượng đã mất: Bí mật. Các tác phẩm của Dan Brown có nguy cơ bị đánh cắp, nhái hoặc làm giả (bản nhái Mật mã Da Vinci tràn lan ở Trung Quốc).

Ở Mỹ, NXB Knopf Doubleday xiết chặt các biện pháp an ninh. Jeff Bezos, ông chủ website bán sách trực tuyến Amazon kể: “Các container chứa sách được canh ngày đêm trong kho riêng với camera an ninh đặc biệt. Độc giả phải cam kết không phát tán nội dung”.

Nóng từng phút

Điều thần kỳ là dù số lượng khổng lồ bán ra, hiện chưa có bất cứ sự rò rỉ nội dung nào, trừ những điều tác giả tiết lộ.

Kathryn Popoff - phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của Borders Group, mạng lưới cửa hàng sách lớn lưu ý, fan của Dan Brown có thể chỉ được mua mỗi người/cuốn.

Giống như Harry Potter, các cửa hàng mở tới nửa đêm. Nước Anh cũng không tránh khỏi bầu không khí cuồng sách, khi NXB Transworld, một chi nhánh của Random House đạt kỉ lục một triệu cuốn.

Nhiều chuỗi cửa hàng như Borders, Waterstone’s mở cửa sớm hơn thường lệ. Waterstone’s ở London tung chiêu: 200 cuốn có đề tặng của tác giả cho độc giả mua sớm.

Mail on Sunday đăng hai chương đầu với lượng phát hành báo đặc biệt. Các diễn đàn, mạng xã hội đâu đâu cũng lan tràn tin về sách mới của Dan.

Dan Brown cũng được đánh giá khá tinh ranh khi cho ra mắt phiên bản số: e.book ra mắt cùng thời điểm sách in giấy, đồng thời có cả sách đọc (trên đĩa CP hoặc MP3).

Như tác giả tiết lộ, Biểu tượng đã mất vẫn trung thành với phương pháp của Dan: Xây dựng câu chuyện như một sêri truyền hình, từng hồi ngắn, nhịp độ căng, nhiều biến cố. Lần này giáo sư ngành biểu tượng học Robert Langdon đối mặt với Hội Tam Điểm và dòng Ro-đen-cro. Langdon đi qua nhiều nơi bí mật của Mỹ: Quốc hội ở Washington, Salt Lake City, và cả Jérusalem. 

 Toan Toan
Theo Figaro

MỚI - NÓNG