“Đáng sống” ra rạp thế nào?

TP - Nhờ đà thắng lợi của Lửa Thiện Nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang mạnh dạn đưa chùm phim Đáng sống trình chiếu một số rạp từ 18/11, dù biết không ít chông gai.

Đáng xem

Một năm sau khi đưa phim tài liệu hiện thực Lửa Thiện Nhân ra rạp, đạo diễn Đặng Hồng Giang cho ra đời Đáng sống tiếp tục theo đuổi thể loại này. Chùm phim dài 90 phút gồm ba phim độc lập Mầm sống, Đáng sốngMột con đường. Trong số đó anh bấm máy Một con đường cùng thời điểm Lửa Thiện Nhân, hoàn thiện cuối năm 2014.

Ba câu chuyện được kết nối theo mạch logic, thống nhất trong đề tài và thông điệp. Đạo diễn luôn tâm niệm muốn làm những bộ phim để nhân lên sự lạc quan, điều tốt đẹp trong cuộc sống vốn quá mệt mỏi, đầy bất trắc. Anh cố ý chọn ba câu chuyện ở ba miền, ba tầng lớp trí thức, doanh nhân và nông dân. “Câu chuyện về ba nhân vật dù đậm dấu ấn cá nhân nhưng đều mang lại bài học giá trị hoặc điều đáng suy ngẫm. Tôi muốn chia sẻ chúng và mong muốn trong bất cứ hoàn cảnh nào, chẳng may lâm tai ương  chúng ta cũng tư duy tích cực, tìm ra lối thoát”, Đặng Hồng Giang nói.

Mầm sống là câu chuyện về chị Hoàng Thị Kim Dung, giảng viên ĐH Bách khoa quyết định táo bạo sinh con từ tinh trùng của người chồng mất vì tai nạn. Đáng sống kể chuyện anh Tăng A Pẩu chiến thắng thần chết và sống với niềm yêu thích chụp ảnh các loài chim quý hiếm. Một con đường đưa người xem về mảnh đất Quảng Trị, ở đó có ngôi làng sống bằng nghề dò tìm phế liệu chiến tranh, nhân vật chính là anh Nguyễn Ngọc Triệu. So với Lửa Thiện Nhân, Đặng Hồng Giang ở chùm phim mới này trau chuốt hơn khi chọn hình ảnh, làm hậu kỳ. Cách kể và dựng phim đôi khi không còn ranh giới với phim truyện điện ảnh.

Khán giả yêu thích Lửa Thiện Nhân hẳn vẫn dành tình cảm nồng nhiệt cho Đáng sống, bởi đạo diễn vẫn trung thành phong cách kể chuyện giản dị, tự nhiên nhưng đôi khi có chi tiết và cách dựng bất ngờ. Khán giả không còn nỗi lo sợ bị tra tấn bởi hàng tràng lời bình đao to búa lớn, chỉ có những lời nhân vật kể chuyện, đối thoại, cùng lắm là thông tin chuyển tải qua những dòng chữ chạy trên màn hình. Nhân vật của Mầm sống được báo chí đề cập nhiều, nhưng cách kể chuyện đầy cảm xúc của đạo diễn mang đến góc nhìn rộng hơn, mang hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ. Ở Một con đường, bên cạnh những phút căng thẳng hồi hộp theo chân dân làng đi cuốc bom mìn về bán phế liệu, khán giả thấy thú vị trước câu nói của anh Triệu: “Dân làng tôi gặp bom là họ mừng lắm”.

“Đáng sống” ra rạp thế nào? ảnh 1

Đạo diễn với hai nhân vật đặc biệt của “Mầm sống”.

Vẫn gian nan

Còn nhớ năm ngoái Đặng Hồng Giang chạy đôn chạy đáo để hoàn thành ước nguyện mang phim tài liệu chiếu rạp. Anh nhận được tín hiệu đáng mừng đầu tiên và các hệ thống rạp cởi mở hơn. Nay Đáng sống phát hành toàn quốc từ 18/11 ở rạp Ngọc Khánh, Tháng Tám, cụm rạp BHD. Tuy vậy con đường này không trải đầy hoa hồng, bởi lịch chiếu phim ở rạp BHD chẳng hạn khá làm khó nhà làm phim lẫn khán giả: Hai đến ba suất chiếu mỗi ngày vào khoảng 13, 17 và 18h.

“Hai yếu tố quan trọng khi phim ra rạp là truyền thông và phía nhà rạp. Trước tiên tôi cảm ơn sự tiếp nhận phim thiện chí của phía rạp, nhưng xếp giờ chiếu đó nói thật đến phim truyện cũng khó khăn. Tôi đang làm việc lại với bên rạp để tìm giải pháp tốt hơn”, đạo diễn nói. Năm ngoái rạp Ngọc Khánh khá bị động bởi chỉ có phòng chiếu nhỏ 90 chỗ, nên nhiều khi đành bó tay trước nhu cầu của khán giả. Đạo diễn cũng cho biết đang thương lượng với rạp Tháng Tám để có được giờ chiếu đẹp phục vụ khán giả.

Phim tài liệu ra rạp là nỗ lực, tuy nhiên để khán giả có thói quen mua vé xem phim ngoài rạp không dễ. Ngay cả với phim điện ảnh Việt không thuộc dòng giải trí cũng khó khăn. Đặng Hồng Giang xác định không thể ngày một ngày hai tiếp cận khán giả và tạo thói quen này, nhưng anh “nghiến răng” làm và chứng minh khán giả không quay lưng với phim tài liệu, điều còn lại phụ thuộc cách làm.

“Hiện nay không còn ranh giới giữa các thể loại phim, nên tôi nghĩ phim tài liệu có cơ hội ra rạp là điều rất tốt bởi nó khiến cuộc đời nhiều màu sắc hơn”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học trung ương nói. Hãng phim của anh có cả kho phim, trừ đôi lúc xuất hiện trên truyền hình thì cơ hội đến với khán giả không dễ dàng. May mắn mỗi năm có đôi dịp liên hoan phim. “Nhiều nước có rạp riêng dành cho thể loại tài liệu, nếu chúng ta tạo được điểm hẹn cho khán giả thì còn gì bằng”, anh Tùng nói. Hãng phim Tài liệu có sẵn rạp, sẵn kho phim và đang rục rịch thực hiện đề án để chiếu phim định kỳ trong thời gian tới.

Cơ hội phát hành quốc tế

Một con đường của Đặng Hồng Giang mang tính quốc tế, phù hợp đưa đến các liên hoan quốc tế như cách làm với Lửa Thiện Nhân. Anh cũng cho biết những người bạn học ở Singapore xem phim và đề xuất muốn phát hành DVD bán trong hệ thống trường học ở Singapore. Họ cho rằng giới trẻ Singapore bây giờ bắt đầu xao nhãng giá trị gia đình, bộ phim này có thể giá trị hơn rất nhiều bài học. Đạo diễn khá tự tin ở tính quốc tế của phim, bởi thông điệp của bộ phim vượt ra khỏi biên giới một quốc gia.

MỚI - NÓNG