Đảo của dân ngụ cư: Thử thách khán giả đại trà

Đảo của dân ngụ cư: Thử thách khán giả đại trà
TP - Đảo của dân ngụ cư phim đã đắp khá nhiều xương thịt cho truyện ngắn gốc cùng tên nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ để lấp đầy tiếng rưỡi. Phim có khá nhiều cảnh tạo không khí nhưng cảm giác vẫn thiếu chi tiết, thiếu lời thoại để dẫn câu chuyện đi một cách liền mạch và làm nổi rõ tính cách nhân vật. Vì thế mà khán giả xem xong dễ bị hẫng, phải tự hiểu, tự suy luận.

Cũng chẳng nhất thiết phải khoác cho phim một thông điệp cao siêu gì đó. Đại thể nhân vật quyền lực nhất, chu cấp cho tất cả những nhân vật khác trong phim là người Hoa. Số người làm cho ông này có một người Việt tên Phước - Phạm Hồng Phước đóng, người Miên tên Miên luôn - vai của Nhan Phúc Vinh. Ahmed theo đạo Hồi chỉ có vai trò quan sát. Một nhân vật nữa hữu danh vô thực trong truyện đã được lược bỏ. Bản thân truyện ngắn cũng ở dạng gần như phác thảo, không dễ dựng thành kịch bản.

Hai thanh niên Phước và Miên (trong truyện là trung niên béo bụng chứ không phải trai đẹp 6 múi như phim) cùng có quan hệ xác thịt với Chu con gái ông chủ. Cô gái bại liệt này có thể là biểu tượng cho một khao khát tự do bị giam hãm nào đó. Khao khát này được tô đậm hơn trong phim khi cô luôn ước ao được ra biển.

Ông chủ trong phim đầy ẩn ức tình dục, chỉ coi bà vợ như một công cụ thỏa mãn. Chu là những gì tốt đẹp nhất, mong manh nhất ông muốn giữ riêng cho mình. Cũng có thể hiểu cô con gái là hình bóng khó phai của người vợ trước. Và khi biết Chu chia sẻ thể xác với kẻ ăn người làm, ông đã đi đến một quyết định động trời khẳng định cô là của tuyệt đối riêng ông.

Những tình cảm, toan tính nảy sinh trong một thế giới khép kín với những nhân vật kỳ lạ thì tất nhiên không thể bình thường. Không thể đòi hỏi một tình yêu thánh thiện, rạch ròi gì ở đây. Mọi thứ tình cảm đều trở về bản năng, tạm bợ để rồi tất cả bung ra, thiêu rụi căn nhà đã cầm tù chúng. Nói chung câu chuyện cũng đủ độc lạ, gay cấn. Việc của phim chỉ là kể lại sao cho hấp dẫn, gây xúc động nhất.

Giống như đa số phim Việt Nam gắn mác nghệ thuật, độc lập làm hướng đến các liên hoan quốc tế, Đảo của dân ngụ cư được kể trên một nền bối cảnh tối tối, bẩn bẩn, tù túng. Phim rất tiết kiệm những cảnh toàn, trừ cảnh sông nước, biển. Trong truyện, quán thịt dê mở cả ngày, nhưng trong phim thì chỉ từ xẩm tối. Cũng đỡ cho đoàn làm phim phải dựng những bối cảnh đường phố sáng sủa rườm rà. Tuy nhiên việc buộc ống bơ vào đuôi dê để đuổi trong đêm thì bất hợp lý. Hàng phố người ta lại chả chửi cho.

Xem đoạn đầu, cảm thấy Đảo của dân ngụ cư không phải phim ma thì hơi phí khi tạo được không khí kinh dị nhờ những cảnh lá khô, mạng nhện, kiến bâu xác gián... Rồi cô gái giấu mặt, tiếng va đập, kêu khóc… Phim dùng hơi nhiều cảnh cận xả thịt, làm lông dê tạo không khí máu me bạo lực. Tất cả có lẽ để thay lời muốn nói mà nói không được. Đúng là người Á Đông thường ít chia sẻ, đối thoại. Ngay cả trong gia đình cũng vậy, tự hiểu, tự giải quyết là chính. Phim nêu bật được bản tính từ ngàn đời đó. Nhưng thiết nghĩ đã ít nói thì khi nói phải nói được câu gì đắt chút.

Phước khi đã tiếp cận được với con gái ông chủ trong một tình huống đặc biệt như vậy, mà chỉ hỏi được có câu: “Chị ở đây một mình à?” Nhà chỉ có bằng đấy người, không hiểu cậu còn mong có thêm  bóng ma nào khác?! Hai nhân vật này có mối thân tình đáng kể nhất trong phim nhưng gặp nhau cũng chỉ nói những chuyện vu vơ, vô thưởng vô phạt. Với thâm niên 20 năm có lẻ sống trong cảnh tật nguyền, giam hãm, thậm chí không biết được tiếng gà gáy (chi tiết này có vẻ hơi quá trừ phi nhân vật bị nhốt trong phòng cách âm), tưởng rằng Chu phải có nhiều điều để giãi bày, thắc mắc. Thoại nói chung trong phim toàn cụt lủn, đôi khi chỉ là cho có. Có vẻ như phim chưa thoát khỏi truyện- vốn viết kiểu trần thuật, không thoại.Nhân vật Chu được xây dựng hình như hơi điên điên. Mỗi lúc ấm ức cô lại cất tiếng hát bằng một mồm đầy lưỡi nghe rất kinh. Mà nói chung vì không được thoại nhiều nên các nhân vật trong phim đành chọn cách hát. Để bộc bạch tình cảm với ông chồng quái đản, Xiểm Hoa mượn bài của Nguyễn Ánh 9: “Không! Không! Tôi không còn yêu anh nữa...”. Cảnh bà vừa quằn quại trên bàn ăn vừa hát hơi thậm xưng. Cũng như cảnh các thực khách say múa may loạn xạ như lên đồng, những người khác không lấy làm khó chịu hay lo ngại, còn vỗ tay.

Nói chung nhiều cảnh trong phim gây cảm giác cường điệu, thiếu chân thực. Chẳng hạn trò xóc đĩa đoán xem chẵn hay lẻ hoàn toàn không có gì thú vị nhưng Phước và Miên vẫn say sưa chơi, căng thẳng chơi, ngày này qua ngày khác. Phước coi Miên là bạn nhưng hai người toàn thấy dè chừng, gầm ghè nhau từ đầu đến cuối phim. Đoạn kỳ lưng xoa bụng bên giếng nước thành ra gượng gạo. Các cảnh giường chiếu có khá hơn. Với phim chiếu rạp thế cũng là bạo.

Tuy nhiên xét tổng thể, Phim hay nhất của LHP Quốc tế ASEAN 2017 vẫn vừa vặn để chiếu diện hẹp cho đối tượng khán giả quan tâm hơn là đương đầu với thị trường. Phạm Hồng Phước nhận giải Nam chính xuất sắc cho vai diễn đầu đời cũng tại LHP trên. Quả thực trong phim, anh có diễn xuất đáng tin hơn cả. Các nhân vật còn lại hay rơi vào tình trạng “tỏ ra nguy hiểm”, khiến khán giả khó đồng cảm.

Trong truyện, Phước cho hay muốn qua mối quan hệ với Chu để sau này tiếp quản nhà hàng. Phim không nói trắng ra như vậy, hẳn muốn dành chút trong sáng ít ỏi cho mối quan hệ của 2 nhân vật trẻ nhất phim. 

MỚI - NÓNG