Đạo diễn NSND Lê Hùng: Chẳng có gì để ầm ĩ

Đạo diễn NSND Lê Hùng: Chẳng có gì để ầm ĩ
TP - “Sang Nhà hát Kịch Việt Nam, việc đầu tiên tôi làm là cho đổi phòng giám đốc. Tôi chỉ cần một phòng xép, còn phòng cũ rộng ngoác như vậy thì phải dành làm nơi ngồi chung cho anh em diễn viên, không thể để họ chen chúc trong căn phòng cũ được” - NSND Lê Hùng cho biết.
Đạo diễn NSND Lê Hùng: Chẳng có gì để ầm ĩ ảnh 1
NSND Lê Hùng một mình làm giám đốc hai nhà hát lớn nhất miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Từ 1/7, vị đạo diễn này chính thức trở thành đồng giám đốc hai Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Kịch Tuổi trẻ- điều chưa có trong tiền lệ quản lý sân khấu.

Các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam (NHKVN) nói sao với ông trong ngày làm việc đầu tiên?

Anh em hả hê phấn khởi. Có người hỏi: “Cách ông cho đổi phòng làm việc của giám đốc cũ hình như mang màu sắc mị dân quá?”. Tôi bảo đó là việc phải làm để mang lại sự công bằng. Nếu là đúng và hợp lý thì đành mang tiếng mị dân chứ sao.

Trước khi ông về, ghế giám đốc NHKVN qủa thật rất nóng. Ông có nghĩ những vấn đề mà lịch sử để lại có thể giải quyết sớm?

Tôi hiểu điều ấy, và nói với anh em, tất cả những mâu thuẫn, ấm  ức, hậm hực dù với anh Dũng (NSƯT Anh Dũng- nguyên Giám đốc Nhà hát kịch) hay với ai, yêu cầu các bạn bỏ qua một bên.

Bây giờ, chúng ta bước sang giai đoạn khác rồi, đừng vì chuyện cũ làm ảnh hưởng tới không khí chung. Diễn viên sinh ra là để làm nghệ thuật.

Sắp tới, nếu ai muốn diễn thì lên sàn tập. Ai muốn đi kiện tiếp, tôi không đuổi mà vẫn cho hưởng nguyên lương, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ tiền xăng. Chỉ đưa ra một yêu cầu, chuyên tâm mà đi kiện, chứ đừng làm nghệ thuật nữa.

Ông có vẻ rất tự tin?

Tất nhiên, khi ngồi vào ghế giám đốc, tôi sẽ phải làm việc và hành xử thế nào để không rơi vào vị trí của người tiền nhiệm. Mình đàng hoàng thì có gì phải sợ. Mà nói thật, nếu đời sống của nhà hát khấm khá lên, anh em bận tập, bận diễn, bận cả chia tiền thù lao nữa thì kiện cái gì?

Có nghĩa, ông tin rằng mình sẽ đưa NHKVN thoát khỏi bế tắc và ảm đạm suốt dăm năm  qua?

Một mình tôi không làm được gì cả. Tôi cần những người quản lý tốt của NHKVN giúp tôi điều hành. Và đặc biệt, cần sự đoàn kết, nhất trí của anh em diễn viên.

So với Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, NHKVN chẳng thiếu gương mặt tài năng. Cái cần là một người đứng ra động viên, tập trung anh em lại để phát huy nguồn lực ấy.

Đó là lí do khiến ông  đồng ý kiêm nhiệm chức giám đốc?

Trong cuộc gặp, Bộ trưởng VH- TT&DL có  nói: “Hùng đừng nghĩ sang bên NHKVN chỉ đơn  thuần là giúp bọn anh. Hùng mà không sang thì còn là phụ lòng các nghệ sĩ sân khấu lứa trước. Họ mất hơn 50 năm gây dựng NHKVN, để rồi bây giờ nó nát bét và lùng bùng như thế này”. Nghe nói vậy, tôi biết rằng mình không nên từ chối nữa.

Nhưng, kiêm nhiệm lãnh đạo của hai nhà hát lớn nhất miền Bắc, đâu phải việc dễ làm?

Thật ra, trong gần 30 năm tồn tại thì Nhà hát Kịch Tuổi trẻ đã định hình được thương hiệu và đứng rất vững rồi. Bộ máy và guồng quay có sự ổn định cao. Bởi vậy tôi có thể tập trung xoay xở với công việc tại NHKVN. Chuyện chỉ vậy thôi, có gì đâu mà cần ầm ĩ.

Sự kiêm nhiệm này cũng dẫn tới nhiều thông tin khác nhau. Chẳng hạn, có dư luận NSND Lê Khanh sẽ thay ông làm giám đốc Nhà hát Kịch Tuổi trẻ. Hoặc, hai nhà hát sáp nhập làm một và lấy tên chung là Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia…

Tôi xin khẳng định chưa có chuyện sáp nhập đâu. Trong tương lai, nếu Trung tâm Kịch nghệ Quốc gia hình thành, thì NHKVN và Nhà hát kịch Tuổi trẻ vẫn sẽ là hai thành viên của Trung tâm.

Ngoài ra có thể xuất hiện thêm một số nhà hát khác nằm trong đó như nhà hát thử nghiệm, nhà hát thiếu nhi. Chỉ vậy thôi. Các bạn có thể yên tâm rằng kịch Việt Nam và kịch Tuổi trẻ vẫn giữ được thương hiệu đã có trong suốt bấy nhiêu năm của mình.

Nếu thêm một nhà hát nữa của Hà Nội muốn ông về làm giám đốc, ông có đồng ý?

Theo nguyên tắc thì việc đó còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề về cơ cấu tổ chức, chứ không phải muốn là được. Nhưng giả dụ có chuyện như thế thật thì chắc tôi cũng phải từ chối vì, nếu vậy, thì không thể kham nổi nữa (cười)

MỚI - NÓNG