Đàn Nam Giao Tây Đô - Đàn tế cổ nhất Việt Nam

Đàn Nam Giao Tây Đô - Đàn tế cổ nhất Việt Nam
TP - Tính đến nay, Đàn tế Nam Giao nhà Hồ (còn gọi là Đàn Nam Giao Tây Đô) ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã hơn 6 thế kỷ, với bao biến động của thời gian, đàn tế này đã ẩn sâu trong lòng đất
Đàn Nam Giao Tây Đô - Đàn tế cổ nhất Việt Nam ảnh 1
Một góc khu Đàn Nam Giao Tây Đô đã được khai quật.

Vừa qua, tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị báo cáo kết quả khai quật Di tích Đàn Nam Giao Tây Đô. Hội nghị hy vọng những phát lộ Đàn Nam Giao Tây Đô cùng với Thành Nhà Hồ và Ly Cung thuộc triều Hồ sẽ được công nhận là Di sản Thế giới.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 8, mùa thu (năm Nhâm Ngọ, 1402) Hán Thương (tức Hồ Hán Thương – TP) đắp đàn Giao ở Đốn Sơn  để làm lễ tế Giao (1).

Hôm tế, Hán Thương ngồi kiệu Vân Long từ cửa Nam đi ra, các cung tần, mệnh phụ, quan văn, quan võ trong triều theo thứ tự đi sau. Mũ áo của đàn bà kém chồng một bậc, nếu bản thân là tôn quý thì không phải kém”.

Sách “Việt sử thông giám cương mục” cũng có ghi chép tương tự.

Như vậy tính đến nay Đàn tế Nam Giao nhà Hồ (còn gọi là Đàn Nam Giao Tây Đô) ở núi Đốn Sơn (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã hơn 6 thế kỷ, với bao biến động của thời gian, thăng trầm lịch sử, đàn tế này đã ẩn sâu trong lòng đất.

Di tích Đàn tế Nam Giao Tây Đô được phát hiện từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đến tháng 6/2004, đã tiến hành khai quật vị trí dự đoán là Đàn tế Nam Giao nhà Hồ trong La thành của Thành Nhà Hồ thuộc xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Với diện tích 200 m2 đã tiến hành 4 hố khai quật và 3 hố thám sát. Qua đó, sơ bộ đã phát hiện được vị trí khu Đàn tế Nam Giao với quy mô khá lớn và còn khá nguyên vẹn.

Ngoài nền móng khu Đàn tế, cũng đã bắt đầu lộ rõ cả ba cấp nền, khoảng 25 m hàng bao móng kè bằng đá, hai cối cửa bằng đá, con đường Thần đạo...

Một điều lý thú trong hố thám sát thứ 3 phát hiện một chiếc giếng mà nhân dân địa phương gọi là Giếng Vua. Nhiều viên gạch trang trí hình rồng, hình hoa cúc dây, phù điêu đất nung… đã tìm thấy ở đây.

Tháng 7/2007, tiếp tục khai quật di tích Đàn Nam Giao với 5 hố khai quật lớn có tổng diện tích 2.000 m2.

Di tích nằm khoảng giữa núi Đốn Sơn. Dấu tích còn nhận rõ 4 cấp nền. Đã tìm thấy dấu tích móng nền, cối cửa, móng tường đá, tường đá, bậc thềm với 3 kiểu kiến trúc khác nhau.

Một số tường đá ở đây có thể được lợp mái ngói (?). Các dấu tích móng sân, đường đi, cửa và cống nước phối hợp hài hoà với cấu trúc móng tường đá. Các nhà khảo cổ học đã khẳng định: Đã tìm thấy một bộ phận dấu tích Đàn Nam Giao thời Hồ thuộc Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa).

Đàn Nam Giao Tây Đô được coi là đàn tế cổ nhất ở nước ta đã được phát hiện còn tương đối nguyên vẹn dấu tích nền móng ở khu vực trung tâm. Tuy mới phát lộ phần nhỏ, nhưng cũng đã phản ánh được cấu trúc độc đáo của nó.

Dấu tích Đàn Nam Giao Tây Đô sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị vốn có của Thành Nhà Hồ, đồng thời cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử kinh thành Thăng Long.

Nhiều di vật ở Đàn Nam Giao Tây Đô và Ly Cung được xây bằng vật liệu tháo dỡ từ Thăng Long mang vào. Vì vậy những nghiên cứu Đàn Nam Giao Tây Đô sẽ hiểu thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa hai kinh đô nổi tiếng của Việt Nam trong lịch sử giai đoạn cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV

 ---------

(1) Tế Giao là lễ tế Trời vào tiết Đông chí và tế Đất vào tiết Hạ chí. Thời cổ, gặp tiết Đông chí, vua tế Trời ở Nam Giao, gặp tiết Hạ chí, tế Đất ở Bắc Giao, nên tế Trời Đất gọi là lễ tế Giao.

 Hà Đình Đức
Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

MỚI - NÓNG