Đào nương ca trù từ Thụy Điển

Đào nương ca trù từ Thụy Điển
TP - Bất ngờ trong buổi biểu diễn mới nhất của CLB Ca trù Thăng Long, cô gái Thụy Điển với chiều cao mét tám ngồi xếp bằng hát Bắc phản.

Bằng chất giọng sâu lắng, cô trình diễn khá thành công cả hát và phách sau có bốn buổi học với đào nương Phạm Thị Huệ.

Pia Qvanstrom là ca sĩ của ban Ojzaioj (phiên âm của: Ối giời ơi)- chuyên chơi nhạc (truyền thống) Việt Nam tại Thụy Điển.

Pia gặp ca trù khi nào?

Tôi gặp ca trù tại CLB Ca trù Thăng Long vào tháng 11/2007. Tôi bị hạ gục bởi sự biểu đạt thẳng thắn và chân thành của ca trù. Đa số các loại nhạc Việt Nam tôi nghe trước đây mang tính sân khấu.

Gần như là cú sốc đối với tôi khi nghe ca trù với một lối diễn đạt rất khác. Lúc đó, tôi không hiểu nổi âm nhạc ca trù. Với tôi, đàn đáy, trống chầu, phách và giọng hát là những thứ hoàn toàn không liên quan.

Vậy vì sao bạn quyết định học ca trù?

Cô Huệ cho rằng tôi nên thử học một bài ca trù. Tôi nghĩ thế thì quá khó. Nhưng hóa ra dễ hơn nhiều.

Với chèo thì sao?

Đào nương ca trù từ Thụy Điển ảnh 1
Pia hát tại đình Cống Vị tối 6/3 Ảnh: NMH
Tên Pia tiếng Ý nghĩa là người phụ nữ mạnh mẽ. Vừa tốt nghiệp ĐH  tại Học viện Âm nhạc Malmo- Thụy Điển tháng 1/2009, Pia lên đường sang Việt Nam để tiếp tục học chèo và ca trù.

Tôi không nhớ lần đầu nghe chèo như thế nào. Tôi thích tuyến giai điệu và nhịp của các điệu chèo và lối các nhạc cụ hòa vào với nhau.

Tôi đang trong thời kỳ khó khăn với chèo và tôi nghĩ nó rất khó, (chắc) tôi không hát chèo tốt được.

Pia xin học bổng hai tháng học chèo tại Việt Nam chứ không phải ca trù?

Tôi từng hát vài bài chèo từ trước và muốn đào sâu vào thứ mà tôi có chút kiến thức. Ban nhạc của chúng tôi cũng hy vọng có thể thêm những bài mà tôi đang học vào nhạc mục. Chúng tôi không có nhạc công đàn đáy nên tôi không biết diễn ca trù với ai ở Thụy Điển.

Việc Pia học ca trù đạt kết quả trong thời gian rất ngắn có thể suy ra ca trù dễ học thậm chí với người nước ngoài?

Còn tùy vào trước đó bạn làm được gì. Nếu bạn từng chơi và nghe nhiều loại âm nhạc khác nhau, sẽ dễ học hơn.

Cô Huệ và các học viên trong CLB Ca trù Thăng Long đến nhà tôi và dạy tôi. Họ hát một đoạn ngắn và tôi bắt chước. Cô Huệ dạy rất kỹ và không dạy tiếp cho đến khi cô hài lòng với kết quả. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm việc với nhau trong tương lai khi có cơ hội.

Bạn sẽ quay trở lại với nhạc cổ truyền Việt Nam trong một dự án khác?

Tôi chưa biết. Nếu trở lại tôi sẽ cần phải học tiếng. Tôi rất mệt mỏi khi là một người lạ.

Bạn nghĩ sao về tiến trình toàn cầu hóa (trong văn hóa) đang xảy đến?

Nó tích cực trong cái cách mà mọi người trên thế giới có thể trải nghiệm bất cứ loại hình văn hóa nào. Nhưng thực tế đang cho thấy chúng ta chỉ tiếp nhận một vài biểu hiện văn hóa, nghĩa là mọi thứ nghe sẽ na ná nhau trên toàn thế giới.

Ban nhạc Ojzaioj (www.myspace.com/ojzaioj) gồm Esbjorn Wettermark (cũng đang học tại Hà Nội, sáo, kèn bóp), Olof Gothlin (nhị), Hedda Heiskanen (nhị), Helena Jonsson (tranh), Sara Alkeby (đàn bầu), và Pia Qvanstrom (ca sĩ (hát chèo, cải lương), bộ gõ).

Ban nhạc thường biểu diễn trong học viện âm nhạc, thi thoảng ở bên ngoài- như trong các ngày hội văn hóa Việt Nam ở Bắc Âu. Theo Pia, ở Thụy Điển, Âm nhạc Việt Nam chưa phổ biến như âm nhạc Ả Rập hoặc nhạc vùng Balkan.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.