'Đàn trời' không chỉ có tham nhũng

'Đàn trời' không chỉ có tham nhũng
TP - Sau “Chủ tịch tỉnh”, đạo diễn Bùi Huy Thuần tiếp tục ra mắt bộ phim truyền hình chính luận “Đàn trời” về ông chủ tịch sa ngã. PV Tiền Phong trò chuyện với đạo diễn Huy Thuần.

> Chủ tịch tỉnh sa ngã lên phim

Hình ảnh trong “Đàn trời”. Ảnh: Quang Minh
Hình ảnh trong “Đàn trời”. Ảnh: Quang Minh.

“Đàn trời” sẽ lên sóng VTV trong tháng này thưa ông?

Đây là phim chính luận đề tài vùng sâu vùng xa. Ngay từ đầu, khán giả nhận biết về vị chủ tịch tỉnh sa ngã, độc đoán, có những đường dây làm ăn mờ ám với doanh nghiệp tư nhân.

Ông có chủ ý gì khi để nhân vật lộ diện ngay từ tập đầu?

Tiêu chí sản xuất phim Đàn trời là cố tình không giấu nhân vật. Vì họ cậy mình là chủ tịch tỉnh xa trung ương, vẫn tin một tay có thể che được mặt trời vùng đó.

Phim làm về tham nhũng ở dự án 135-chủ trương để đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu xa bắt kịp miền xuôi. Nhưng các tỉnh càng sâu, càng xa nạn tham nhũng, rơi rớt tiền dự án càng lớn.

Đoàn làm phim khá kín tiếng trong quá trình làm “Đàn trời”?

Đàn trời dài 36 tập của đạo diễn Bùi Huy Thuần, do VFC sản xuất. Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Cao Duy Sơn.

Không cứ phim này, các phim do tôi sản xuất đều âm thầm lên đường, sản xuất. Nói một cách vui, công tác quảng bá hình ảnh cho riêng tôi gần như không bao giờ có. Phim này còn đặc biệt sản xuất rất gấp.

Theo đúng lịch, tháng 3 năm nay mới xong tiền kỳ; tháng 7, 8 mới xong hậu kỳ, tháng 10 phát sóng. Sau đó, Đàn trời được đôn lên tháng 6, nhưng tôi vừa nhận lệnh phát sóng ngày 18-4.

Thời gian phát sóng phải đôn lên vậy có ảnh hưởng đến chất lượng phim?

Khi ấn định lịch phát sóng tháng 6, tôi dựng xong 10 tập, chuyển sang lồng tiếng và làm tiếng động luôn. Bây giờ làm hậu kỳ cuốn chiếu, không có gì vội lắm, có một chút ở khâu nhạc sĩ.

Xem 10 tập dựng xong, giám đốc VFC không thấy có gì cần sửa chữa, điều đó có thể chứng tỏ phim không đến nỗi. Tôi tin rằng phim này ra được công chúng đón nhận, nội dung thiết thực, vừa có hình ảnh trau chuốt lãng mạn. Lãnh đạo đài xem xong 10 tập và quyết định họp báo, chắc phim cũng phải “ngửi” được. (Cười)

Đây là phim đầu tiên ông hợp tác với nhà văn, biên kịch Phạm Ngọc Tiến?

Khi đang làm Chủ tịch tỉnh, tôi được nhà văn Cao Duy Sơn tặng tiểu thuyết Đàn trời, đọc xong tôi rất thích: Ngoài chuyện chống tham nhũng, có những bản làng lãng mạn của vùng sâu, nên tôi nhờ anh Phạm Ngọc Tiến chuyển thể.

Anh Tiến là người có nghề, đặc biệt là nghề chuyển thể. Bố cục phim đương nhiên có sửa đôi chỗ, nhưng ít so với người làm khác.

Chọn làm đề tài này, ông không sợ đụng chạm?

Thật ra cứ cảm thấy tâm đắc phim nào, thì tôi sản xuất thôi. Khi làm Đàn trời, từ giám đốc VFC, lãnh đạo đài truyền hình đọc kịch bản và thấy không có gì quá trớn. Phim được duyệt, chúng tôi làm không e ngại bất cứ điều gì.

Người đọc tiểu thuyết nhận ra, đó là tỉnh Cao Bằng nhờ vào danh lam thắng cảnh. Chính vì vậy tôi tránh không chọn thác tiêu biểu của tỉnh đó để quay Đàn trời, dễ khiến họ suy luận. Chúng tôi chọn thác giáp ranh Hòa Bình và Phú Thọ.

Dù phim chỉ làm về một tỉnh, nhưng phim quay ở khá nhiều địa phương?

Người xem có thể hình dung chuyện phim diễn ra trong 1 tỉnh, nhưng để thực hiện bộ phim tôi quay ở Sơn Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Nghệ An. Hơn nữa, chúng tôi có dựng bối cảnh Đài truyền hình tỉnh. Tỉnh miền núi, đài truyền hình phải gắn với khung cảnh núi non, vậy mà chẳng có nơi nào đáp ứng.

Chúng tôi đành phải kéo xuống huyện để dựng lại. Bối cảnh này phải quay ở 4 nơi mới xong. Trụ sở UBND tỉnh cũng phải tách ra 3 nơi, chứ không được thuận lợi như Chủ tịch tỉnh, được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện.

“Đàn trời” có dàn diễn viên cứng, nhưng ít gương mặt trẻ?

NSND Hoàng Dũng, các diễn viên Anh Tú, Trung Anh, Kiều Thanh… đều là diễn viên có tiếng. Tôi quan niệm cho đến khi nào còn làm phim, tất cả diễn viên đáp ứng tiêu chí vai diễn, ý đồ phim, tôi sẽ mời.

Có người hỏi, sao đạo diễn không mời diễn viên miền Nam? Tôi hỏi lại: Các vị chỉ hộ, ai là người đóng được phim chính luận.

Ông nói “Đàn trời” không chỉ có chống tham nhũng?

Ngoài chuyện chống tham nhũng, phim có nhiều nhân vật vệ tinh. Khi xem phim ta thấy một nhân vật vị thánh của tỉnh đó, dù ngồi một chỗ, bất cứ chuyện gì xảy ra đều biết hết.

Ông lại gắn liền với thác nước, bờ sông, chợ. Nhân vật không có thật, nên cách quay có những đoạn bảng lảng. Tôi nói đùa với đồng nghiệp: Lần đầu anh đi làm phim chính luận ca nhạc. Tức là quay cầu kỳ đến mức, có những đoạn quay như clip ca nhạc: Khói, cánh đồng hoa, tấm voan treo… tạo ra cảnh hư hư, thực thực, lên hình như bức tranh thủy mặc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG