Đào Anh Khánh với Lập tràn: Rừng trắng và VNĐỏ

Đào Anh Khánh với Lập tràn: Rừng trắng và VNĐỏ
TP - Đáo xuân 4 mang tên Lập tràn diễn ra tối 17/2 tới, Đào Anh Khánh sẽ trình diễn cùng 21 thanh niên dân tộc Mường-Hòa Bình biểu diễn trên diện tích hàng ngàn m2 với tre, luồng nhuộm trắng...
Đào Anh Khánh với Lập tràn: Rừng trắng và VNĐỏ ảnh 1
Màn Đáo xuân hàng năm thu hút hàng nghìn người xem                     Ảnh: A.D.C

Cuộc trình diễn tạo cảm giác về những cánh rừng bạt ngàn, tinh khiết và nghi lễ truyền thống.

Tại đây, nhóm VNĐỏ (vừa thành lập) của Đào Anh Khánh dự định chơi một đêm ra trò bằng âm thanh, ánh sáng, nhạc, múa, video-art.

Anh Khánh nói: Lập tràn là một chủ đề đa nghĩa. Những gì ta xây dựng, tích tụ đến mức độ nào đó rồi nó cũng tràn ra, biến đổi hoặc sang một giai đoạn khác. Những người thanh niên này sẽ chơi một loại hình hoàn toàn xa lạ với họ.

Chọn người biểu diễn nghiệp dư, phải chăng anh chịu ảnh hưởng từ Ea Sola?

Rất ngẫu nhiên, cách đây 3 tháng tôi lên dựng tượng ở Lương Sơn-Hòa Bình. Công nhân làm việc cho tôi là nông dân dân tộc Mường. Ăn ở với họ 2 tháng trời, tôi hiểu sâu hơn về khí chất của họ và nhận thấy ở họ tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật ca hát, nhảy múa. Họ có thể say sưa hát, múa bất cứ hoàn cảnh nào, đời sống nào. Điều ấy mạnh hơn người thành phố.

Thứ hai, khi tôi thử một vài cách chơi nghệ thuật đương đại, họ tiếp cận rất nhạy bén, cởi mở, hồn nhiên và cảm nhận được vẻ đẹp từ nó, khiến tôi rất xúc động.

Sau đó, tôi đưa họ về Hà Nội xem lại băng video, ảnh trình diễn. Họ thích thú và xin biểu diễn trong chương trình của tôi. Thế là tôi tập cho họ trong vòng 1 tháng. Còn câu hỏi của bạn, xin trả lời rằng: Tôi ảnh hưởng cả thế giới, chả riêng ai cả. Ea Sola Thủy là một gương mặt hay.

Anh nghĩ gì khi một số nhà quản lý văn hóa không thích hình thức trình diễn của anh?

Sáng tạo nghệ thuật có thể đến với một số người và không đến được với một số người, thậm chí không như mong muốn của một số người, nhất là những loại hình mới mẻ, khác với cách tiếp cận thông thường.

21 nam thanh nữ tú dân tộc Mường có mang cồng chiêng về nhà sàn của anh không?

Tôi mang đến họ một ngôn ngữ mới cả âm nhạc lẫn biểu diễn, cả giọng và chuyển động, không liên quan gì đến văn hóa truyền thống của họ. Thể nghiệm của tôi là như vậy.

Tôi cũng bất chợt suy nghĩ về mối quan hệ giữa người miền núi và người thành thị, mà chính cuộc trình diễn này sẽ đưa ra những khoảnh khắc nhìn để chúng ta so sánh và tự trả lời.

Chẳng hạn người nghèo đổ dồn về thành phố kiếm tiền rồi gây bức bối không gian và stress, nhưng kiếm được tiền rồi lại quay về nông thôn sống cùng thiên nhiên sạch đẹp.

Tương lai Đáo xuân sẽ biến thành dạng thể thế nào?

Xây lên rồi dỡ bỏ-thế mới là sáng tạo. Tôi nhìn lại những gì mình làm trong mấy năm qua, không phải đều trọn vẹn viên mãn cả. Nhưng tôi luôn tin vào con đường mình đã chọn.

Đáo xuân 4 dự tính có bao nhiêu người xem?

Diện tích 3.000m2, lại mượn thêm đất hàng xóm nữa để sắp đặt, có thể chứa được 4.000 người.

Anh nói thêm về nhóm VNĐỏ?

VNĐỏ gồm 4 nghệ sĩ biểu diễn: Nguyễn Xuân Sơn-sáng tác và chơi trống, Nguyễn Văn Cường-vẽ và âm thanh, Trí Minh-nhạc điện tử, Khánh-hát. Nhóm sẽ biểu diễn, sản xuất chương trình âm nhạc, phối hợp thực hiện đề án nghiên cứu về âm nhạc cùng các nghệ sĩ khác.

Đồng thời chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động ở mọi lĩnh vực nghệ thuật có tìm tòi mới lạ, và giao lưu với nghệ sĩ thế giới.

Tò mò một chút, chuyện tình yêu của anh thế nào rồi?

Tôi vẫn yêu cô gái Mỹ (tiếng Việt là Thạch Thảo), cuối năm nay có lẽ cô ấy sẽ về Mỹ tiếp tục học tiến sĩ. Sau đó thế nào thì mình không thể biết. Khoảng cách luôn luôn là vấn đề khó khăn đối với tình yêu. Nhưng nghệ sĩ thì phải yêu. Thảo học tiếng Việt rất nhanh vì có năng khiếu.  

MỚI - NÓNG