Đạo diễn Lê Hùng: Tôi như cái… que đời

Đạo diễn Lê Hùng: Tôi như cái… que đời
Đi liên miên trên từng cây số với vai trò làm đạo diễn sân khấu cho các Nhà hát, khi ở Thái Bình, lúc lại ở Nam Định, thoáng chốc đã ở Nghệ An, xắm nắm đôi ba ngày lại ngược về Hà Nội…

Đạo diễn Lê Hùng: Tôi như cái… que đời

Đi liên miên trên từng cây số với vai trò làm đạo diễn sân khấu cho các Nhà hát, khi ở Thái Bình, lúc lại ở Nam Định, thoáng chốc đã ở Nghệ An, xắm nắm đôi ba ngày lại ngược về Hà Nội…

Đạo diễn Lê Hùng
Đạo diễn Lê Hùng.
 

Đạo diễn Lê Hùng dường như bận rộn gấp cả trăm lần cái ngày ông đang giữ chức giám đốc hai nhà hát lớn trên địa bàn Hà Nội. Hỏi ông có buồn không khi rời cái vị trí mà ông gắn bó suốt một thời gian dài? Ông cười đầy kiêu bạc: “Là tôi đã tự nguyện đi lấy quyết định sớm hơn mấy tháng đấy chứ. Có gì mà buồn. Coi như xong một việc để yên tâm mà làm trọn vẹn những việc khác. Thực tế thì ở cương vị nào tôi cũng chỉ muốn là chính tôi: một người đạo diễn”.

Phóng viên (PV): Nói là không buồn thì cũng vô tâm quá thưa đạo diễn, không buồn vì điều này ắt hẳn buồn vì điều khác. Một người làm nghề giỏi, yêu nghề và say nghề như ông trước thời điểm về hưu lại lùm xùm bao nhiêu chuyện liên quan đến việc sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam, mọi chuyện diễn ra hẳn là không như trong dự tính…?

Đạo diễn Lê Hùng: Ừ thì nói không buồn cũng chẳng phải, mình buồn là buồn cái khác, không phải chuyện mình thất bại hay thành công. Anh em nó không hiểu mình, nghĩ sai về mình. Điều dở nhất là chuyện thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam đã được nói nhiều trong các cuộc họp cơ quan, nhưng mọi người không lên tiếng, sau khi có quyết định thì lại bắt đầu ồn ã như thể là bị "đánh úp". Thực tình thì chuyện này đã được bàn bạc, lấy ý kiến từ rất lâu trước đó…

PV: Ông có thất vọng về các đồng nghiệp của mình, những người từng là đàn em thân thiết, những người học trò của mình… Và sau sự việc đó thì quan hệ của ông và họ ra sao?

Đạo diễn Lê Hùng đang dựng vở
Đạo diễn Lê Hùng đang dựng vở.
 

Đạo diễn Lê Hùng: Cũng chả trách họ được, nghề nào cũng có người này người khác, người yêu, người ghét, người ủng hộ, người không. Tôi chả có mưu cầu gì cho riêng mình, chỉ nghĩ đến sự nghiệp chung, sự lớn mạnh của các nhà hát và sự phát triển nghệ thuật kịch. Theo tôi được biết, năm tới Nhà nước sẽ tiến đến xã hội hóa các nhà hát, mà như thế thì… rất mệt khi phải tự bươn chải. Trong thời buổi mọi thứ nghe nhìn điện tử, số hóa phát triển như vũ bão, sân khâu kịch rất khó để đi vào đời sống, bởi thế, kịch thì khó lòng mà đối đầu được với bao nhiêu sự cạnh tranh đầy ma lực kia.

Đơn giản, kịch không chỉ một vài cá nhân mà là một tập thể. Một chương trình ca nhạc chỉ cần 1-2 ngôi sao là có thể bán được vé, nhưng kịch thì không. Kịch cần cả một đội ngũ… Hồi đó, sau khi phát biểu xong thì họ vào phòng tôi chơi và phân trần, có nhà báo thì gọi điện xin lỗi vì "té nước theo mưa"… Bây giờ thì chuyện đó nằm ngoài sự quan tâm của tôi.

PV: Bây giờ lịch đi của ông kín mít, có bao giờ ông quay trở lại Nhà hát Tuổi trẻ để dựng vở nào đó giúp những đàn em cũ?

Đạo diễn Lê Hùng: Không, tôi chưa quay lại dù Trương Nhuận (Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - PV) có gọi. Tôi nghĩ làm gì cũng phải có cảm hứng, cảm xúc, huống hồ liên quan đến nghệ thuật. Dù sao cũng đã có những va chạm, tôi không nghĩ đến không có nghĩa là tôi đã quên hết những chuyện đã xảy ra và tôi không có cảm hứng khi quay trở lại đó.

PV: Có một thực tế là dù đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng sức sáng tạo của ông dường như đang ở độ chín nhất. Nhà hát nào cũng muốn kéo ông về để lấy thương hiệu, làm sao ông “công bằng” được khi có những lúc tại một hội diễn một mình ông đã dàn dựng mấy vở cho mấy đoàn khác nhau?

Đạo diễn Lê Hùng: Ngày xưa, khi đang làm giám đốc của hai nhà hát thì mình không chỉ tập trung lo cho chuyên môn, mà lo đủ chuyện sự vụ. Ngày xưa đoàn nào muốn mời đến dựng vở thì còn dè dặt vì không biết mình có sắp xếp được thời gian để giúp họ không, và người ta vẫn phải tìm một người thay thế nhưng bây giờ không lo nữa vì thời gian bị nhiều đoàn giành giật cho bằng được, "rình" lúc nào mình rảnh là kéo về dựng vở cho nhà hát của họ.

Ví dụ, mới đây tôi đi Thái Bình về đã thấy người của một đoàn kịch ở Nghệ An ngồi chờ ở cổng. Cậu ấy bảo, từ Nghệ An ra từ ngày hôm kia, gọi cho bạn ở Thái Bình nên biết lịch trình để "bắt" bằng được tôi, và "giao kèo" luôn lịch tôi sẽ làm việc với nhà hát của cậu ấy. Tôi nghĩ đó là hạnh phúc của người làm nghề. Còn chuyện dàn dựng nhiều vở cho nhiều nhà hát trong hội diễn thì không còn là chuyện mới nữa, phải chấp nhận thôi. Các đoàn đi hội diễn thì biết tôi không thể được tất cả các giải nhưng họ vẫn muốn mời tôi. Tôi cũng biết mình sẽ không được giải nhưng vở diễn tôi dựng cho họ trong hội diễn khiến họ không thấy xấu hổ mà thấy vẻ vang với các bạn đồng nghiệp.

Trước đây có hội diễn tôi dựng 8 vở, người ta bảo trong 8 vở ấy chắc chắn chỉ có 1 vở được huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 6 vở nữa không được, chúng ta nằm trong số 6 vở ấy nhưng chúng ta vẫn mời anh ấy để hãnh diện với bạn đồng nghiệp. Một mặt xác định như thế, một mặt vẫn hy vọng. Rõ ràng một vở diễn thành công còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ phía diễn viên, chứ một mình đạo diễn không thể làm được.

PV: Tôi vẫn tự hỏi, không hiểu ông lấy đâu ra “vốn” mà làm đạo diễn đủ mọi lĩnh vực của sân khấu: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói… mà mỗi thể loại đều có một đặc trưng nhưng anh vẫn có một cái “lẩy” khác nhau. Trong khi có những đạo diễn được đào tạo bài bản chuyên biệt một lĩnh vực mà cũng chưa chắc đã được như mong muốn…

Đạo diễn Lê Hùng: Nhiều khi tôi vẫn tự hỏi là tại sao mình lại làm được thế? Thứ nhất là do được đào tạo. Thứ hai là do được sống trong một gia đình nghệ thuật. Thứ ba là thiên phú. Một phần quan trọng là do tư duy của đạo diễn, không phải tìm tòi, khám phá mà tự nhiên nó ra. Ví dụ có một đám tang chẳng hạn, có người sẽ tả là người này khóc, người kia mếu, dàn bát âm thế nào, nhưng mình lại nghĩ ngay đến việc xé khăn tang, thì đấy là do tư duy của đạo diễn. Mình không nghĩ gì cả mà bỗng chốc nó ra.

Tôi có dạy một lớp chủ nhiệm trong Trường Sân khấu và Điện ảnh, giúp họ thay đổi tư duy. Tôi bảo sinh viên, hãy tìm cho tôi một cái có thể đựng nước theo kiểu của đạo diễn: Họ bảo, cái cốc, cái chén, vại, lư, nồi, chảo, chum… Cả lớp kể một lúc sau thì hết sạch, tìm cũng không còn nữa. Nhưng đấy không phải tư duy đạo diễn. Tôi hỏi các sinh viên, cái hốc mắt có phải là thứ để đựng nước không? Hay cái ao, cái hồ có phải là nơi đựng nước đái của giời không? Đấy mới là tư duy đạo diễn. Còn những thứ như cái cốc, cái chén, ca, vại, chum,… thì trẻ con cũng kể được. Thế nên phải thay đổi tư duy. Khi đã có tư duy đạo diễn rồi thì không phải đánh vật với một vở diễn nữa. Chưa kể đến cá tính của mình trong sáng tạo.

Việc có được tư duy để làm nghề là phải học, phải trau dồi. Làm đạo diễn phải nhìn hết cả, thậm chí biết cả bao nhiêu kiểu người ta ăn xin ngoài đường. Từ hàng trăm kiểu ăn xin của cuộc đời mà mình có một kiểu ăn xin cho riêng mình. Chỉ với một lớp diễn như thế mà bằng tư duy đạo diễn sẽ có thể chinh phục khán giả bằng một kiểu không giống ai. Chúng ta hiện nay nhiều người làm chưa đúng nghề. Nếu không tìm hiểu, không chịu học sẽ không làm được. Tại sao bây giờ lại thiếu lực lượng sáng tạo sân khấu? Là vì không có nghề, đạo diễn hàng trăm người nhưng không phải ai cũng có nghề

Trần Hoàng Thiên Kim
An ninh thế giới

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG