Đào Châu Hải và cuộc đối thoại trong 'đêm'

Đào Châu Hải và cuộc đối thoại trong 'đêm'
TP - Phòng trưng bày của Trung tâm Nghệ thuật Việt- 42 Yết Kiêu Hà Nội trở nên chật chội bởi những hình khối đồ sộ do Đào Châu Hải mang đến. Gây ấn tượng là loạt tác phẩm mang tên Đêm gồm 4 khối điêu khắc - 4 màu khác nhau. 
Đào Châu Hải và cuộc đối thoại trong 'đêm' ảnh 1
Phòng trưng bày

Loạt sắp đặt với nhân vật chính là những quả trứng gà mang tên Nhật Thực. Triển lãm cũng giới thiệu tác phẩm sắp đặt thực địa tại Côn Đảo 2004 của tác giả qua những pano ảnh khổ lớn.

Trong khi chờ đợi cuộc giao lưu giữa tác giả và công chúng vào ngày 10/11, Tiền phong có cuộc trao đổi với anh chung quanh cuộc triển lãm.

Sau khi triển lãm bế mạc (14/11), tác phẩm của anh sẽ bị hủy bỏ?

Tôi cho rằng không phải bất cứ cái gì trong đời sống cũng cần lưu giữ lại. Cái quan trọng là khoảnh khắc trưng bày tác phẩm có mang lại cho bản thân mình và công chúng ấn tượng gì về giá trị tinh thần hay không. Việc lưu giữ tác phẩm nhiều khi phụ thuộc vào xã hội, chứ không nằm trong sự kiểm soát của tác giả.

Được biết tác phẩm sắp đặt của anh đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại khu nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo. Anh có thể kể về quá trình ra đời tác phẩm này?

Cách đây 3 năm, tôi và đồng nghiệp có thực hiện một dự án tại Côn Đảo. Sau khi hoàn thành công việc, tự nhiên cảm hứng nảy sinh. Tôi muốn làm gì đó để kỷ niệm những ngày sống và làm việc ở Côn Đảo.

Đào Châu Hải và cuộc đối thoại trong 'đêm' ảnh 2
Đào Châu Hải

Tôi thuê hơn 10 xe tải cỡ 10 tấn đi nhặt đá ở những chỗ mình thấy phù hợp, tập kết về địa điểm thực hiện tác phẩm.

Chi phí rất lớn, nhưng làm việc ở Côn Đảo cũng có được nhuận bút, nên chúng tôi lấy số tiền để làm nghệ thuật. Và điều bất ngờ là sau khi thực hiện xong, chính quyền huyện Côn Đảo xin phép tôi lưu giữ toàn bộ tác phẩm.

Loạt điêu khắc Đêm của anh nhìn qua có thể gợi đến tình mẫu tử, sự che chở, cũng có thể gợi đến sự cầu nguyện, thậm chí chiến tranh... Anh thiên về cách diễn đạt nào?

Cách đặt vấn đề của tôi không phải để giải quyết thẩm mỹ thị giác thuần túy. Quan niệm của tôi, tác phẩm cũng như một câu chuyện mang tính nhận thức rất riêng tư của người nghệ sĩ, và tôi muốn kể câu chuyện đó với những ai có nhu cầu nghe tôi, nó như một đối thoại trong đời sống.

Mọi người đều có thể cởi mở câu chuyện riêng tư của mình về đời sống, về văn hóa... một cách bình dị để hiểu nhau tốt hơn. Tôi mong muốn điều đó chứ không tham vọng hoàn thiện một tác phẩm tuyệt mỹ, một tác phẩm có giá trị đỉnh cao...

Được biết anh tự bỏ tiền ra làm triển lãm này. Phải chăng vì anh chuyên đi duyệt tài trợ (Đào Châu Hải là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Trung Ương - Hội Mỹ thuật Việt Nam - PV) đâm ra lại ngại tự duyệt cho mình?

Điều ấy cũng có thể, nhưng tôi nghĩ cái quan trọng, mình phải đứng vững trên hai chân của mình trước tiên. Tất nhiên có sự giúp đỡ của cá nhân, của xã hội là điều rất tốt.

Bản thân chúng tôi làm công việc xem duyệt hàng năm những tác phẩm có khả năng phát triển tốt thì xin tài trợ Nhà nước cho tác giả. Thực ra tài trợ đó cũng rất nhỏ. Cái chính là người nghệ sĩ phải tự thân vận động. Điều đó mới tạo nên diện mạo cá nhân, phong cách, sự dấn thân trong đời sống,

MỚI - NÓNG