Đạo diễn Long Vân: 'phim không chỉ cho hôm nay'

Đạo diễn Long Vân: 'phim không chỉ cho hôm nay'
Đạo diễn Long Vân đã tâm sự khi được hỏi rằng liệu bộ phim Giải phóng Sài Gòn có phải là bộ phim chỉ làm nhân dịp kỉ niệm 30 năm thống nhất đất nước.
Đạo diễn Long Vân: 'phim không chỉ cho hôm nay' ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bìa phải - diễn viên Quốc Thuận) tại tổng hành dinh

Ngày 27-4, bộ phim Giải phóng Sài Gòn - hiện đang được làm hậu kỳ tại Thái Lan - chiếu ra mắt tại Hà Nội và từ 29-4 sẽ công chiếu trên toàn quốc.

Đây là bộ phim được thực hiện lâu nhất trong lịch sử điện ảnh VN (13 năm kể từ khi được duyệt kịch bản), có thời gian quay kéo dài nhất (bốn năm), có kinh phí lớn nhất (ước tính 12,5 tỉ đồng, chưa kể sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội có thể lớn xấp xỉ số tiền đầu tư). NSƯT Long Vân (từng làm những phim Biệt động Sài Gòn - bốn tập, Người không mang họ - ba tập, Hẹn gặp lại Sài Gòn...) - đạo diễn của phim - bày tỏ:

- Quả thật là thể loại phim sử thi này rất khó hấp dẫn, thanh niên bây giờ thích xem phim tình cảm Hàn Quốc và hành động Mỹ, còn phim sử thi chỉ lôi cuốn những người xem bằng kỷ niệm, tức là đã có tuổi, có những sợi dây tình cảm với quá khứ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức mình.

* Vậy thưa ông, Giải phóng Sài Gòn sẽ thu hút khán giả bằng cách nào nếu nó không có những yếu tố về đời tư của các nhân vật lịch sử, cũng không có mạch truyện là một chuyện tình trong chiến tranh?

- Có hai câu hỏi đặt ra về thắng lợi của ngày 30-4: Tại sao lại thắng nhanh đến thế? Tại sao giải phóng hàng loạt thành phố mà không hề gây đổ nát hoang tàn? Trong lịch sử quân sự thế giới từ cổ chí kim, đây là điều rất khó xảy ra cùng lúc khi kết thúc cuộc chiến. Và chúng ta đã làm được trong chiến dịch này. Phim Giải phóng Sài Gòn sẽ hấp dẫn người xem bằng chính điều đó, vừa mô tả vừa lý giải những cuộc hành quân, những trận đánh và những chiến thắng bắt đầu từ chiến dịch Tây nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột.

Sức hấp dẫn sẽ đến từ những cuộc họp ở tổng hành dinh của đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở bộ chỉ huy chiến dịch của tướng Văn Tiến Dũng, ở các mặt trận của các vị tướng Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, từ khí thế của các cuộc hành quân, từ việc miêu tả cuộc chống cự tuyệt vọng của phía bên kia, cả trong dinh Độc Lập lẫn ngoài phòng tuyến tử thủ Xuân Lộc...

Đạo diễn Long Vân: 'phim không chỉ cho hôm nay' ảnh 2
Quân đội Sài Gòn thề tử thủ ở Xuân Lộc

* Nhưng thưa ông, như vậy thì làm sao cạnh tranh được về sự hấp dẫn với các series phim tài liệu từ cả hai phía đang được chiếu rộng rãi trên truyền hình từ hàng tháng nay? Tư liệu không mới bằng và cách thông tin không nhanh bằng?

- Chúng tôi sẽ tái hiện nhân vật lịch sử không chỉ qua hình ảnh và lời nói từ các cuộc phỏng vấn như trong các thước phim tài liệu. Các nhân vật lịch sử ở đây có tình cảm, có diễn biến tâm lý, có chân dung riêng được khắc họa trong nhiều tình huống khác nhau và ít nhiều đã tạo nên sự hấp dẫn.

* Thưa ông, ông có thể giải thích vì sao phim lại làm... lâu đến thế?

- Năm 1992 kịch bản của anh Hoàng Hà đã được thông qua nhưng không tìm ra kinh phí sản xuất. Sau đó được chuyển ra Hà Nội và nhóm tác giả chúng tôi gồm Nguyễn Đăng Thực, Long Vân, Nguyễn Trần Thiết, Vũ Văn Nha có chỉnh sửa, viết thêm. Việc tìm kinh phí làm phim cũng mất thêm hai năm nữa cho đến khi được Chính phủ rót tiền trực tiếp. Năm 2000 chính thức có kinh phí, năm 2001 khởi quay những cảnh đầu tiên.

Do không gian trải dài, nhiều đại cảnh và hiện trường đã thay đổi quá nhiều, lại phụ thuộc rất lớn vào các đơn vị bộ đội về máy móc, quân trang, quân dụng, khí tài, xe máy, xe tăng, máy bay và nhất là sức người nên quá trình quay bị chậm lại. Việc tìm diễn viên cũng mất đến một năm, do có nhiều nhân vật lịch sử còn sống nên phải rất thận trọng trong việc tái hiện hình ảnh họ trên phim.

* Được biết sự giúp đỡ của Bộ Quốc phòng là rất lớn, thậm chí ngang với số kinh phí trực tiếp rót cho phim, ông có thể xác nhận điều này?

- Tôi không thể tính được số tiền cụ thể nhưng quả thật nếu đây không phải là phim của Nhà nước mà là phim tư nhân thì số tiền phải lớn hơn rất nhiều. Cảnh lớn nhất chúng tôi đã huy động đến hàng trăm lượt xe tăng, bốn máy bay và 2.000 chiến sĩ. Tất cả chỉ phải trả số tiền bồi dưỡng rất tượng trưng và công lau vũ khí, tiền xăng xe...

* Đã có nhiều ý kiến về việc đầu tư làm phim sử thi, phim "cúng giỗ", hầu hết là tỏ ý lo ngại và "xót tiền dân", liệu Giải phóng Sài Gòn có làm thay đổi quan niệm trên?

- Tôi nghĩ đây là một phim nên làm và chúng tôi đã làm hết sức. Có thể hôm nay giới trẻ chưa xem nhưng đây không phải phim chiếu một ngày một tuần. Hôm nay các đồng đội, đồng nghiệp của chúng tôi sẽ xem, các nhân chứng lịch sử cũng sẽ xem và sẽ đến lúc con cháu chúng ta cần biết về lịch sử một cách chân thực thì Giải phóng Sài Gòn cũng là một cái nhìn, một tư liệu đáng giá. Bộ phim này làm đâu chỉ cho hôm nay!  

MỚI - NÓNG