Đằng sau nghề “đóng vai người khác”

Đằng sau nghề “đóng vai người khác”
TP- Nữ diễn viên không phải là hình ảnh xa lạ với khán giả, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu về sự nhọc nhằn của mỗi vai mà nữ diễn viên phải trải qua.

Chương trình Khi người ta trẻ của VTV6 số tháng 10, phát sóng nhân dịp kỷ niệm ngày phụ nữ Việt Nam giúp khán giả có cái nhìn sâu hơn về nữ diễn viên qua cuộc đối thoại giữa NSND Như Quỳnh và diễn viên Thanh Thúy.

Muốn đóng vai người khác phải trải nghiệm cuộc sống của họ

NSND Như Quỳnh đến với nghề diễn viên điện ảnh khi đã là diễn viên cải lương được 4 năm, đó là nghề gia truyền của gia đình bên ngoại. Vô tình Như Quỳnh được lọt vào mắt xanh của đạo diễn và vào vai diễn đầu tiên trong phim Bài ca ra trận của cố đạo diễn Trân Đắc.

Từ đó Như Quỳnh tiếp tục tham gia điện ảnh, vừa đóng phim, vừa diễn cải lương.

Còn với diễn viên trẻ Thanh Thúy lại có duyên với điện ảnh ngay khi tốt nghiệp THPT. Hồi nhỏ, chỉ thích ca hát nhưng rất ít khi nhớ trọn vẹn lời một bài hát, thế nhưng với kịch bản phim dù có dài bao nhiêu cũng thuộc hết. Thanh Thúy tự nhận mình say nghiệp diễn, diễn hết mình, yêu nghề hết mình từ khi đỗ vào trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh.

Để định hình được phong cách đối với các vai diễn trong phim, mỗi diễn viên phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

Theo NSND Như Quỳnh, có người vào nghề là định hình luôn cho mình một phong cách nhân vật, từ đó theo dọc tính cách ấy trong cả sự nghiệp diễn viên.

“Tôi cũng là một trong số đó, tốt nghiệp bằng vai Kiều, trong phim Đến hẹn lại lên vào vai Nết, số phận cũng na ná như vai Kiều.

Cho đến năm 1995 đạo diễn Trần Anh Hùng đưa tôi vào vai nhân vật bà chủ, một con người gai góc, dữ dằn, tàn nhẫn, bị cuộc đời đẩy vào đường cùng, nhưng trong sâu thẳm lại rất nhân hậu. Từ nhân vật này tôi mới đủ tự tin bước vào những nhân vật gai góc” - NSND Như Quỳnh chia sẻ và đúc rút: “Quan trọng là phải có người tin tưởng và tạo cơ hội khi muốn tìm phong cách cho mình”.

Diễn viên Thanh Thúy thường vào vai hiền lành, đó cũng là một phong cách của Thanh Thúy. Nhưng riêng trong phim Vũ điệu tử thần, Thanh Thúy đột phá trong vai diễn khác một vai gái nhảy gây được tiếng vang trong giới.

Với diễn viên nói chung và nữ diễn viên nói riêng, kỹ năng diễn đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm nên thành công của vai diễn.

Theo NSND Như Quỳnh: “Nghề diễn là đóng vai người khác. Để thực hiện công việc một cách đầy đủ diễn viên phải có vốn nhất định, có sự trải nghiệm, đóng người phụ nữ dân tộc khác với đóng người phụ nữ Hà Nội xưa, vì thế phải có sự tích lũy, kiến thức thực tế, đòi hỏi mỗi diễn viên phải liên tục trau dồi, học hỏi”.

Thanh Thúy là diễn viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm phải đọc sách nhiều, quan sát những người xung quanh. Đóng phim Blouse trắng, Thanh Thúy phải vào thực tập ở bệnh viện 1 tháng. Muốn làm người khác phải trải nghiệm cuộc sống của họ, đó là điều mà mỗi diễn viên như Thanh Thúy luôn ý thức được.

Thanh Thúy quan niệm:“Thường thì những người gặp nhiều đau khổ, gặp nhiều thất bại thì diễn hay hơn. Những người gặp truân chuyên thường cảm nhận vai diễn sâu sắc hơn”.

Giữ cảm xúc đóng phim: Rất khó

Nhiều người quan niệm làm diễn viên là từ sáng đến tối phải giữ một tâm trạng. Và NSND Như Quỳnh đã chia sẻ rằng việc giữ cảm xúc để đóng phim rất nhọc nhằn, khi diễn viên mất cảm xúc nhập vai, cả đoàn làm phim phải dừng lại.

“Với các đoàn làm phim nước ngoài, khi diễn viên ngồi nghỉ thì xung quanh không ai được làm ảnh hưởng đến sự tập trung của diễn viên. Đó là sự chuyên nghiệp mà đoàn làm phim Việt Nam chưa có được, nên diễn viên vẫn phải tự nuôi dưỡng cảm xúc, tâm trạng. Cho dù các bộ phận khác xong hết nhưng diễn viên không diễn được, bởi không có cảm xúc. Lúc đó đạo diễn phải dừng đoàn làm phim lại, phân tích nhân vật. Không phải lúc nào cũng diễn được ngay mà làm nhiều có thể bị chai”.

Còn Thanh Thúy lại có một ví dụ rất thực tế: Có trường hợp khi diễn viên không khóc được dù đã được đạo diễn phân tích vai diễn, đạo diễn đã nghĩ ra một cách là mắng té tát vào diễn viên, cô ấy tủi thân nên khóc. Chắc chỉ ở Việt Nam mới có cách làm như vậy.

Ngoại hình với diễn viên là rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Theo phỏng vấn nhanh của chương trình, khán giả trẻ đánh giá diễn xuất ngoại hình ảnh hưởng đến thành thành công của bộ phim với tỷ lệ 70%- 30% hoặc 60%- 40%.

Và diễn viên trẻ đẹp, diễn viên tên tuổi thường là những đối tượng thu hút khán giả đến với phim, Thanh Thúy nhấn mạnh. Tuy nhiên cái đẹp trong điện ảnh không phải là cái đẹp thời thượng mà phải đúng với nhân vật, hoàn cảnh.

Hiện nay, các nhà làm phim thường có xu hướng chọn diễn viên dựa vào yếu tố ngoại hình là chủ yếu, đáp ứng nhu cầu muốn xem những gì bắt mắt của khán giả. “Về lâu dài muốn hội nhập với thế giới phải đi vào diễn xuất” - NSND Như Quỳnh chia sẻ đồng thời nhấn mạnh vẻ đẹp trong điện ảnh là vẻ đẹp rất riêng.

Quay 2 ngày để có 1 phút phim

NSND Như Quỳnh: Khi làm phim Mùa hè chiều thẳng đứng, quay ở Hà Nội giữa thời tiết oi nóng của những ngày tháng 7 có cảnh 3 chị em trong ngôi nhà cũng tắm đêm.

Đầu tiên tôi rất thích thú, nhưng phải làm đi làm lại đến 15 lần, từ 1h đến 4h sáng, cả đoàn ai cũng mệt, còn tôi bị ngấm lạnh sau cảnh quay, phải sưởi ấm giữa mùa hè.

Chỉ có điện ảnh mới có đặc trưng đó, đó là cảnh thực, con người thực. Diễn viên phải hy sinh, phải làm hết sức mình để có vai diễn như vậy. Nên chúng ta thường nói là lao động nghệ thuật chứ không phải trình diễn nghệ thuật.

Diễn viên Thanh Thúy: Phim Vũ điệu tử thần, phải đóng vai nhảy thác loạn điên cuồng, để được 1 phút phim đó đoàn làm phim phải quay 2 ngày từ 4h sáng đến 11h đêm.

Lúc đó Hà Nội đang mùa lạnh nhưng phải mặc hở hang đến không thể hở hơn được nữa. Diễn xong tối về tôi bị ảo giác, nằm trên giường thấy cái giường cứ rung rung.

Đúng như NSND Như Quỳnh nói nghề diễn viên cần sự hy sinh.

MỚI - NÓNG