Đạo tràng Phật giáo đón khách

Đạo tràng Phật giáo đón khách
TP - Hôm nay, khai hội Chùa Hương, khách di chuyển bằng thuyền dọc suối Yến đến bến Đục một màu xanh ngắt trong nắng xuân hanh vàng ấm áp.
Đạo tràng Phật giáo đón khách ảnh 1
Tại bến Đục (Chùa Hương) chiều mùng năm Tết. Ảnh: Phạm Yên

Trước ngày khai hội, du khách thập phương đã đổ về khá đông. Từ đầu suối Yến, hàng nghìn thuyền tấp nập đưa đón du khách nhanh chóng, thuận tiện. Theo quan sát của Tiền Phong, lễ hội năm nay du khách ít bị cò mồi và người bán hàng chèo kéo

Càng vào bến Trò, từ suối Yến đến bến Đục nước càng mát. Thảnh thơi tận hưởng bầu không khí trong lành trên đường hành hương cõi Phật.

Anh Nguyễn Quang Vinh, sau khi trả hai phòng khám mắt tư nhân trên phố Bà Triệu và Bùi Thị Xuân, Hà Nội, vào làm công đức tại chùa Hương từ mồng bốn Tết. Anh Vinh là đệ tử của thầy Thích Minh Hiền, phụ trách phòng y tế tại Thiên Trù.

Phòng này phục vụ sư sãi, những người chấp tác trong chùa, đồng thời cấp thuốc và sơ cứu cho khách thập phương. Anh Vinh sẽ làm công đức đến hết mùa lễ hội.

Chị chèo đò tên Hương nói, từ ngày khai hội, thuyền chỉ chở khách đúng quy định và chở tối đa mỗi chuyến năm người. Chị Hương dự tính, với tốc độ và khoảng thời gian chở khách, chị chở tối đa ba chuyến mỗi ngày. Như vậy, có thể khách phải đợi thuyền trong ngày khai hội.

Công an Huyện Mỹ Đức xây dựng kế hoạch phối hợp các lực lượng bảo vệ lễ hội khá chu đáo với các nội dung như kiểm tra, quản lí chặt vé thắng cảnh, nghiêm cấm xe công nông, xe lam, đò máy động cơ tự chế chở khách trên các tuyến...

Ban tổ chức lễ hội cùng các nhà chùa trong khu vực như chùa Hương, Tuyết Sơn, Long Vân chuẩn bị tốt hạ tầng cơ sở, đường đi lối lại chắc chắn, phong quang hơn. Tăng ni cho nạo vét lòng suối trước chùa Long Vân xây cầu và bến Long Vân.

Các tuyến Tuyết Sơn, Long Vân, Thanh Sơn ngày xưa sậm sùi bây giờ ngang ngửa bến Trò. Với Thiên Trù, Triều Sơn lộ đã hoàn thành. Đường từ Thiên Trù lên Tiên Sơn, Giải Oan được kê kè lại, đoạn Quan Âm kiều đến động Hương Tích đã làm xong.

Càng là đại danh lam càng phải làm tốt

Đạo tràng Phật giáo đón khách ảnh 2
Suối Yến. Ảnh chụp chiều qua, mồng 5 Tết.  Ảnh: Phạm Yên

Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, cơ sở vật chất được chuẩn bị từ sớm cho mùa lễ Kỷ Sửu. “Nét mới nhất của mùa lễ hội năm nay là vẫn như mọi năm, tức là tính ổn định của sự kiện vẫn duy trì. Nền văn hóa của Phật giáo là luôn duy trì theo truyền thống”.

Lễ hội dài nhất, rộng nhất (trên 18 điểm trong khu vực 18 ha rừng và đất liền) và lượng người trảy hội đông nhất Việt Nam. Vào ngày cao điểm, lượng khách hành hương lên tới 5,5 vạn.

Năm ngoái, tổng số du khách thăm chùa Hương là hơn 11 triệu người, trong đó khách ngoại quốc chiếm 32 vạn. Du khách tập trung đông vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.

“Nếu không có đạo lực, chúng tôi dễ quỵ lắm. Tất cả đều quá tải” - Lời thầy Thích Minh Hiền.

Tham gia phục vụ ngày khai hội chùa Hương có 120 tăng ni, phật tử. Ngoài ra, có học sinh của trường Trí Đức và trường Chu Văn An vào chấp tác.

Đạo tràng Phật giáo đón khách ảnh 3
Công an xử lý một trường hợp vi phạm của lái đò

Ngoài lễ giỗ Tổ 12 tháng Giêng sẽ có đêm Khánh đản tổ chức từ 18h00 ngày 18 tháng hai đến 4 giờ 00 sáng 19 tháng hai âm lịch. Đêm Khánh đản diễn ra tại ba địa điểm: Sân Thiên Trù, suối Yến, động Hương Tích.

Tại sân Thiên Trù có chương trình giới thiệu đĩa DVD “Hương Sơn Ca” do Thượng tọa Thích Minh Hiền thực hiện gồm các ca khúc của Hoàng Quý, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Anh Quân... dùng tặng tăng ni, phật tử. 

Đêm nhạc có sự hiện diện của ca sĩ Mỹ Linh, Minh Anh, Minh Ánh, nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn. Những ca khúc thiền vang lên giữa bầu trời đầy màu sắc của 19 ngọn thiên đăng.

Tại suối Yến sẽ thả 2009 hoa đăng. Tại động Hương Tích từ 0 giờ 00 đến 4 giờ 00 sáng diễn ra lễ Ngũ Bách Danh, thắp sáng 2009 ngọn nến. Theo chức sắc chùa Hương, đêm Khánh đản là điểm nhấn mùa lễ hội.

Những va động của mùa lễ hội có ảnh hưởng tính thâm nghiêm của chốn đạo tràng Phật giáo Việt Nam?

Trả lời Tiền Phong, Thượng tọa Thích Minh Hiền nói: Với nhà chùa, tĩnh hay động đều không lọt. Sinh hoạt chốn thiền môn vẫn đều đặn. Vạn sự như lôi/Nhất tâm thiên định mà. Chỉ vất vả hơn chút ít để phục vụ bà con đi lại, lễ bái. Càng là đại danh lam, mình càng phải làm tốt hơn. Có như thế mới thấy được sức lớn của một ngôi chùa qua 600 năm từ thuở khai sơn phá thạch, tiến lập đạo tràng.

Phật tử ít tuổi nhất

Đạo tràng Phật giáo đón khách ảnh 4
Trong động Hương Tích. Ảnh: Phạm Yên
Nguyễn Thu Hiền, hiệu Tiểu Tịnh Tuệ, sinh năm 1997, học lớp 6 trường THCS Chu Văn An Hà Nội, hiện là phật tử tại chùa Thiên Trù. Tịnh Tuệ cho biết: “Em và chị gái Nguyễn Thu Giang, hiệu Diệu Nhu cùng theo mẹ vào chùa từ 30 Tết để phục vụ ngày khai hội. Công việc của các phật tử nhỏ tuổi là viết công đức, thu dọn công đức của khách thập phương đi lễ...

Phạm Gia Tùng, SN 1995, pháp danh Quảng Trí nói, điểm khác của một phật tử với các bạn đồng trang lứa không nhiều lắm. Lúc ở nhà, Tùng ăn chay vào những ngày Rằm mồng Một, tự đọc nhiều kinh sách để hiểu đạo Phật. Lúc ở chùa, tuân thủ năm điều dạy của nhà Phật là không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không rượu chè. Bố

Tùng cho biết, từ bé bố mẹ cho con vào chùa, kể cho con nghe những câu chuyện hướng thiện. Con trai ông ngộ ra triết lý nhà Phật dần như thế.

Nguyễn Thu Giang, hiệu Diệu Nhu lại tâm đắc với thuyết nhân quả ba đời của kinh Phật. Giang sớm được mẹ dạy bảo thuyết nhân quả nên mỗi ngày em đều đọc kinh sách để ngộ đạo.

MỚI - NÓNG