Đất nước đứng lên - tác giả nhạc kịch xin lỗi tác giả tiểu thuyết

Đất nước đứng lên - tác giả nhạc kịch xin lỗi tác giả tiểu thuyết
Tác giả nhạc kịch Đất nước đứng lên - Nhạc sĩ An Thuyên đã nhận khuyết điểm với nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả tiểu thuyết về việc chưa "có lời" khi sử dụng tác phẩm của nhà văn.
Đất nước đứng lên - tác giả nhạc kịch xin lỗi tác giả tiểu thuyết ảnh 1

Nhạc sĩ An Thuyên. Ảnh: Phú Cương

Tối nay 17/8, để chào mừng ĐH Hội Nhạc sĩ VN, ca kịch Đất nước đứng lên của An Thuyên, dựa theo tiểu thuyết của Nguyên Ngọc, tập thể học sinh CĐ NTQĐ thể hiện sẽ ra mắt tại Nhà hát Lớn HN.

Tới đây, vở diễn sẽ có mặt tại Tây Nguyên (có truyền hình trực tiếp) nhân kỷ niệm cách mạng tháng Tám và 2/9…

Vấn đề là trong quá trình sáng tác, nhạc sĩ An Thuyên chưa kịp “có lời” với tác giả tiểu thuyết.

Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định nhạc kịch Đất nước đứng lên đã vi phạm tác quyền. Anh có ý kiến gì về chuyện này?

Nhạc sĩ An Thuyên: Thực ra, khi bắt đầu chuẩn bị viết, tôi đã tìm bác Ngọc, để thứ nhất là hỏi ý kiến bác, thứ hai là có ý xin phép. Nhưng hai lần tôi đến, bác đều đi vắng cả.

Đến không gặp được thì cứ nghĩ đơn giản, thôi thì giống như ngày xưa tôi đã từng viết Trương Chi theo cốt truyện dân gian, dựng xong rồi, thì mình báo cáo, mời những người có trách nhiệm đến xem, rồi cùng trao đổi.

Mà nói thật trong tâm lý, khi phổ thơ ai chẳng hạn, thì có lẽ cũng phải phổ xong thấy thích thì mình mới báo cho người ta, cùng chia sẻ, góp ý, trao đổi với nhau để tác phẩm tốt hơn.

Tâm lý sáng tác của tôi là thế, muốn làm để nhìn thấy tạm tạm được, vì tác phẩm sau khi dàn dựng xong nó là 1 - 2 tiếng đồng hồ chứ không phải một ca khúc chóng vánh. Thành ra… thôi, bác bận thì để xin phép sau.

Sau đó có một lần gặp được bác gái trên điện thoại, thì bác gái bảo bác vẫn ở Quảng Nam. Lúc đó bắt đầu chạy mộc tác phẩm muốn mời bác đến xem, hỏi ý kiến bác luôn.

Gọi điện, cách đây 10 ngày, trực tiếp nói chuyện thì bác có trách. Tôi nói, thôi bây giờ bác là đàn anh, bọn em có gì sơ suất thì bác bỏ quá cho. Nói thật nếu đó là cái lỗi thì em xin nhận lỗi với bác. Chuyện dừng đến đó thì không ngờ có bài báo như thế này.

Mà tôi có quan điểm phục vụ chính trị, hoàn toàn không kinh doanh. Nếu tôi tái bản tác phẩm đó bằng sách thì lại là chuyện khác. Mà đây là tôi dựa trên tinh thần tác phẩm của bác Nguyên Ngọc, tạo cảm xúc cho mình và mình làm ra một thể loại mới hoàn toàn trên tinh thần tôn vinh thành tựu văn nghệ cách mạng.

Và mình thật sự kính trọng tác phẩm đó và nhà văn Nguyên Ngọc… Mà thế hệ chúng tôi thì cũng là người rất tử tế..

Vở diễn đã được dàn dựng hàng tháng nhưng nhà văn Nguyên Ngọc chỉ được biết qua báo chí...

Thực ra viết bắt đầu từ tháng Tư, thì tháng Ba là tôi đã đi tìm ông (Nguyên Ngọc – PV) rồi, tìm nhưng cũng khó gặp. Khi mình thu xếp được việc thì ông lại không có nhà, mà có ông ở nhà thì mình lại không xếp được việc…

Tin mới nhận: Nhạc sĩ An Thuyên cho biết đã gặp được nhà văn Nguyên Ngọc sáng 16/8 tại Đà Nẵng.

Nhạc sĩ đã nhận khuyết điểm và nhà văn đã cười vui vẻ cho qua.

Nhà văn định tặng bà con làng Kông Hoa (cũ) 100% tiền tác quyền, nhưng nhạc sĩ đã thuyết phục nhà văn giữ lại 50% về... tặng bác gái.

Nói thật, người nghệ sĩ khi mà cảm xúc rồi thì muốn dành toàn bộ trí tuệ vào đấy và khi bắt đầu cảm giác được được thì mới báo cho nhau...

Năm kia tôi làm một tổ khúc ballet dựa trên 5 bài thơ trong Nhật ký trong tù, là tác phẩm văn học đã công bố, mình ghi rõ Bài ca người cộng sản, tổ khúc múa ballet, dựa theo 5 bài thơ của Bác Hồ…

Về bản quyền thì, từ khi báo cáo cấp trên dự kiến làm vở thì cũng nói ngay tác phẩm nhạc kịch này sẽ dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyên Ngọc. Và cho đến bây giờ, đã nói đến nhạc kịch này thì tác giả Nguyên Ngọc vẫn là người đứng đầu tiên.

Còn về tiền tác quyền, thì đã có chế độ Nhà nước, cũng phải đợi công diễn xong, bắt đầu duyệt chi thì các chế độ đảm bảo cho các tác giả hết.

Sau bài báo anh đã liên hệ với nhà văn Nguyên Ngọc chưa?

Trưa 15/8, tôi mới đọc bài báo, buổi chiều chuẩn bị họp báo ĐH Nhạc sĩ thì lại phải sang Hội làm việc… Mà thôi cũng chả phải liên hệ, có khi phải gặp nhau, nói chuyện. Tôi nghĩ cũng không có vấn đề gì lớn lao, đối với bác Nguyên Ngọc thì khi nào mình cũng kính trọng.

Anh có dự định bao giờ sẽ công diễn Đất nước đứng lên rộng rãi (có bán vé)?

Vở diễn phục vụ chính trị hoàn toàn... Tổng cục Chính trị chọn Đất nước đứng lên đi phục vụ đồng bào Tây Nguyên và nói rõ là khi tác phẩm này được đồng bào Tây Nguyên chấp nhận thì mới là thành công.

Dự định sẽ xuống bản anh hùng Núp diễn trích đoạn vở này cho bà con. Và toàn bộ ê-kíp làm vở sẽ trích nhuận bút của mình (sau khi trừ % cho tác giả tiểu thuyết) để đóng góp xây dựng quê hương anh hùng Núp.

Động cơ của tôi là mình yêu tác phẩm văn học, yêu văn hóa Tây Nguyên, yêu những người con Tây Nguyên bây giờ vẫn đầy gian khó nhưng họ đầy niềm tin…

Nói thật, tôi viết cái này đúng một tháng không đêm nào ngủ trước 5 giờ rưỡi cả. Nói chung, sau khi bài báo ra, tôi chỉ hơi chạnh buồn một chút thôi, chắc là bác Nguyên Ngọc chưa hiểu chứ, nếu mà hiểu An Thuyên đã lao động như thế nào vì sự tôn vinh, vì sự trân trọng tác phẩm của bác…

Có hôm ngồi từ 10h tối đến 9h sáng hôm sau. Có lẽ trời cho cái sức khỏe chứ nói thật, nhiều người ở trường lo lắng. Về tình cảm thì phải giải quyết tình cảm. Tôi nghĩ có lẽ không đến nỗi gay cấn lắm. 

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.