Đất phương Nam "cất" câu quan họ

Những làn điệu quan họ được thể hiện trên đất Nam
Những làn điệu quan họ được thể hiện trên đất Nam
TP - Làn điệu quan họ mượt mà, thấm tình quê hương được thể hiện ngay trên vùng đất phương Nam bởi các liền anh, liền chị trong câu lạc bộ (CLB) quan họ Bắc Ninh tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Khó khăn có nhưng các thành viên vẫn nhiệt tình, hào hứng tham gia biểu diễn ở bất cứ đâu. Ông Nguyễn Hữu Sào (quê Bắc Ninh, người sáng lập CLB) cho biết, mỗi lần họp hội đồng hương chương trình đơn thuần như những hội đồng hương khác.

“Muốn làm cho mình khác biệt thì phải có đột phá, mà nói đến Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang) là phải có cái gì đó riêng, đó là hát quan họ. Là người con xa xứ, năm 1997 tôi và các anh chị em muốn giữ lại hồn quê nên thành lập nên CLB”.

Ông Sào cho biết, ngày mới thành lập, CLB chỉ vẻn vẹn 10 người thời gian ngắn sau đã thu hút được nhiều người tham gia, đến nay trên 30 người.

Bà Nguyễn Thị Vấn (62 tuổi, làm tại Cty sữa Đồng Nai) nói: “Tuy tuổi cao rồi nhưng mỗi khi được đi hát thì mệt mỏi trong người như tan biến hết”. Nhiều người miền Nam chưa biết nhiều về dân ca quan họ Bắc Ninh nên bà muốn mang giọng hát của mình đến với mọi người.

Theo bà Vấn, thường các liền anh, liền chị đã “chơi một canh quan họ” thì phải chơi thâu đêm suốt sáng. Mỗi đêm chơi đều có ba phần rõ ràng: Phần đầu chỉ có các anh Hai, chị Hai mới có khả năng thể hiện vì những bài hát ở phần này đòi hỏi kĩ thuật cao và độ nhuần nhuyễn. Tiếp theo là phần “hát vặt” tức là hát tự do và hát giã bạn là phần cuối cùng. Ở hai phần cuối mọi người cùng hát chung với nhau bằng những làn điệu dân ca đượm tình.

Không phải con của vùng đất Kinh Bắc nhưng bị những làn điệu mượt mà hút hồn, nhưng ông Chu Đức Thắng (63 tuổi, quê Nam Định) không thể hát ngay được vì hát quan họ rất khó.

Khi biết CLB được thành lập, ông tham gia ngay nhưng phải mất ba năm khổ luyện mới hát được nhuần nhuyễn một số bài. “Nhớ lại thời gian mới tham gia tập hát rất khó khăn, cách phát âm, làm sao cho giọng hát tròn trĩnh đối với mình là một thử thách lớn vì không phải là người gốc quan họ. Giờ mà bắt tôi bỏ hát quan họ thì khó lắm, từ ngày tham gia CLB đến nay hầu như tôi chưa nghỉ bất cứ một buổi tập hay biểu diễn nào”, ông nói.

Gìn giữ hồn quê

Ông Nguyễn Hữu Sào nhớ lại, ban đầu CLB còn nhiều khó khăn, nhiều người muốn hát nhưng ngại ngần không tham gia. Lần hội họp sau, ông quyết định mời các CLB khác đến hát.

“Lần đầu mời nơi khác đến hát như đánh vào tâm lí của các thành viên, không khí sôi nổi hơn hẳn những kì trước. Lần tiếp tôi mời CLB khác tới hát thì các thành viên không đồng ý nữa, mọi người hứng khởi hát với nhau”.

Đất phương Nam "cất" câu quan họ ảnh 1

Bốn thành viên nhí của CLB đạt được nhiều thành tích ở các cuộc thi của tỉnh

Để phát triển hoạt động của CLB, ông Sào phải liên hệ với những người ở ngoài Bắc Ninh để mua quần áo, trang phục cho các thành viên. Ông cho rằng trang phục hát quan họ phải đặt đúng miền quan họ thì mới chuẩn và đẹp. Trong này người ta cũng có thể may được nhưng không đúng ý của mình.

Hiện tại CLB còn nhiều khó khăn về thời gian, khoảng cách đặc biệt là kinh phí nhưng các thành viên vẫn nhiệt tình tham gia, sẵn sàng đi bất cứ nơi nào nếu được đề nghị. “Chúng tôi sẵn sàng đi hát khắp nơi, ở trong làng trong xã hay bất cứ địa phương nào nếu có yêu cầu là các thành viên lại hào hứng tham gia cho dù tự bỏ tiền túi, tự lo xe cộ để đi…” - bà Vấn nói.

Ông Phạm Văn Đức (Trung tâm văn hóa thông tin huyện Long Thành) cho biết: “CLB đã tham gia tất cả các hoạt động văn hóa, chính trị của địa phương rất tích cực. Trung tâm sẽ tạo điều kiện tốt nhất về không gian cũng như cố gắng hỗ trợ về tài chính để CLB có thể hoạt động tốt. Trong thời gian tới sẽ có phương án phối hợp cùng các thành viên sản xuất đĩa nhạc cho CLB”.

Theo bà Vấn, hát quan họ khó nhất là phải vang - rền - nền - nẩy, lấy hơi, nhả phải tròn, rõ chữ. Làm sao để giọng hát được phát ra như hạt kê, hạt vừng tuy nhỏ nhưng vẫn nguyên hạt, tròn trĩnh.

Các cụ có câu, nghề quan họ có tinh mới tường. “Rền” là phải như chiếc bánh chưng nén. Nghĩa là giọng hát phải liền nhau, luyến láy đi vào lòng người. Còn “nẩy” là phải mềm mại, nhỏ li ti nhưng lại phải nhuần nhuyễn.

MỚI - NÓNG