Đàn đáy cổ nhất Long thành

Đàn đáy cổ nhất Long thành
TP - Cây đàn có tuổi đời cỡ 100 năm là vật gia truyền của gia đình nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng Đinh Khắc Ban đang được NSND Xuân Hoạch lưu giữ như một báu vật. Nó chính là cây đàn đáy cổ nhất Long thành hiện vẫn còn sử dụng được.

Sau bao năm thế kỷ 20 nhiều thăng trầm, ca trù gần như bị mai một và lãng quên trong đời sống tinh thần. Vậy nhưng chính trong giai đoạn khốn khó ấy ca trù vẫn âm ỉ cháy một cách bền bỉ ở đâu đó trong hut hút những con ngõ nhỏ khắp Long thành.

Men theo một trong những con ngõ ấy chúng tôi tới nhà NSND Xuân Hoạch, người đang giữ cây đàn đáy có tuổi đời cỡ trăm năm, một báu vật có thể nói vô giá của nghệ thuật ca trù. Cả hai vợ chồng ông đều có nhà.

Vừa dẫn chúng tôi lên cầu thang của căn nhà 5 tầng để đến nơi cất giữ cây đàn ông vừa cởi tấm lòng: "Tôi nâng niu cây đàn như báu vật gia đình gần ba chục năm nay", "Cây đàn hẳn xưa đã từng được thể hiện trong các canh hát ca trù với đúng nghĩa thưởng thức?", "Đúng thế" - NSND Xuân Hoạch cho biết.

Phòng trưng bày, cũng là nơi tập luyện của ông đủ loại nhạc cụ dân tộc, từ cây đàn bầu mộc, đàn nhị, đàn nguyệt đến trống phách… cây đàn đáy được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Thoạt trông, cây đàn không có gì đặc biệt, NSND Xuân Hoạch cũng như tán đồng:

"Thực ra về hình dáng nó không có gì khác biệt nhưng có điều gỗ rất tốt và được chế tác cầu kỳ. Chẳng hạn lấy những chỗ tốt nhất của một cây tre làm bộ phím.

Cây đàn chứa đựng sự sáng tạo rất cao bởi vì người chế tác đã tính đến chuyện không phải thay bộ phím rất rườm rà như bao cây đàn khác bằng cách đắp miếng cật tre vào một cái rãnh ở trên phím, khi mòn chỉ việc thay cật, rất đơn giản mà nhanh.

Thành đàn làm bằng gỗ trắc mật để có màu đẹp, mặt đàn là gỗ vàng tâm, cả hai đều là gỗ quý, cho nên tiếng đàn rất đẹp, trầm đục, chắc nịch mà lại vang.

Ngày trước dùng dây tơ, nhưng sau này dây tơ hiếm quá nên tôi chuyển sang dây ni-lông" - NSND Xuân Hoạch cho biết.

Cây đàn vốn là vật gia truyền của một gia đình gốc Vĩnh Phúc di chuyển xuống Hà Nội có nhiều đời gắn với ca trù nhưng nay đã thất truyền.

Tới thế hệ ca trù cuối cùng của gia đình ấy có những cái tên rất nổi tiếng của ca trù thế kỷ 20 như ca nương Đinh Thị Bản và kép đàn Đinh Khắc Ban. Cụ Ban chính là chủ nhân cây đàn cổ này.

"Tôi vẫn nhớ như in lời cụ Ban nói, theo truyền thống gia đình, ngay từ nhỏ cứ con gái thì học hát, con trai sẽ học đàn. Lúc ấy người cha đã phải tính chuyện đóng một cây đàn tốt cho con trai. Nhưng trước khi nhận đàn, người con trai phải được làm lễ đóng đàn trước tổ tiên" - NSND Xuân Hoạch kể. Cụ Ban được cha trao đàn khi vẫn chưa tới tuổi thanh niên.

Năm 1982, cảm thấy sức khỏe ngày càng yếu, hai người con một trai một gái của cụ không ai theo nghề, cụ đã chọn người học trò xuất sắc nhất, NSND Xuân Hoạch để truyền lại cây đàn. Tới năm 1992 cụ về với tổ tiên ở tuổi 78. Cho tới thời điểm này thì cây đàn có cỡ 100 năm tuổi.

Thăng giáng, bổng trầm

Năm 1966, tròn 16 tuổi, Xuân Hoạch học Trường Âm nhạc VN lúc đó sơ tán tại Xuân Phú (Bắc Giang). Thời điểm ấy, ca trù gần như bị lãng quên. Ngay thời gian ấy Xuân Hoạch đã ngưỡng mộ nghệ nhân Đinh Khắc Ban qua lời kể của các thầy và đồng nghiệp, lại thêm một may mắn con gái của cụ (Nghệ sĩ đàn tranh Đinh Thị Nội, hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia VN) học chung lớp.

Năm 1970 tốt nghiệp, ít lâu sau, Xuân Hoạch về công tác tại Đoàn Ca múa Trung ương (Nhà hát Ca múa nhạc Quốc gia VN hiện nay).

Cuộc sống thời đó khó khăn, nên dù đã về Hà Nội nhưng ông vẫn chưa thực hiện được mong ước được học đàn cụ. Bẵng đi tới quãng năm 1975 - 1976, nhân Đoàn dựng tác phẩm của NS Hoàng Đạm phổ thơ Hồ Chí Minh khai thác chất ca trù, Xuân Hoạch mới đề nghị được đến học cụ Ban.

 Cây đàn này là chứng nhân cho một thời kỳ dài lắm "truân chuyên" của nghệ thuật ca trù và tình yêu của các nghệ nhân, nghệ sĩ với loại hình âm nhạc đặc sắc này.

Dù không học đàn để chơi trong ca trù nhưng khỏi phải nói cụ Ban vui thế nào bởi ở cái thời ca trù gần như chẳng ai còn quan tâm, mà ngay cả những nghệ nhân tài năng cũng phải náu vào những nghệ thuật "bình dân" hơn, bản thân cụ Ban về công tác tại tổ dân ca Đài Tiếng Nói VN chuyên đệm ngâm thơ, ca Huế, Chèo… mà lại có người tới xin học.

Đang mạch chuyện bỗng người bạn đời của NSND Xuân Hoạch mắt sáng lên với kỷ niệm khó phai: "Hồi đó còn đang yêu nhau, mỗi lần học xong ông ấy lại đeo cái đàn dài dài đạp xe đến nhà tôi ở Liễu Giai chơi.

Cả nhà tôi nhìn thấy còn trêu: Đeo cái đàn gì thế hả thằng thầy cúng?! Ông ấy mới giải thích là đàn hát ả đào". Một chàng trai mới chừng đôi mươi khi ấy lại bị đùa như thế có ngại không? Xuân Hoạch gạt phắt: "Nghiệp rồi mà!".

Quãng thập niên 80 thế kỷ trước vẫn còn nghèo lắm, ấy thế mà hai thầy trò gắn bó tới mức cụ Ban có thời gian tới ở nhà học trò chừng năm rưỡi để thầy trò cùng say sưa với ca trù.

Quãng thời gian đấy, Nhà hát Chèo VN gửi gắm cụ 4 diễn viên gồm NSND Thanh Hoài, NSUT Đoàn Thanh Bình học ca và hai kép học đàn.

Cụ dạy ngay tại nhà NSND Xuân Hoạch. Trong 4 người đó một kép đàn đã bỏ nghề, 3 người còn lại đều thành danh. NSƯT Công Hưng hiện đang chơi đàn đáy trong nhóm NSUT Kim Đức.

Học trò của cụ Ban còn phải kể tới nghệ sĩ Trang Nhung, Thuý Đạt… Như vậy người giữ tiếng đàn Đinh Khắc Ban giờ chỉ còn 2 là NSND Xuân Hoạch và NSUT Công Hưng.

"Tôi nghe cụ Ban nói ca trù xưa có nhiều phong cách, mỗi giáo phường mỗi phong cách riêng. Nhưng hiện nay đã mất đi sự phong phú, tất cả chỉ thể hiện theo một lối chung" - NSND Xuân Hoạch cho biết.

Tiếng đàn của cụ Ban chắc, khỏe và luôn có cái gì đó mới làm tăng sức quyến rũ - theo NSND Xuân Hoạch - gia đình cụ Ban có được tiếng đàn ấy có lẽ bởi lúc đương thời được mời đi giao lưu biểu diễn khắp nơi.

Giữ hồn

Năm 1988, tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, NSND Xuân Hoạch đã tự soạn tác phẩm độc tấu đàn đáy mang theo cái hồn của tiếng đàn đáy ấy.

Người bạn đời của ông kể: "Tôi nhớ mãi hôm ông ấy thi ở Nhà hát Lớn HN tôi ngồi ở ghế khán giả, trên hàng tôi có mấy cụ lớn tuổi xì xầm nhau: Lâu lắm mới lại được nghe tiếng đàn Đinh Khắc Ban, giờ chỉ có chú ấy chơi được".

Và Xuân Hoạch đã thành công với tấm Huy chương Vàng, nhưng quan trọng hơn, chính ông là người đầu tiên đưa đàn đáy lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp với tư cách một nhạc cụ độc tấu.

Gần đây lại thấy Xuân Hoạch ôm cây đàn đáy trong một nhóm ca trù. Tò mò hỏi tại sao mấy chục năm không thường xuyên đánh vẫn giữ được hồn của tiếng đàn? Xuân Hoạch cười bảo: "Quên làm sao được, lời thày dạy chưa bao giờ dứt vang lên trong tôi".

Bên cạnh tình yêu ca trù và cây đàn mà người thầy đã truyền lại, ông còn bị cuốn hút bởi những âm thanh trầm đục rất sâu của tiếng đàn khi kết hợp với giọng đào nương trong sáng và sự chộn rộn của phách, sự đan tỉa vào những chỗ hay nhất của trống chầu tạo hiệu quả âm thanh rất đặc trưng đã ngấm thì không dễ quên.

Ở Liên hoan Ca trù toàn quốc 2009 vừa rồi nhóm ông (còn có ca nương Thu Yên, nghệ nhân trống chầu Phạm Lãm) gây được chú ý khi cả 3 thành viên đều đoạt Huy chương Vàng.

Nhưng lịch sử dường như lặp lại, mấy người con của NSND Xuân Hoạch không ai nối nghiệp cha. Điều ông trăn trở nhất là làm sao có một người trò xứng đáng để một ngày nào đó trao lại cây đàn và giữ lấy tiếng đàn.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.