Đạo diễn Vinh Sơn cố gắng diễn đạt chất Huế

Đạo diễn Vinh Sơn cố gắng diễn đạt chất Huế
TP - "Trăng nơi đáy giếng" của đạo diễn Vinh Sơn vừa được quỹ Fonds Sud chính thức tài trợ 150.000 euro và đang chờ một khoản tài trợ nữa của nước ngoài.
Đạo diễn Vinh Sơn cố gắng diễn đạt chất Huế ảnh 1
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (người giơ tay) tại LHP Namur

Cuộc trò chuyện cùng Nguyễn Vinh Sơn về hành trình đem kịch bản đi giới thiệu và mời gọi đầu tư.

Chúc mừng anh. Anh có thể kể chuyến đi LHP Namur (Bỉ) và cách để họ quan tâm dự án của mình?

Namur không liên quan đến việc tài trợ. Họ chỉ tổ chức một cuộc gặp tạo điều kiện cho các đạo diễn gặp một số chuyên gia có uy tín để nâng cao chất lượng kịch bản của mình và tìm phương hướng sản xuất.

Các hãng phim cũng cử người tiếp xúc vì họ biết những dự án phim có mặt ở đây đã được tuyển chọn kỹ. Đây là một hoạt động rất ích lợi cho các đạo diễn, với điều kiện họ phải biết tiếng Pháp.

Hai quỹ trên đồng ý tài trợ cho phim của anh chính xác là  bao nhiêu và quyền lợi của họ sẽ như thế nào? Nghe nói đạo diễn Hồ Quang Minh cũng trong ban xét chọn tài trợ?

Hai quỹ FONDS SUD và FONDS FRANCOPHONE không đòi hỏi một quyền lợi nào (ngoài việc ghi dòng chữ: Được sự tài trợ của…). Đó là sự trợ giúp của Chính phủ Pháp thông qua Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Thông tin Pháp.

Số tiền không nhiều (tối đa 150.000 euro), nhưng là dấu chất lượng để các nhà sản xuất, các kênh truyền hình, các festival… chú ý hợp tác. Một nhà sản xuất Pháp nói với tôi: Fonds Sud là cái chìa khóa để mở các cửa khác.

Còn anh Hồ Quang Minh nằm trong ban xét chọn của quỹ Fonds Francophone với nhiệm kỳ 3 năm. Dĩ nhiên, đây là một tin vui cho điện ảnh VN.

Vậy khi nào “Trăng nơi đáy giếng” quay? Anh đã nhắm  diễn viên nào?

Khoảng tháng 6 quay. Tôi muốn tìm diễn viên gốc Huế để thu tiếng tại chỗ. Đây thực sự là một thách đố, vì người Huế hay “dị” (mắc cỡ).

Câu chuyện phim  mang màu sắc tâm linh, bối cảnh ở Huế, ý định của anh nghe nói là hướng theo luồng phim độc lập đậm đà hương vị riêng của đất và con người nơi phim đề cập, như thế phù hợp sức mình hơn và nước ngoài chú ý hơn? Sẽ có cái gì đó kiểu  như  “Đất phương Nam”?

Một người bạn Pháp cùng đi với tôi ra Huế Tết vừa qua, sau khi gặp nhà văn Trần Thùy Mai và quan sát cuộc sống ở Huế, đã nhận xét: Đúng là có một cái gì đó rất riêng, rất khác lạ của con người Huế. Tôi sẽ cố gắng diễn đạt cho được chất Huế đó.

Anh có nghĩ lúc này để kéo khán giả, vẫn phải là những câu chuyện sinh động, hấp dẫn và sát cuộc sống của lớp trẻ. Và đối tượng khán giả mà dòng phim tác giả hướng tới hình như không có thói quen mua vé vào rạp?

Biết bao cãi vã đã nổ ra quanh hai từ: phim nghệ thuật và phim thương mại. Và “khán giả” được xem như là một tập hợp trung tính để các tác giả khi thì kéo về phía mình, khi thì đẩy về phía đối lập để biện minh cho thành bại của mình.

Theo tôi, nên thẳng thắn gọi là phim tác giả và  phim giải trí. Đó là sự chọn lựa sòng phẳng, nghiêm túc của cả người sáng tác lẫn khán giả. 

Như anh từng nói, từ “Đất phương Nam” cho tới “Trăng nơi đáy giếng” là một khoảng thời gian dài không làm phim; những cậu bé vào vai An, Cò nay đã là thanh niên. Tư duy sáng tác của anh cũng thay đổi?

Nằm giữa “Đất phương Nam” và “Trăng nơi đáy giếng” là  “Chuyện tình kể trước lúc rạng đông” do một hãng phim nước ngoài sản xuất. Vì những lý do riêng, phim bị ngưng lại nửa chừng.

Và tôi nhận ra mình vẫn còn thiếu hụt nhiều về nghề nghiệp để có thể thực hiện một phim theo đúng chuẩn mực quốc tế. Tôi cần thời gian để tự đào tạo lại. 

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG