Danh hiệu nghệ sĩ - Cần trao cho người xứng đáng!

Danh hiệu nghệ sĩ - Cần trao cho người xứng đáng!
TP - Theo dự kiến, nếu quy trình thông suốt, danh sách giải thưởng và danh hiệu nghệ sĩ sẽ được công bố dịp Quốc khánh. Đây là quyết định đầu tiên thể hiện sự đổi mới trong đánh giá, biểu dương những người có đóng góp nổi bật.

Từ đó, đồng bào cả nước cũng như giới văn nghệ có dịp đánh giá thái độ công minh, phong cách làm việc khoa học, sự hiểu biết thấu đáo của các nhà lãnh đạo mới đối với một bộ phận nhân tài của đất nước.

Để đạt được điều đó, vai trò các thành viên trong Hội đồng Giải thưởng Quốc gia là rất quan trọng.

Đến lúc này, mọi sơ sót, sơ sẩy nếu có, không thể đổ tại các Hội đồng chuyên ngành. Cũng chính Hội đồng Quốc gia sẽ giúp các nhà lãnh đạo mới khắc phục những chỗ chưa ổn trong Luật đã ban hành mà quá trình xét thưởng những năm qua đã bộc lộ.

Từ hiểu biết ít ỏi của một người đã có quá trình theo dõi các đợt xét tặng và dư luận một bộ phận văn nghệ sĩ, tôi xin có mấy ý kiến nhỏ:

I/ Xác định đơn vị và tiêu chí xét tặng giải thưởng

a/ Pháp lệnh đầu tiên quy định tặng giải thưởng cho TÁC PHẨM chứ không phải TÁC GIẢ.  Nhưng khái niệm TÁC PHẨM lại không giới hạn nội hàm cụ thể: Đó có thể là cuốn sách, bức tranh, tấm ảnh... Nhưng với sân khấu, điện ảnh, múa, truyền hình, quan niệm đã không thống nhất.

Khi Hội đồng chuyên ngành sân khấu đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước cho một số vở diễn có giá trị nghệ thuật cao, có tuổi thọ dài, có tác động xã hội lớn và theo đó là các đạo diễn trong đợt đầu, thì không được Hội đồng Quốc gia xem xét.

Nhưng một số vở múa (như Xô Viết Nghệ Tĩnh...), một số bộ phim lại được xét tặng. Lần này, một số đạo diễn điện ảnh, biên đạo múa vốn đã được công nhận và NSND, NSƯT lại được xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh với cùng TÁC PHẨM, trong khi sân khấu vẫn chỉ có tác giả kịch bản.

Rõ ràng khái niệm TÁC PHẨM giữa các loại hình nghệ thuật đã không thống nhất.

b/ Đơn vị TÁC PHẨM của từng tác giả, từng loại hình nghệ thuật cũng cần cụ thể. Trong các đợt trước, ngay với các tác giả lớn, đã in tuyển tập, toàn tập cũng không xét tặng cho toàn bộ sáng tác. Vậy mà lần này có một số được tặng cho tuyển tập, toàn tập.

Điều này vừa không khoa học, vừa không chuẩn xác gây khó khăn và ngộ nhận. Đã đóng mác giải thưởng đồng nghĩa với miễn tử bài cho toàn bộ tác phẩm (Đình Quang, Lý Văn Sâm, Như Phong, Hoàng Phủ Ngọc Tường…).

Với một số tác giả đã mất, tuy ghi danh vài ba TÁC PHẨM nhưng thực chất tập sau in trọn vẹn các TÁC PHẨM đã in trước. Nếu ghi vào danh mục khen thưởng sẽ trùng lặp.

II/ Tính bao quát

Văn học nghệ thuật là một lĩnh vực rộng, bao gồm nhiều hình thức, loại hình. Trong mỗi loại hình lại có nhiều thể loại.

Những người đa tài có thể sáng tác nhiều loại hình thức khác nhau. Các lần xét giải thưởng trước đã chưa xác định hết, xác định đúng đối tượng, nên có một số người cùng một TÁC PHẨM lại được khen thưởng ở các Hội khác nhau. Nhiều vị toàn tài vừa là GS-TS – NSND – NSƯT– Giải thưởng Hồ Chí Minh – Giải thưởng Nhà nước (GS Hà Minh Đức, Phương Lựu cùng lúc nhận giải thưởng Nhà nước về văn học, vừa về KH & CN. Bộ ba nghiên cứu của GS Hà Minh Đức, tuyển tập của GS  TS – NSND Đình Quang, cùng cụm tác phẩm của GS Phan Cự Đệ xét ở khu vực KH & CN có lẽ phù hợp hơn).

Thực tế, một số người tham gia nhiều hội, nhiều loại hình sáng tác. Khi xét theo từng chuyên ngành độc lập, có người được lợi (2 – 3 nơi cùng xét), mà có người lại bị các hội nhường lẫn nhau. Vì thế, Hội đồng quốc gia không nên chỉ chờ đợi kết quả các hội chuyên ngành mà cần có sự bao quát để điều chỉnh cho công bằng. Một nhà văn với rất nhiều tiểu thuyết như Nguyễn Khắc Phục lại được đề nghị ở TÁC GIẢ sân khấu thì không phải không xứng đáng nhưng buồn cười.

Xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nữ sĩ Anh Thơ với 2 tác phẩm: Bức tranh quê (1941) và Hồi ký Từ bến sông Thương, dẫu kính trọng nhà thơ đến đâu, cũng thấy không hợp lý. Tính là nhà thơ nữ, thì về chất lượng tác phẩm và tác động xã hội, một số nhà thơ nữ khác nổi bật hơn. Tính chung thì Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, Đỗ Chu... trong chống Mỹ xứng đáng với giải thưởng cao quý này. Hàng loạt nhà văn, nhà thơ trẻ là một bộ phận chủ lực của văn học thời kỳ đổi mới không có tên làm cho giải thưởng bị già nua, thiếu hơi thở thời sự thời kỳ đổi mới (Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập...).

Ngay trong đội ngũ tác giả sân khấu thì vẫn thấy tiếc là không có Đào Mộng Long, Doãn Hoàng Giang, Kim Cương (bút danh Hoàng Dũng). Ba người này có nhiều vở diễn nhiều đoàn dựng, tuổi thọ cao. Giới sân khấu còn nợ NSND Năm Châu – tác giả lớn của sân khấu cải lương – một đề nghị xét tặng xứng đáng!

III. Trung ương và địa phương

Trong việc xét NSND – NSƯT các nghệ sĩ ở các thành phố lớn hay ở Thủ đô có thuận lợi hơn là được “vua biết mặt, chúa biết tên”. Còn ở các địa phương, có gần trăm đơn vị các kịch chủng sân khấu, ca múa nhạc, điều kiện giao lưu hạn chế, nên đến các đơn vị trong Hội đồng chuyên ngành chắc cũng không thể khẳng định biết rõ thành tích của từng người.

Hầu hết trong số họ được đào tạo qua trường lớp. Và quan trọng hơn là không ai thay họ đi phục vụ khán giả tại các địa bàn khó khăn. Không phải đơn vị nào cũng có điều kiện tham gia Hội diễn. Diễn viên nhiều, không phải ai cũng có Huy chương để tính thành tích, nhưng số buổi diễn, thành tích phục vụ của họ không hẳn đã kém các đơn vị T.Ư. Lần xét này, đã có một danh sách dài, nhưng vẫn thiếu một số gương mặt của đơn vị nghệ thuật các tỉnh.

Ngay với các đơn vị xã hội hóa ở TPHCM, một số nghệ sĩ tự do khi xem xét vẫn còn rụt rè. Thành Lộc, Hồng Vân, Việt Anh… không được phong tặng NSND xem ra thiệt thòi cho sân khấu hơn là cho chính họ.

Giải thưởng, danh hiệu chỉ là đáng quý với người được nhận, đáng trọng với xã hội khi được trao cho những người xứng đáng!

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc duy trì, xét giải thưởng và danh hiệu cho văn nghệ sĩ thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng, Chính phủ và nhân dân với giới văn hóa văn nghệ. Số lượng không hạn chế. Giá trị giải thưởng ngày càng cao. Nhưng nếu các Hội đồng không nghiêm túc, công bằng, chuẩn xác thì sẽ tầm thường hóa các giá trị cao quý và gây tác dụng ngược.

Một số lưu ý về văn bản

1. Một số tác giả được đề nghị, tác phẩm ghi không đầy đủ: Hoàng Văn Bổn, Nam Hà, Lê Văn Thảo, Sơn Nam có một số tác phẩm mới đáng được ghi danh.
2. Tên thật nhà thơ Thâm Tâm là: Nguyễn Tuấn Trình (không phải Tấn).
3. Tên một tác phẩm của nhà phê bình Nhị ca là: Gương mặt còn lại: Nguyễn Thi (không phải: Của Nguyễn Thi).

MỚI - NÓNG