Đặng Thái Sơn: "Trở về Việt Nam chẳng bao giờ là đủ"

Đặng Thái Sơn: "Trở về Việt Nam chẳng bao giờ là đủ"
Lịch làm việc kín mít trong thời gian về nước, NSND Đặng Thái Sơn hầu như không có nhiều thời gian dành riêng cho mình. Vừa kết thúc buổi tập với Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, anh lại vội vàng xách cặp tiếp tục những cuộc hẹn.
Đặng Thái Sơn: "Trở về Việt Nam chẳng bao giờ là đủ" ảnh 1
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn

Năm ngoái khi trở về VN biểu diễn hòa nhạc Toyota Classic, anh nói sẽ đưa mẹ anh cùng về thăm quê hương vào năm tới. Vậy dự định đó anh thực hiện thế nào?

Tất nhiên, đó là lời hứa của tôi mà. Hai má con tôi đã trở về, và hơn thế nữa, má tôi sẽ trình diễn một bản nhạc ngay trong đêm sắp tới. Má tôi đã 90 tuổi và vẫn chơi nhạc, đó có phải là một kỳ quan không? (cười).

Anh nói anh thường ít khi tập dượt trước với dàn nhạc, vì dù sao hai bên cũng hiểu cá tính âm nhạc của nhau qua những lần hợp tác trước. Để làm việc với Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, một đối tác hoàn toàn mới, anh gặp những khó khăn gì?

Thật khó để có nhiều cơ hội tập dượt, bởi mỗi lần thuê dàn nhạc, người ta phải trả tiền theo phút chứ không phải theo giờ. Thông thường, mỗi lần biểu diễn concerto, nghệ sĩ chỉ có 2 lần tập, một lần tập bình thường và một lần tổng duyệt. Nhưng tôi đã có được tới 3 lần tập cùng Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, thế là nhiều rồi.

Tất nhiên không tránh khỏi những thiếu sót, đột ngột. Thời gian cho chúng tôi tập bị muộn vì thiếu sáo đèn tổng phổ. Nhưng được tập trước thế này tôi cũng thấy tự tin hơn.

Đã quen làm việc với những dàn nhạc quốc tế đẳng cấp cao, vậy lần đầu tiên kết hợp với dàn nhạc trong nước, anh đã phải cố gắng ra sao để hòa hợp?

Quan trọng nhất với tôi trong cuộc trình diễn là người chỉ huy. Thà biểu diễn với một dàn nhạc bình thường nhưng nhạc trưởng tài năng còn hơn là biểu diễn với dàn nhạc tài năng nhưng người chỉ huy lại bình thường.

Vậy với nhạc trưởng Mats Liljefors (người Thụy Điển), anh đánh giá thế nào?

Ông ấy là nhạc trưởng chính của Dàn nhạc thính phòng Thụy Điển, một người có đẳng cấp. Thực ra tôi và ông đã có lần hợp tác, nhưng với hàng nghìn buổi diễn trôi qua, chuyện quên nhau cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ huy một dàn nhạc thính phòng, concerto đã là sở trường của Mats, ông ấy nắm rất vững phong cách Mozart. Chính vì thế, Mats biết cách "kỳ cọ" dàn nhạc cho đúng kiểu, giúp tôi không phải nói nhiều mà vẫn đạt tới hiệu quả mong muốn.

"Nhạc Mozart rất khó phiêu", anh nghĩ sao về ý kiến này khi trong đêm hòa nhạc sắp tới, anh sẽ biểu diễn Concerto số 27 cung Si giáng trưởng của W.A. Mozart?

Trong Mozart, sự đòi hỏi về độ hoàn thiện rất cao. Các dòng khác có thể nhân nhượng, nhưng ở Mozart phải là hoàn hảo, bởi chỉ hơi sứt mẻ một chút, người nghe sẽ nhận ra ngay.

Thứ nhạc khác với sự hoành tráng và lộng lẫy của nốt nhạc sẽ giúp che lấp sai sót nếu có, nhưng nhạc Mozart rất ít nốt, mà mỗi nốt đều ngọc ngà, do đó đòi hỏi người biểu diễn phải hết sức trau chuốt và cẩn thận.

Tất nhiên, nếu tới 50 tuổi mà tôi mới chơi Mozart, chắc chắn tôi sẽ mắc sai lầm. Nhưng Mozart gắn với tôi từ nhỏ, vì thế không có trở ngại nào nếu tôi thể hiện nhạc của ông. Còn "phiêu" hay không, điều đó phụ thuộc vào bản lĩnh nghệ sĩ.

Như vậy, anh đặt bao nhiêu phần trăm thành công cho đêm diễn này?

Một chương trình được tập dượt khá kỹ, tới 3 lần như chương trình lần này thì chắc chắn là tốt hơn rồi. Thông thường với một sô biểu diễn lớn, các tác phẩm trình diễn trong đó đều đã phải đi qua rất nhiều chương trình nhỏ.

Chúng tôi không may mắn có được điều đó. Không ai biết trước sẽ có sơ suất gì trong đêm diễn, bởi đôi khi ngoại cảnh tác động khó lường. Tuy thế, tôi vẫn đặt tinh thần lạc quan lên trên hết. Phải lạc quan chứ (cười).

Tại buổi họp báo công bố chương trình hòa nhạc, anh đã vắng mặt. Mọi người nói vì anh bị đau tay. Đêm diễn của anh liệu có bị ảnh hưởng?

Đúng là tôi bị đau cổ tay, nhưng đó không phải là lý do khiến tôi phải vắng mặt trong cuộc họp báo. Thực ra ngay trong ngày đầu tiên về Việt Nam, tôi đã bị ngộ độc thức ăn. Tôi đã phải nằm bẹp mất một ngày, không nhúc nhích, chỉ vì cái tội ăn tham mà (cười).

Cổ tay của tôi giờ cũng đỡ hơn. Nghệ sĩ nào sợ đau, chắc chắn họ sẽ từ chối đánh nhạc. Nhưng đây là một buổi diễn rất quan trọng với tôi, vì thế, đau tay cũng không còn là vấn đề.

Mỗi năm đều trở về Việt Nam biểu diễn, cảm xúc của anh có khác gì?

Được trở về quê hương, đàn cho đồng bào mình nghe, với tôi chẳng bao giờ là đủ.

Theo Lê Bảo
VnExpress

Sáng qua (24/11), như thông lệ mỗi lần về Việt Nam, NSND Đặng Thái Sơn đã về quê tại Hà Tây viếng mộ bố. Anh bảo, giữa cuộc sống luôn náo nhiệt này, anh mong muốn tìm cho mình cho mình những giây phút tĩnh lặng tâm hồn, và trở về quê hương chính là phương thuốc bổ quý giá nhất.

Chiều, NSND Đặng Thái Sơn có buổi tập đầu tiên với dàn nhạc giao hưởng Hà Nội. Bên tay trái bị đau vẫn quấn băng, nhưng nhìn anh miên man bên cây đàn mới thấy người đàn ông này đam mê nghề đến thế nào.

Vẫn nụ cười hiền lành và phong thái lịch lãm, nhưng có vẻ như Đặng Thái Sơn không được khỏe như lần xuất hiện năm ngoái trong buổi biểu diễn hòa nhạc Toyota Classics.

Ngoài lý do bị ngộ độc thức ăn, người nghệ sĩ cười rất hiền, và bảo: "Có lẽ tại hệ quả tuổi tác đấy. Năm nay tôi 49 mà".

Hòa nhạc kỷ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện Hà Nội sẽ diễn ra hai đêm 26 và 27/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong 3 tác phẩm: Overture Wilhelm Tell của G. Rossini, Piano concerto số 27 cung Si giáng trưởng của W.A. Mozart và Bản giao hưởng số 4 của P. Tchaikovsky, NSND Đặng Thái Sơn sẽ chỉ trình diễn concerto của Mozart. 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.