Đánh giá

TP - Nhân ngày 27/7 vừa qua, nhiều người  nhắc lại chuyện không mới về mấy vị nổi tiếng trên văn đàn trong câu chuyện trà dư tửu hậu có vị bình luận không hay về anh hùng, liệt sỹ Võ Thị Sáu. Dư luận phẫn nộ “rào lên” ném đá.

Những kẻ bị ném đá nói gì? Trao đổi riêng với TPCN họ cảm thấy rất bất ngờ và vô cùng đáng tiếc đã để câu chuyện này ra ngoài vùng kiểm soát. Ở đây, họ không có ý định “khoe hàng” mà là bị “lộ hàng”. Clip được quay lén trong một buổi đám văn nghệ sỹ gặp nhau và luận bàn những chuyện họ quan tâm, tức là một câu chuyện riêng của họ. Nếu để phát ngôn công khai với dư luận, họ đủ hiểu biết, đủ tự trọng để không “ném đá” vào “tượng đài”, khi những chuyện họ đưa ra chưa đủ chứng cứ rõ ràng, có khi chỉ là những suy luận chủ quan.

Nhà văn hôm nay phải chăng “sướng” hơn nhà văn trong quá khứ? Họ thích viết thơ tình, cứ viết, không ai chỉ trích họ chỉ biết “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Nếu họ không cảm thấy xôn xao trước sự đổi thay diệu kỳ của cuộc sống, họ cũng không nhất thiết phải dối lòng mình, để viết nên những tác phẩm gượng gạo. Trái lại, họ có thể viết về những mảng đen trong cuộc sống hiện đại, những góc tối trong quá khứ. Thế nên, Nguyễn Xuân Khánh cuối cùng cũng gửi được tâm tư của mình đến khán giả, qua một tiểu thuyết nặng ký theo nhiều nghĩa, mang tên “Chuyện ngõ nghèo”.

Cũng chính vì vậy, “tượng đài” văn học, nếu trước đây không thể đụng chạm thì nay các nhà văn đương đại và độc giả đương đại vẫn có quyền mang ra soi.  Mới đây nhất như vụ dựng tượng văn nhân ở trường viết văn Nguyễn Du, nhà thơ Xuân Diệu trở thành đối tượng bị mang ra mổ xẻ. Không ít độc giả bày tỏ quan điểm họ không thích thơ  Xuân Diệu. Điều đó cũng không có gì “phạm húy” vì văn chương cũng là một “món ăn tinh thần”, người thưởng thức có quyền lựa chọn. Nhưng việc nhấn chìm Xuân Diệu bằng những dẫn chứng đời thường, để quy kết nọ kia về ông, thì lại là một việc bất công bằng, thiếu tôn kính với một nhân vật văn học có vị trí trên văn đàn. 

Qua thời gian, các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử hay nhân vật văn học đều có thể được đánh giá, nhìn nhận lại. Một vài triều đại phong kiến trước đây bị lãng quên thì nay bắt đầu được nhìn nhận ở khía cạnh tích cực. Nhiều nhân vật trước đây bị chìm trong bóng tối nay lại được dày công nghiên cứu và đưa ra ngoài ánh sáng. Địa hạt văn chương cũng từng diễn ra nhiều cuộc “trả lại tên cho em”. Những độc giả yêu văn chương dần dần quen với những xác lập mới, như bài thơ “Nam quốc sơn hà” (vốn không có tên, tên do các nhà biên soạn sách đặt) với 35 dị bản, không phải của Lý Thường Kiệt. Một số bài thơ mặc định của nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng đang được nghiên cứu lại phần tác giả… Đó là những việc làm cần thiết, bởi trên hết mọi sự thật đều cần được tôn trọng, dù hay dở thế nào.

Việc nhìn lại quá khứ bao giờ cũng cần đạo đức và khoa học. Nhà văn được quyền hư cấu trong công cuộc sáng tạo nghệ thuật. Song nhà văn không thể lạm dụng quyền tự do sáng tạo để “bôi xấu” ai đó, vấn đề nào đó. Nhưng dư luận cũng không nên ngay lập tức ào ào “ném đá” những phát ngôn trái chiều. Cần bình tĩnh để xem mức độ đúng, sai của vấn đề đến đâu, hoàn cảnh ra đời những phát ngôn ấy… Khi mọi sự đã thông tỏ thì việc phê phán những kẻ “chẻ tượng làm củi” cũng chưa muộn màng. Nhiều sự việc trong cuộc sống, trong văn chương đã chứng minh rằng: Không phải những người kém “nề nếp” theo chuẩn mực chung, đều là những người hoàn toàn dở, hoàn toàn sai.

MỚI - NÓNG