Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Cảm ơn khán giả đã giúp “nhặt sạn”

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Cảm ơn khán giả đã giúp “nhặt sạn”
TP - "Chạy án" là "kho vàng" của Vũ Hồng Sơn. Hai phần phim (Chạy án 1 - năm 2007, 22 tập; Chạy án 2 - năm 2009, 27 tập) cho anh 2 giải Cánh diều Vàng dành cho đạo diễn… Nhưng, chính Vũ Hồng Sơn vẫn chưa hài lòng.
Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Cảm ơn khán giả đã giúp “nhặt sạn” ảnh 1
Đang chỉ đạo diễn xuất (bìa trái)

Anh "bật mí" chuyện hậu trường làm phim và nhiều chuyện khác.

"Nhặt sạn" cho "Chạy án 2"

Hẳn anh không mấy ngạc nhiên khi "Chạy án 2" đoạt giải?

Có chứ. Chẳng ai chắc được điều gì, nhất là với người cẩn trọng như tôi.

Vậy anh có chê được điểm nào không?

Về câu chuyện, "Chạy án 2" thiếu độ phức tạp nên không được hấp dẫn như phần 1, nhưng bù lại thì có cả một ê kip đã quá quen việc. Tôi không thể ngờ là rất nhiều diễn viên thuộc trước lời thoại (nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy là điều này đang trở thành hiếm hoi đấy), thậm chí họ đòi đóng lại những cảnh mà tôi đã cảm thấy được.

Ngay cả đội cảnh sát cơ động cũng nhiệt tình đến nỗi ra đổ nước lạnh lên người cho hạ nhiệt rồi vào đóng tiếp, vì giữa hè nóng bức, cảnh của họ lại phải… nhảy lên, nhảy xuống liên tục. Tôi hoàn toàn hài lòng với những người cộng sự.

Nhưng nếu soi kỹ, sẽ thấy phim vẫn còn quá nhiều chi tiết phi thực tế?

Tôi từng đọc cả một forum trên mạng với title "Nhặt sạn cho Chạy án 2" và không khỏi ngạc nhiên với những phát hiện của khán giả. Đọc và ngẫm, và chỉ biết cảm ơn họ. Còn riêng về chi tiết phi thực tế, thì phải nói thật là khó.

Đơn cử như trong phim có loại xe ôtô đặc biệt của công an, nhưng khi mình yêu cầu xem qua để về làm cho thực tế thì… bị từ chối, vì đó là bí mật. Vậy là họa sĩ chỉ còn cách mầy mò trong tưởng tượng.

Anh nói sao khi khán giả xem phim hình sự Trung Quốc, rồi thích hình ảnh anh hùng cá nhân hơn tập thể anh hùng như phim Việt. Phải chăng nếu kịch bản khác đi thì không được duyệt?

Hình tượng anh hùng cá nhân cũng được dựng trong phim rồi đấy chứ, nhưng hiệu ứng không cao, vì thực tế ở Việt Nam không phá án kiểu riêng lẻ, phía công an cũng gọi điện sang góp ý về điều này. Vậy nên khán giả xem nhiều, so sánh là lẽ đương nhiên, mình không cấm được, nhưng vẫn còn 50% ủng hộ đã là quá thành công rồi.

Trong phần 1, anh từng nói: “Nếu có nhiều tiền bộ phim sẽ hay hơn nữa”?

Đúng. Nhưng chúng tôi làm phim nhà nước, nên mỗi tập đều đóng khung trong quy định, và khi làm phần 2 càng khó khăn hơn. Chị thấy đấy, tiền vẫn như cũ, mà giá cả mọi thứ đắt đỏ hơn.

Già làm phim trẻ thì ai xem

Anh hài lòng, và vì thế mà “Chạy án" dừng lại, dù khán giả vẫn mong chờ phần 3?

Tôi từng nói "Chạy án" sẽ không có phần 3 vì tôi đã là một đạo diễn già, trong khi phim hành động đòi hỏi sức khỏe và đầu tư tâm sức lớn hơn. Thực ra đó chỉ là một phần nguyên nhân.

Trước đây, phim cảnh sát thường do đạo diễn trẻ thực hiện, nhưng không tạo tiếng vang, và tôi phải vào cuộc như một nhiệm vụ bất khả kháng.

Thế nên khi hoàn thành rồi, tôi lại chuyển sang làm "Rubik 8" với bộ phim tâm lí xã hội "Người đàn bà thứ ba", cùng mong muốn lôi cuốn khán giả trở lại với chương trình Điện ảnh chiều thứ 7.

Tôi thật ngạc nhiên khi thấy nhiệm vụ làm mới hay “thay máu” chương trình như thế lại do các anh chứ không phải lớp trẻ gánh vác?

Đạo diễn trẻ hay chứ, cứ xem Vũ Ngọc Đãng là thấy người già làm phim cho giới trẻ thì ai xem, nhưng chúng tôi lại có ưu thế riêng, có chiều sâu, kinh nghiệm… Nhất là chương trình Rubix 8 chiếu vào 1 khuôn giờ đặc biệt, lúc đó thanh niên đi chơi cả rồi, chỉ còn người trung niên và cao tuổi thôi. Để thuyết phục được họ thì chúng tôi phải vào cuộc.

Anh nhận xét ra sao về vấn đề muôn thủa của điện ảnh: diễn viên, kịch bản, trang thiết bị?

Thiết bị ngày càng hiện đại, hầu hết là quay nhiều máy, diễn xuất liền mạch hơn, không như trước tôi làm, chỉ có một máy, diễn viên đang cười, cắt, quay cảnh khác và phải… khóc thật lâm li. Còn diễn viên thì vẫn nan giải lắm, đào tạo không theo kịp nhu cầu, người có thiên bẩm ít, tâm huyết với nghề kém, vì họ còn phải chạy theo sinh kế.

Diễn viên trong Nam cát-sê còn cao chứ ngoài Bắc thì phải "chạy sô", nhiều khi kịch bản còn không thuộc thì làm sao bắt họ diễn xuất nhập vai được. Riêng về kịch bản thì tôi thấy đang khởi sắc, các nhóm viết ra đời bổ trợ lẫn nhau, kịch bản tuy có cốt truyện, nội dung bình thường nhưng tình tiết dẫn dắt được khán giả, điều này quan trọng lắm.

Lúc nào cũng hy vọng và kiên nhẫn

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Cảm ơn khán giả đã giúp “nhặt sạn” ảnh 2
Nhận giải Cánh diều vàng 2008

Nếu không làm phim thì anh sẽ làm gì?

Điều này là không thể, vì tôi gắn bó với điện ảnh từ rất sớm. Hồi tôi còn bé, đời sống khó khăn lắm, lúc đó lâu lâu mới có phim chiếu ở rạp, bãi, mà đâu dễ đi xem, may mà bố làm văn hóa nên tôi có cơ hội ấy. Đến năm học lớp 8, tôi đã thành người làm âm thanh trong phim.

Anh bỏ học từ rất sớm?

Vì chiến tranh. Lúc đó nhà có 4 anh em trai, bố mẹ gửi mỗi con ở một nơi. Nhà nghèo, là con cả, làm sao tôi có thể tiếp tục học được, phải đi làm và đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Đến giờ tôi vẫn nhớ lời bố nói khi đó: "Mình lúc nào cũng phải hy vọng và kiên nhẫn".

Hẳn anh phải rất kiên trì?

Đi làm, tranh thủ học bổ túc hết cấp 3, sang Liên Xô học làm âm thanh 3 năm. Với điện ảnh, có thể nói là tôi đã từng làm tất cả các khâu, từ dựng phim, làm âm thanh, cơm nước cho đoàn, chạy ray máy quay…

Năm 1975, tôi về xưởng phim Quân đội trong vai trò một… phóng viên chiến trường, 1982 sang làm trợ lý đạo diễn cho anh Khải Hưng ở Đài truyền hình Việt Nam. Thế rồi tôi vào khóa tại chức 4 năm đầu tiên của trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh, độ năm 1994, 1995.

Bộ phim tài liệu đầu tiên, rồi thành đạo diễn chuyên nghiệp. Tôi vẫn tự trào về mình là người đến sớm mà về muộn, chẳng mấy chốc đã đến tuổi nghỉ hưu, nên bộ phim nào làm đạo diễn tôi cũng phải cố tạo ra một điều gì đó, vì chẳng còn nhiều thời gian để làm lại.

Anh có phải trả giá điều gì cho giấc mơ đạo diễn của mình?

Một lời mời đi nước ngoài chuyên tu về âm thanh, quả thực lúc đó tôi đã là một tay có tiếng trong nghề, nhưng tôi cảm giác là phải đi học. Học dù chỉ có lương trần, không phụ cấp… và dù tôi là người già nhất trong lớp, thì vẫn không được phép ngại. Cũng may, nhà tôi tự thu xếp được cuộc sống, nên tôi không bị o ép trong việc kiếm tiền như bao đạo diễn khác.

Tôi gặp nhiều điều may mắn nhỏ nhặt

Đằng sau người đàn ông thành đạt bao giờ cũng có một nội tướng…

Chúng tôi quen nhau được hơn 3 năm mới quyết định tiến xa hơn. Nhà tôi là cô nuôi dạy trẻ, và tôi xúc động bởi sự chân thành, giản dị, cảm thông với người khác của cô ấy.

Khi đó một đứa cháu của tôi bị tai biến, không đi, không nói được, hai em đưa lên Hà Nội sang nhà bác sĩ Tài Thu châm cứu. Thế là cô ấy sáng, trưa nào cũng tới chăm sóc cháu rất cẩn thận.

Đám cưới chúng tôi cũng lạ kỳ, mưa như trận lụt 2008 kỷ lục của Hà Nội vừa rồi, mượn được xe ôtô cơ quan đi đưa dâu thì chết máy, ngập giữa mênh mông nước. Sát đến giờ đám cưới, anh em mỗi người một tay nên xe mới khởi động được.

Trận lụt năm ngoái khiến anh chị nhớ lại nhiều điều?

Cuộc sống lúc đó khó khăn, nhiều lúc cả hai phải đi bán quần áo cũ bên hè đường. Rồi nhà tôi thôi việc, chuyển sang buôn bán, khi đó, tôi mới rảnh rang theo đuổi giấc mơ của mình.

Đã qua một lần đò, nên hạnh phúc càng ý nghĩa hơn với anh?

Tôi không muốn nhắc nhiều đến chuyện đó, bởi chẳng ai bước qua một lần đổ vỡ mà hoan hỉ được cả. Mọi thứ đến và đi âu cũng là duyên nợ. Còn nhà tôi, cô ấy quả là một người nhẫn nại, giàu sức chịu đựng.

Vậy còn mẹ anh?

Bà là một người kỳ lạ. Hồi vào Huế, nhìn những ảnh ngày xưa của mẹ tôi không thể tin nổi vào mắt mình. Hóa ra bà là cành vàng lá ngọc đúng nghĩa, con của một trong ba gia đình giàu nhất Huế khi đó, đến giờ dinh thự ngày xưa vẫn còn được giữ ở Huế. Thế mà bà theo kháng chiến khi mới là sinh viên, ra Bắc, rồi gặp bố tôi.

Từ một tiểu thư đi xe ô tô, đánh mạt chược, kẻ hầu người hạ khắp nhà, bà sẵn sàng chịu cảnh khổ cực, thiếu thốn, cái gì ngon cũng dành cho chồng, con. Tôi vẫn nhớ một chuyện, một ngày bà kiếm được hai dúm lạc, bà rang lên, định ăn thử vài hạt trước khi dọn ra cho cả nhà cùng nếm.

Nhưng rồi, bà vừa cười vừa nói với tôi đầy ân hận: "Không hiểu sao mẹ lại ăn hết mất?!". Chút lạc đó bây giờ đáng bao nhiêu đâu, nhưng lúc đó thì đáng giá lắm. Cuộc sống đúng là kỳ diệu.

Thành công của anh hẳn khiến hai cụ thỏa lòng?

Có thể nói, với "Chạy án", tôi đã đền đáp được công ơn của bố mẹ. Cứ mỗi bộ phim do tôi đạo diễn vừa phát sóng, là ông lại gọi điện, khen, chê đủ cả. Tiếc rằng bố đã mất 2 năm trước, còn mẹ tôi giờ cũng yếu dần đi.

Anh có tính nhẫn nại như vậy, chắc rất hiền?

Tôi hiền, nhưng lại cục tính, kiên nhẫn, nhưng khi nổi khùng lên thì rất kiên quyết, bắt mọi người phải thực hiện cho bằng được những đòi hỏi nhiều khi vô lý và quá khó của mình.

Thế nhưng anh em trong đoàn chưa ai tỏ ra phật ý vì anh?

Đó lại là một may mắn nhỏ nhặt khác của tôi. (Cười)

Cám ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện cởi mở này.

Vào nghề từ khi… đang học lớp 8, nhưng đến tận những năm 90, Hồng Sơn mới làm đạo diễn các thước phim tài liệu đầu tiên. Vừa làm, vừa học, nhưng Vũ Hồng Sơn lại gặt hái hết giải thưởng nọ đến giải thưởng kia: Phim tài liệu "Những người đi tìm huyền thoại" đoạt giải tại Liên hoan phim Bỉ (1995), Cánh diều Bạc cho phim "Ranh giới" (2001), 2 giải Cánh diều Vàng cho phim "Chạy án" (2007, 2009)…

Anh tâm sự: "Tôi chẳng còn nhiều thời gian để làm lại, nên phim nào cũng dốc hết sức mình".

Ngọc Lương thực hiện

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.