Đàn Xã Tắc sau hàng trăm năm 'vắng bóng'

Đàn Xã Tắc sau hàng trăm năm 'vắng bóng'
TP - Sau hàng trăm năm “vắng bóng” trên mặt đất, vào những ngày trung tuần tháng 11/2006, Đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long đã lộ diện với những dấu tích khảo cổ không thể phủ nhận tại ngõ Xã Đàn 1 (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), thuộc dự án đường vành đai 1 Kim Liên - Ô Chợ Dừa.
Đàn Xã Tắc sau hàng trăm năm 'vắng bóng' ảnh 1
Tại một hố khai quật

Ngay từ đầu năm 2006, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở VH-TT chủ trì phối hợp với UBND quận Đống Đa, Ban quản lý dự án trọng điểm đô thị thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu dấu tích Đàn Xã Tắc trong quá trình thực hiện dự án mở đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Nói ra như vậy để thấy việc Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật khảo cổ học tại ngõ Xã Đàn 1 với 3 hố, diện tích hơn 100m2 để tìm kiếm dấu tích Đàn Xã Tắc không phải là cuộc khai quật “chữa cháy” như một số dư luận báo chí đã đề cập.

Gặp chúng tôi tại hiện trường, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ), người phụ trách khai quật khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là di tích Đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long thời Lý-Trần-Lê”.

Mới triển khai gần 2 tuần nay nên tại các hố khai quật vẫn chưa phát hiện được những di vật, hiện vật có giá trị, nhưng dù ít dù nhiều đã phát lộ một nền gạch còn khá nguyên vẹn (diện tích khiêm tốn), có niên đại sớm, có thể là nền đường dẫn vào Đàn Xã Tắc xưa kia.

Sẽ tiếp tục mở rộng hố khai quật di tích

Xung quanh việc các nhà khảo cổ vừa phát hiện những dấu vết của một di tích cổ, có niên đại từ thời nhà Trần trên tuyến đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa  đang thi công.

Viện Khảo cổ học (đơn vị trực tiếp tiến hành thám sát di tích), vừa có Công văn số 244 do Phó Viện trưởng Tố Trung Tín ký, gửi các ban, ngành liên quan của TP Hà Nội.

Theo đó (từ ngày 30/10 đến 13/11/2006), Viện đã phối hợp với Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội tiến hành đào thám sát khảo cổ tại 3 hố rộng 100m2 trên đường mới Kim Liên- Ô Chợ Dừa.

Bước đầu có nhận định khoa học như sau: Đây là những dấu tích kiến trúc có niên đại thời Lý-Trần (thuộc thế kỷ XI- XIV) và có thể có dấu tích niên đại thời Lê (thế kỷ XV); Kết quả ban đầu đã tìm thấy nhiều di vật gạch, ngói, sành, sứ có niên đại kéo dài từ thế kỷ VII-IX đến thế kỷ XIX; Căn cứ vào địa danh, truyền thuyết dân gian, bước đầu có thể nhận định đây là dấu tích của Đàn Xã Tắc thời Lý.

Đàn Xã Tắc thịnh đạt dưới thời Lý và tiếp tục được thờ cúng lâu dài cho đến tận thời Nguyễn. 

Theo Viện Khảo cổ học, đây là di tích thiêng liêng vào bậc nhất của thời Lý. Di tích Đàn Xã Tắc mặc dù đã bị hủy hoại từ lâu nhưng các dấu tích còn lại góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử kinh đô Thăng Long và đánh dấu một vị trí quan trọng trong quy hoạch kinh đô Thăng Long.

Vì vậy, Viện Khảo cổ học đề nghị lãnh đạo TP Hà Nội cho phép tiến hành giai đoạn II, cụ thể: Mở rộng hố khai quật với diện tích 500 m2, trong khoảng thời gian từ 20/11/2006 đến 5/1/2007.

Về vấn đề này, theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, thì việc thám sát di tích Đàn Xã Tắc sẽ không ảnh hưởng đến thiết kế của dự án Kim Liên - Ô Chợ Dừa, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công.

Lãnh đạo của Ban quản lý dự án này cho biết, dù tiến độ thi công của dự án bị ảnh hưởng, nhưng sẽ phấn đấu đến quý I/2007 cơ bản hoàn thành dự án tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.    

Bên trên bề mặt khai quật, các nhà khảo cổ nhận định nơi đây là gò đất được nện chặt được xen lẫn vật liệu xây dựng, thậm chí là gốm, sành có từ thời Lý-Trần.

TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết, mặc dù đã tìm thấy di tích Đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long, nhưng vì mới khai quật, diện tích chưa được mở rộng nhiều, hiện vật và di vật chưa thực sự dày đặc nên chưa thể đưa ra được những nhận định mang tính khoa học, lịch sử và văn hóa.

Thực ra, ngay từ đầu giới nghiên cứu và khảo cổ đã có chung nhận định, khu vực gần đoạn Ô Chợ Dừa chính là Đàn Xã Tắc bởi nơi đây vẫn còn hiện hữu địa danh ngõ Xã Đàn (tức Đàn Xã Tắc) và trong một số tư liệu cũ cũng đã ghi lại như vậy.

Tuy nhiên, xét về mặt quy mô, giá trị kiến trúc cũng như cách thức xây đắp và sự “biến mất” đối với Đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long như thế nào vẫn là điều bí ẩn, cần phải chờ kết quả cuối cùng của cuộc khai quật khảo cổ này.

Sách Đại Nam nhất thống chí chỉ ghi lại rằng, Đàn Xã Tắc nhà Lý ở địa phận huyện Vĩnh Thuận về phía Tây Nam tỉnh thành, đắp từ năm Lý thiên- cảm-thánh-vũ thứ 5 (1048), nay còn nền cũ ở thôn Thịnh Hào.

Ngoài ra, không còn ghi chép gì hơn, trong khi đó Đàn Nam Giao nhà Lý cũng trong sách này lại được ghi chép khá cụ thể.

Trong cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn cho biết, sở dĩ làng có tên Xã Đàn là do chỗ này ngày xưa có Đàn Xã Tắc dựng từ đời Lý Thái Tông, năm 1048. Đàn dùng để hàng năm triều đình tế Hậu Thổ (Thần Đất) và Thần Nông (Thần ngũ cốc).

Địa điểm Đàn Xã Tắc xưa là một khu đất vuông cao, cạnh có hai cây gạo lớn ở phía Bắc làng, gần đê Đại La. Nền Đàn Xã Tắc đã bị phá hoại từ năm 1930, dân làng làm nhà, làm vườn che kín cả chỗ này.

Qua khảo cứu một số tài liệu khác thì được biết, Đàn Xã Tắc thường được xây đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt chính diện quay về hướng Bắc (Đàn Nam Giao quay về hướng Nam).

Tầng trên cùng, nơi dành cho vua và các quan đại thần lên đứng tế cao 1,60m, cạnh dài 28m, đặc biệt mặt nền được tô năm màu theo nguyên tắc ngũ hành.

Trên nền dựng 32 bệ đá để cắm tàn. Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây dựng hệ thống bậc cấp.

Khuôn viên Đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật. Mặt hướng Bắc được trổ 3 cửa, còn lại chỉ được trổ một cửa. Bên ngoài vòng thành ở phía Nam được dựng một bức bình phong, thêm nữa là xây hồ hình vuông.

Những người cao tuổi tại ngõ Xã Đàn 1 còn cho biết, cách đây vài chục năm, vị trí đang khai quật là một mô đất cao, bằng phẳng hơn các địa điểm khác.

Theo sách sử ghi chép lại, Đàn Nam Giao và Đàn Xã Tắc là hai đàn linh thiêng nhất của Kinh đô Thăng Long. Thường hai Đàn này đều được xây dựng ngoài thành nhưng phải thuận tiện cho vua quan đi lại.

Ngoài hai Đàn này, thời xưa, Kinh đô Thăng Long còn có Đàn Tiên Nông. Đàn Xã Tắc lập để tế Hậu Thổ và Thần Nông là những vị thần được coi là quan trọng nhất trong xã hội nông nghiệp thời xưa.

Các triều đại phong kiến coi đây là một trong những di tích thiêng liêng của đất nước và vào các ngày trọng đại nhà vua đích thân đứng ra tế lễ cầu cho đất nước thịnh vượng, xã hội bình an.

Được biết, sau khi kết thúc khai quật phải bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án tiếp tục thi công mặt đường. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.