Đào nương chưa tới tuổi trăng tròn

Đào nương chưa tới tuổi trăng tròn
TP - Thu Thảo và Kiều Anh đều là cháu nội của cụ Mùi, được cụ truyền cho nghề ca nương từ năm lên 6 tuổi, để tiếp nối truyền thống của dòng họ từ nhiều đời nay.
Đào nương chưa tới tuổi trăng tròn ảnh 1
Ảnh: Hồng Vĩnh 

Qua điện thoại, nghệ sĩ đàn đáy Nguyễn Văn Khuê, cha của “đào nương” 14 tuổi Nguyễn Thu Thảo thông báo “7h tối cháu Thảo và cháu Kiều Anh mới có nhà”. Thì ra, hai nghệ sĩ nhí của chúng ta phải đi học cả ngày. Hai cô bé đều đang là nữ sinh lớp 7 trường Chu Văn An.

Con ngõ nhỏ nằm khiêm nhường trong phố Thụy Khuê, nơi đại gia đình nghệ nhân hát ca trù Nguyễn Văn Mùi cư ngụ quen thuộc đến nỗi, hỏi thăm bà cụ bán nước chè tít tận đầu ngõ, khách cũng nhận được sự chỉ bảo tận tình chu đáo. Hàng xóm láng giềng đã quen với việc khách ở xa lơ ngơ về hỏi thăm “nhà cụ Mùi hát ca trù”.

Thu Thảo tóc đen dài chấm lưng, gương mặt nhu mì bởi đôi mắt một mí dễ thương. Còn cô em Kiều Anh lại có vẻ sắc sảo, nhanh nhẹn. Hai cô đều rất biết cách diễn trước ống kính chụp ảnh và quay phim của mấy anh phóng viên đài truyền hình, cũng đang có mặt để ghi lại hình ảnh một buổi tập hát của cả gia đình có 7 đời theo nghiệp cầm ca.

Ngồi bên cạnh hai cô bé là nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê, cha của Thu Thảo và nghệ sĩ Thúy Hòa, cô ruột của hai cô bé. Thúy Hòa vốn là học trò cưng của NSND Quách Thị Hồ. Giọng hát của Hòa đã bay xa không chỉ trên khắp các vùng miền Việt Nam mà còn đến với nhiều nước trên thế giới.

Cô là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ hát ca trù của hôm nay mang được tất cả những hồn cốt, khúc thức của loại hình nghệ thuật độc đáo, bác học bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Tôi đã nhiều lần nghe Thu Hòa hát tại Câu lạc bộ Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, và nhiều câu lạc bộ, nhiều sân khấu khác và thường thấy phía sau chị là hai cô cháu gái cùng hòa nhịp trống phách. Thì ra, đó là cách mà người cô muốn truyền nghề cho các cháu trong họ tộc, muốn các cháu của mình dần dần làm quen, tiếp cận với khán giả, rèn một phong thái biểu diễn an nhiên trước khán giả.

Người nghe ca trù thường rất ấn tượng với Thúy Hòa, không chỉ bởi giọng hát thôi miên, mê đắm lòng người của cô mà còn bởi toàn bộ cử chỉ, thần thái, gương mặt, ánh mắt, đôi bàn tay của cô đều toát lên một vẻ rất riêng, vừa mơ màng vừa tỉnh táo. Như thể con người cô sinh ra là để thuộc về thứ nghệ thuật cần đến biết bao sự trang nhã, tinh tế, rất vô tư, tràn đầy mỹ cảm nhưng cũng rất tiết chế xúc cảm trong mỗi điệu hát, nhịp phách này.

Những người hiểu biết về nghệ thuật truyền thống thừa nhận rằng Thúy Hòa đã tiếp cận đến những chuẩn mực của kỹ thuật hát ca trù mà cha ông để lại. Cô là một đại diện xứng đáng cho những nghệ sĩ đã dày công theo đuổi, khổ luyện với nghề.

Thấm nhuần những giá trị tinh hoa, cao quý của nghệ thuật ca trù, với ý thức gìn giữ “vốn liếng” vô giá của dòng tộc, Thúy Hòa dìu dắt hai cô cháu gái với toàn bộ tâm huyết, tình cảm của mình. Thúy Hòa nói: “Gia đình chúng tôi rất mừng vì có hai cháu gái kế nghiệp. Tổ tiên, ông bà, cha chúng tôi đã vượt qua bao khó khăn, thăng trầm để giữ gìn vốn quý của dòng họ”.

Tình cảm của các em dành cho nghệ thuật là một minh chứng quan trọng để nói rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ không là một thứ “xa xỉ” với lớp trẻ nếu chúng ta dạy cho các em biết cái hay, cái đẹp của chính nó.

Rồi Thúy Hòa cúi xuống tiếp tục nắn nót cho hai cô cháu gái cách lấy hơi, nhả chữ sao cho tròn vành rõ chữ, sao cho rung cần, nảy hạt. Hai cô bé mặc áo dài, ngồi xinh xắn, mỗi cử chỉ nhẹ nhàng như sửa sang vạt áo, ánh mắt nhìn vừa hiền dịu, chậm rãi, vừa như thôi miên người nghe... đều thể hiện được sự dạy dỗ công phu của gia đình.

Kiều Anh là em họ của Thu Thảo, nhưng hai cô bé bằng tuổi nhau, mỗi người một vẻ. Cô Thúy Hòa thường yêu mến gọi hai cháu gái là “Thúy Vân, Thúy Kiều”. Khi “Vân, Kiều” cất tiếng “Hồng hồng tuyết tuyết”, lòng khách nghe như chùng xuống, như nhói lên một nỗi niềm hoài cổ sâu nặng. Giọng hát tuy còn non yếu nhưng đã nẩy và rung, tinh tế, chẳng hề lẫn lộn.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê kể về con gái mình: “Khi Thu Thảo lên 4 cháu đã đọc được chính xác các nốt đàn đáy của bố và nắm bắt được rất nhanh các giai điệu. Tôi mừng quá, tin rằng cháu có thiên hướng âm nhạc. Từ đó tôi gieo cho cháu lòng yêu thích, ham mê hiểu biết, khám phá. Tôi dạy cho cháu những kiến thức cơ bản về âm nhạc, giảng giải để cháu thấm nhuần tinh thần của môn nghệ thuật ca trù.

Trong các buổi sinh hoạt gia đình, bố tôi (nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi) thường mời các nghệ sĩ biểu diễn ca trù nổi tiếng đến nhà hát trước bàn thờ tổ tiên, tôi cũng cho cháu tham gia vào. Cháu được sống trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ nên rất khả năng cảm thụ âm nhạc rất tốt”.

Thu Thảo tự hào về dòng họ của mình lắm. Cô bé thuộc lòng lịch sử gia đình và thường “khoe” với bạn bè trong lớp học. Bà cô tổ của dòng họ Nguyễn xưa kia vốn là ca nương tài sắc nổi tiếng Nguyễn Thị Tuyết, người rất được triều đình nhà Nguyễn ưu ái.

Ca nương Nguyễn Thị Tuyết từng được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung đình. Nhà vua ban thưởng cho bà một mảnh đất tại Thái Hà để xây đình Ca Công. Đình này được coi như nhà hát riêng của dòng họ. Giáo phường Thái Hà, vì thế, xưa kia là một nhóm hát danh tiếng nhất của đất kinh kỳ.

Dòng họ “Nguyễn ca trù” mỗi đời đều có những nghệ nhân danh tiếng như Nguyễn Văn Xuân, vô địch đàn đáy Bắc Hà, giọng hát của bà Phán Huy (còn gọi là bà Phẩm, mà những người mê nghệ thuật ca trù đầu thế kỷ 20 đều rất ngưỡng mộ) nổi danh bởi tiếng phách khuôn phép, mẫu mực.

Đặc biệt, cụ Nguyễn Văn Mùi, ông nội của Kiều Anh-Thu Thảo, từng được Bộ Văn hóa-Thông tin phong tặng danh hiệu nghệ nhân ca trù, người được thừa hưởng những bí quyết về đàn, trống, phách, hát trong nghệ thuật ca trù của dòng tộc.

Đào nương chưa tới tuổi trăng tròn ảnh 2
Gia đình nghệ thuật lão nghệ sĩ Nguyễn Văn Mùi

Cụ Mùi là người nặng lòng với nghiệp tổ tiên. Trong gần nửa thế kỷ ca trù gần như bị lãng quên trong đời sống, không có người nghe cũng không có người theo học, cụ Mùi vẫn âm thầm giữ gìn ngọn lửa truyền thống của gia đình để nó không bị lụi tàn với thời gian.

Thu Thảo, Kiều Anh vẫn nhớ những ngày giỗ tổ, ông nội thường rước các nghệ sĩ, những người yêu ca trù đến ngôi nhà hương hỏa của dòng họ để cùng biểu diễn cho con cháu dòng tộc nghe.

Có lúc, cụ Nguyễn Văn Mùi cũng không tin vào sự tồn tại lâu dài của thứ nghệ thuật tinh tế này. Cụ cho các con trai đi học đàn đáy ở nhạc viện, dạy con gái Thúy Hòa các điệu hát cũng chỉ mong sau này vào ngày giỗ của mình, con cháu tề tựu trước ban thờ mà biểu diễn trước vong linh tiên tổ, coi như một nghĩa cử gìn giữ nghiệp cha ông.

Vậy là ngày ngày, ngoài việc đến lớp học văn hóa, Thu Thảo và Kiều Anh tập hát với ông nội, bố và cô Thúy Hòa. Khi được hỏi, học hát ca trù khó nhất là điều gì, Thu Thảo lễ phép: “Em thấy khó nhất là việc hát âm nẩy hạt hay còn gọi là kỹ thuật “đổ con kiến”. Khi hát miệng phải ngậm nhưng âm phải vang”.

Ca trù là một môn nghệ thuật khó. Những kỹ thuật của nó yêu cầu người hát phải có một kiến thức rộng, sâu không chỉ về phần âm nhạc mà cả văn học nữa. Vì lời thơ trong ca trù là một phần đặc biệt, quyến rũ tâm tình của người thưởng thức.

Lời thơ của ca trù thường buồn, là tiếng lòng có khi đau đớn, có khi tha thiết của con người. Lời thơ thường sử dụng chữ Hán, nên các em phải học, tìm hiểu về ý nghĩa của từng điệu ca trù thông qua sự giảng giải của người lớn.

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê luôn khuyến khích con gái học tốt môn văn học để có thể cảm thụ sâu sắc lời thơ khi thể hiện một điệu hát. Một khó khăn nữa với Kiều Anh và Thu Thảo là các em phải học kỹ thuật “đổ phách”. Trong nghệ thuật ca trù, người hát thực sự phải là một “nhạc trưởng”. Có nghĩa là các em phải làm chủ giọng hát, để người đánh trống chầu, đàn đáy có thể theo nhịp nhàng. Và quan trọng là đôi bàn tay phải rất điêu luyện với “phách”.

Người sành ca trù chỉ cần nghe tiếng phách là biết người chơi ở trình độ nào. Tiếng phách phải rất khuôn thước, nhuyễn, độ mạnh, nhẹ tùy thuộc ở từng điệu hát. Học được cho thuần thục những kỹ năng ấy, hai em phải khổ công hàng ngày trong suốt một quá trình dài. Cụ Nguyễn Văn Mùi nhìn hai cháu nội đổ mồ hôi với từng câu hát mà mừng vui khôn xiết. Công sức bao năm giữ gìn ngọn lửa truyền thống của dòng họ của ông nay đã được đền đáp.

Cho đến nay, hai chị em “Thúy Vân, Thúy Kiều” đã học và biểu diễn được nhiều làn điệu ca trù cổ như hát ru, hát giai, xẩm huê tình, gửi thư, hát nói...

Cho đến nay, hai chị em “Thúy Vân, Thúy Kiều” đã học và biểu diễn được nhiều làn điệu ca trù cổ như hát ru, hát giai, xẩm huê tình, gửi thư, hát nói...

Riêng cô em Kiều Anh có đôi mắt to tròn, sắc sảo thì nói thêm: “Hát ca trù, dáng ngồi cũng rất quan trọng đấy ạ. Ông nội em thường nói, chỉ cần nhìn cách ngồi của người hát là biết được học ở đẳng cấp nào…”.

Riêng cô em Kiều Anh có đôi mắt to tròn, sắc sảo thì nói thêm: “Hát ca trù, dáng ngồi cũng rất quan trọng đấy ạ. Ông nội em thường nói, chỉ cần nhìn cách ngồi của người hát là biết được học ở đẳng cấp nào. Học ngồi cũng là một kỹ năng khó”.

Trong ca trù, thế ngồi cũng là nghệ thuật. Người ngồi hát phải có dáng vẻ như Phật ngồi tòa sen, rất an nhiên, thư thái, dồn toàn bộ tâm lực vào trong để nén hơi, nhả chữ. Dáng ngồi đẹp là phải rất thoải mái, an nhiên, tự tại, dường như không vướng bận việc đời, và có thể “thôi miên” được người nghe.

Nhìn hai cô bé đang cố gắng thể hiện chính xác những truyền dạy của cô Thúy Hòa, rằng, phải kết hợp cho tốt giọng hát và giọng phách, hát làm sao phải nảy hạt, âm ư, khẩu hình đóng và mở linh hoạt để lời hát vang xa, thể hiện đúng tâm trạng của bài hát... khách đến thăm câu lạc bộ Thái Hà đều rất xúc động.

Những cô bé, cậu bé tuổi 13, 14 như Thu Thảo, Kiều Anh hôm nay thường mê nhạc hip- hop, thích chơi game và lướt trên net. Ca trù một khi còn xa lạ với người lớn thì sự hờ hững của các em là điều dễ hiểu. Kiều Anh hồn nhiên kể: “Ở lớp thỉnh thoảng em cũng hát cho các bạn nghe. Các bạn khen em hát hay nhưng lại bảo không thích nghe ca trù”.

Nhưng hai cô bé không cảm thấy “ngậm ngùi” về điều đó, vì ông nội thường bảo: “Ca trù là nghệ thuật sang trọng, bác học. Người ta sẽ không thể nào thấy hay nếu không thực sự hiểu về nó”.

May mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ngay từ tấm bé, các em đã được sống trong bầu không khí thẫm đẫm âm nhạc, nghe tiếng trống, phách và tiếng hát của ông, cha mình. Và tình yêu với nghệ thuật cũng từ đó mà sinh sôi, nảy nở.

Gần 10 năm học hát, cần cù như con ong mỗi ngày, để nhặt nhạnh những tinh hoa từ vốn cổ của dòng tộc, Thu Thảo, Kiều Anh đã thấm nỗi nhọc nhằn và vinh quang của nghề hát. Mỗi tuần, câu lạc bộ gia đình Thái Hà của cụ Nguyễn Văn Mùi thường biểu diễn vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật cho khách quốc tế và người yêu ca trù tới thưởng thức.

Lo lắng xong việc học ở trường, hai cô bé lại soạn sửa khăn áo theo cô Thúy Hòa, bố Nguyễn Văn Khuê, chú Nguyễn Văn Tiến, ngồi biểu diễn trước khán giả. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Khuê có cách dạy con rất đặc biệt.

Anh nhớ, nhiều lần Thu Thảo chán nản vì học hát quá khó, phải kiên trì với từng lời, từng chữ. Những lúc như vậy anh để con thư giãn, rồi tỉ tê kể cho con nghe những câu chuyện, những tấm gương trong lao động nghệ thuật của ông bà ngày xưa và giải thích cho con cái đẹp của âm nhạc, của ca trù. Anh muốn con gái phải học kỹ càng, bài bản và vô tư với nghề.

Anh thường giáo dục con, học hát không phải chỉ là để có một nghề như bao người khác, mà âm nhạc cần phải trở thành một thứ máu thịt, là điều gì đó tất yếu trong cuộc đời. Mỗi lời hát phải chở nặng tình cảm của người hát.

Thu Thảo và Kiều Anh thích nhất những lần được đi biểu diễn xa nhà cùng với ông và cô, được chụp ảnh với Giáo sư Trần Văn Khê, được gặp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác. Dịp Tết, truyền hình phát chương trình về Thu Thảo hát ca trù cùng với ông nội, ra đường bao nhiêu người nhận ra cô “đào nương nhí”.

Các em là những mầm cây non đang được chăm chút trong vòng tay của những người thân yêu. Tình cảm của các em dành cho nghệ thuật là một minh chứng quan trọng để nói rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ không là một thứ “xa xỉ” với lớp trẻ nếu chúng ta dạy cho các em biết cái hay, cái đẹp của chính nó.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng rất công bằng khi đánh giá rằng, chúng ta không được đổ lỗi cho tuổi trẻ nếu họ không mặn mà với văn hóa truyền thống. Nếu các em chỉ mê nhạc hip-hop và chơi game thì đó không phải là một tội lỗi. Điều quan trọng là người lớn đã làm gì để chỉ ra cho con cháu mình thấm nhuần sự lấp lánh của những tinh hoa truyền thống mà bao đời cha ông cất giữ? 

Giáo dục văn hóa truyền thống cho các em phải được lưu tâm ngay từ tấm bé. Ở trường, các em phải được dạy về văn hóa truyền thống của dân tộc, để khơi gợi tình yêu cũng như lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Một khi việc này chưa được chú trọng, thì các bạn cùng lớp của Kiều Anh, Thu Thảo nói rằng họ không thích nghe ca trù chẳng có gì là lạ lùng.

Thúy Hòa nhìn hai cô cháu gái miệt mài gõ phách và tập luyện khẩu hình. Dường như chị cảm thấy tuổi trẻ của mình đang quay trở lại. Và người viết thì cảm nhận một điều rằng, chính là những con người giản dị trong những nếp nhà đạm bạc đã gìn giữ, nuôi nấng ngọn lửa của loại hình nghệ thuật truyền thống quý báu này, băng qua thời gian, băng qua những biến đổi của thời cuộc, những thăng trầm của đời người để truyền lại cho những thế hệ tương lai.

Khi GS Trần Văn Khê rắp tâm tạo nên một “quả bom” tại diễn đàn UNESCO bằng cách giới thiệu bộ đĩa ghi âm giọng hát của NSND Quách Thị Hồ cuối những năm 80 (thế kỷ 20), ca trù Việt Nam ngay lập tức đã làm phương Tây ngạc nhiên, sửng sốt.  Đã có nhiều người nước ngoài tới Việt Nam tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đặc biệt này, trong đó có cả những người làm luận án tiến sĩ âm nhạc.

Những nghệ sĩ trẻ như Thu Thảo, Kiều Anh chính là những người kế cận xứng đáng, để ca trù vẫn còn giữ được vẹn nguyên vẻ đẹp sang trọng, quý phái, mẫu mực cho các thế hệ hôm nay và mai sau cùng thưởng thức.

MỚI - NÓNG