Dàn nhạc giao hưởng VN: khó nhọc giữ nghề, giữ người

Dàn nhạc giao hưởng VN: khó nhọc giữ nghề, giữ người
Đến tháng 6-2009, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (DNGHVN) sẽ tròn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển. Nhưng trong một cuộc trò chuyện với người viết bài, giám đốc DNGHVN, nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Quân than rằng có thể ông sẽ mất sạch các nhạc công của mình.

Nửa thế kỷ tuổi đời đối với một đơn vị nghệ thuật thuộc loại hình cao cấp như giao hưởng, nhất là nó lại ra đời trong hoàn cảnh của một đất nước đang chiến tranh với vô vàn khó khăn trước mắt thì quãng thời gian ấy quả rất đáng tự hào.

Nửa thế kỷ tự hào

Trên thực tế, dù phải trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, dù phải đối mặt với nhiều thách thức - chiến tranh, sự chuyển đổi cơ chế từ bao cấp sang kinh tế thị trường - nhưng đến nay DNGHVN vẫn trụ vững, xứng đáng ở vị trí “anh cả” trong số bốn, năm dàn nhạc giao hưởng trên cả nước. Thậm chí ở mức khiêm tốn, có thể nói về mặt trình độ DNGHVN không thua kém so với bất kỳ dàn nhạc giao hưởng nào trong khu vực.

Đó là chưa tính đến một thực tế và đây chính là niềm tự hào của DNGHVN: nếu ở các dàn nhạc giao hưởng của các nước trong khu vực, số “đầu vàng, đầu đỏ” (nhạc công người Âu được thuê về) xấp xỉ với số “đầu đen” (nhạc công người bản xứ) thì ở DNGHVN tất cả nhạc công đều là người Việt Nam.

Để có được kết quả ấy, trước hết phải nói tới chất lượng nghệ sĩ. Một trăm phần trăm nghệ sĩ thuộc biên chế của DNGHVN hiện nay đều tốt nghiệp đại học, mười lăm phần trăm trong số đó đã là thạc sĩ.

Mấy mươi năm khó nhọc

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thành lập năm 1959 với tên ban đầu là “Dàn nhạc giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam” - tiền thân của cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam bây giờ

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam hiện nay có gần 70 nhạc công (các dàn nhạc giao hưởng châu Âu ít nhất phải 100 nhạc công). Gần 10% trong số đó từng được đào tạo tại Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam có đủ các nhạc cụ cần có ở một dàn nhạc giao hưởng, tuy vậy vẫn thiếu nhạc công ở một số nhạc cụ nhất định, nhất là bộ gỗ (clarinet), bộ đồng (cor).

Điều trớ trêu là các cử nhân, thạc sĩ âm nhạc ấy cho đến tận bây giờ vẫn đang hưởng lương ở chế độ cán sự 2 (tương đương trung cấp). Thu nhập bình quân ở đây khoảng 2-2,5 triệu đồng/người/tháng, bao gồm cả lương cơ bản, thù lao tập luyện và biểu diễn. Hãy thử hình dung với số tiền như vậy, các nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật “sang trọng” bậc nhất ấy sẽ sống như thế nào ở thủ đô giữa thời buổi gạo châu củi quế này? Điều đáng nói là hầu như không mấy ai bỏ nghề.

Không phải vì họ có một điểm tựa kinh tế gia đình vững mạnh để yên tâm theo đuổi nghệ thuật, mà vì yêu nghề họ chấp nhận làm thêm những công việc khác, dù vất vả đến mấy, để sống được và đeo bám nghề. Như trường hợp anh Nguyễn Thiện Thắng, chơi clarinet, một nghệ sĩ vào loại “đinh” của DNGHVN: vừa là một nhạc công, vừa là một thợ sửa xe máy lành nghề từ nhiều năm nay. Hay trường hợp anh Trần Hoàng Phong, nhạc công kèn cor - thợ tiện; chị Nguyễn Thu Nga, nhạc công viola - bán quần áo thể thao... Những ví dụ như vậy ở DNGHVN không thể kể hết.

Không nghi ngờ gì về lòng yêu nghề và tinh thần hi sinh vì nghề của anh chị em nhạc công DNGHVN. Nhưng nếu có một môi trường hành nghề khác, điều kiện tốt hơn thì sao? Đây chính là vấn đề khiến nghệ sĩ ưu tú Ngô Hoàng Quân phải lo lắng.

Nguy cơ “chảy máu chất xám”

Ông Ngô Hoàng Quân cho biết hiện nay rất nhiều dàn nhạc giao hưởng ở các nước trong khu vực đang tuyển diễn viên và đây là một nhu cầu rất lớn. Bởi lẽ ở họ không hoặc chưa có một quy trình đào tạo diễn viên cho dàn nhạc giao hưởng bài bản và lâu dài như ở ta, nhân lực của các dàn nhạc giao hưởng ấy có được chủ yếu là từ nhập khẩu.

Ông Quân khẳng định: nếu các nhạc công của DNGHVN tham gia dự tuyển đảm bảo sẽ được chấp nhận ngay lập tức vì khả năng chuyên môn của anh chị em rất cao. Và điều này buộc ông phải tiên lượng: ông có thể sẽ mất sạch nhạc công! Vì hai lẽ, thứ nhất, chỉ cần vào mạng là có thể đăng ký tham gia dự tuyển được ngay, rất dễ dàng. Thứ hai, điều kiện làm việc của các dàn nhạc giao hưởng cần tuyển người, theo ông Quân, là đáng mơ ước đối với VN: 1.500-2.000 USD/người/tháng, trong một số trường hợp đặc biệt có thể được cấp nhà ở và phương tiện đi lại cá nhân.

Không thể cứ mãi đòi hỏi ở các nghệ sĩ tinh thần hi sinh vì nghề và tinh thần trách nhiệm công dân, trong khi các cấp quản lý có thừa khả năng cải thiện điều kiện hành nghề của họ theo hướng tích cực, “dễ thở” hơn. Và cũng không ai có quyền trách cứ anh chị em nghệ sĩ của DNGHVN nếu họ quyết định tìm đến những vùng trời mới khi mà chế độ chính sách cho họ không thay đổi.

Lời giải cho bài toán này phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức và hành động của các nhà quản lý văn hóa. Nếu định làm, chắc chắn họ sẽ làm được. Trừ khi các nhà quản lý văn hóa nghĩ rằng giao hưởng là một “cái gì đó” vô tích sự, rằng âm nhạc VN chỉ cần có ca khúc quần chúng là đủ, nên DNGHVN mất hay không mất nghệ sĩ cũng chẳng phải là việc gì quan trọng cho lắm!

Theo Nguyễn Hoài Nam/Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG