Năm cách đặt tên

Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân

Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân
TP -  Phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Đặt, Đổi tên Đường phố Hà Nội.
Đặt tên đường phố Hà Nội: Khó nhất là tên danh nhân ảnh 1
Phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Được biết, về chuyên môn, chị là tiến sĩ về khảo cổ học. Luận án của chị nghiên cứu về bộ vũ khí cổ thời Lê. Sau đó làm Trưởng Ban Quản lý Di tích Hỏa Lò. Toàn chuyện súng ống đạn dược. Vậy cơ duyên nào khiến chị gắn bó và say mê với việc nghiên cứu các dữ liệu khoa học phục vụ cho việc đặt tên đường phố Hà Nội hơn 20 năm qua.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dơn: Tên đường phố cũng là một loại hình bảo tàng đặc biệt, không nằm trong tủ kính, mà gắn trên đường phố. Nó chỉ cho người đi đường biết mình đang ở phố nào. Tìm hiểu nó sẽ dẫn ta đến những trang lịch sử văn hóa vô cùng thú vị.

Theo chị, vì sao đặt tên đường phố còn gây tranh cãi?

Bất cập và tranh cãi là không tránh khỏi, bởi những biến thiên, thăng trầm xã hội. Nhận thức cũng có tính lịch sử, cũng là một quá trình.

Tranh cãi để làm sáng tỏ một giai đoạn lịch sử, một sự kiện, một nhân vật, một địa danh lịch sử, thậm chí một câu nói, một câu thơ lịch sử lâu nay vẫn xảy ra, và chắc còn xảy ra.

Một thực tế nữa là việc đặt tên đường phố thường diễn ra sau khi đường phố có khá lâu. Ban đầu, có đường do dân tự đặt, gọi mãi thành quen. Ở Hà Nội sau hòa bình (1954), có khu lao động còn dùng tên mấy anh hùng quân đội đang sống khỏe mạnh (La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên) đặt tên cho đường phố mình ở đấy thôi. Sau này ta phải đổi lại.

Từ năm 1954, Hà Nội 26 lần tổ chức đặt tên đường phố mới

Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam việc đặt tên đường phố không theo trật tự nào cả, giống như một trận đồ bát quái. Các đường phố cứ hòa quyện vào nhau như một bát bún thang.

Hà Nội cũng có những cụm tên đường phố như các phố mang tên Hàng trong khu phố cổ, đường Lạc Long Quân (cha) giao nhau với đường Âu Cơ (mẹ) ở quận Tây Hồ. Phố mang tên ông tổ tuồng Đào Tấn gặp phố Nguyễn Văn Ngọc. Phố Nguyễn Văn Ngọc thông sang phố Phan Kế Bính đều là các danh nhân văn hoá.

Sau năm 1954, khu  vực ven sông Hồng phía Hà Nội trở thành nơi gặp gỡ của nhiều địa danh ghi chiến tích chống Nguyên, Mông của thời Trần như Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Tây Kết, và nhiều vị danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, v.v.

Khu vực sân bay Bạch Mai cũ có một cụm tên đường, phố dành cho một loạt tướng lĩnh, anh hùng liệt sĩ thời đại Hồ Chí Minh như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, v.v.

Mạn phía bắc đường Trường Chinh có một cụm tên đường dành cho các danh nhân ngành y như Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Trí, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Tước, v.v. Phía bắc mạn Hồ Tây có một cụm tên các danh nhân là văn nghệ sĩ như Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu, v.v.

Từ năm 1986 Bảo tàng Hà Nội được Sở Văn hoá&Thông tin Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ đặt tên đường phố mới, trình HĐND - UBND thành phố xét duyệt hằng  năm. Đến 1998, Sở thành lập một tổ công tác do Giám đốc Sở trực tiếp chỉ đạo.

Hà Nội từ năm 1954 đến nay thay đổi đến bảy lần quy hoạch, có 26 lần tổ chức đặt tên mới và điều chỉnh độ dài các đường phố 

Đúng là còn có một thực tế khác là, khi phải tìm đường, phố hoặc số nhà ở các đô thị lớn của ta thì rất vất vả. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như một số đô thị lớn khác, quy hoạch chưa bền vững, tốc độ đô thị hóa nhanh, vì thế tên đường phố cũng bị động theo, hơn nữa việc tuyên truyền cập nhật thông tin còn chậm. Tình trạng “nhà không số, phố không tên” hoặc có số nhưng lộn xộn, tùy tiện.

Nếu xây dựng quy hoạch các đô thị mới của Hà Nội có sự phối hợp liên ngành, từ quy hoạch phát triển mở rộng  đô thị, đến quy hoạch giao thông, quy hoạch kiến trúc, kể cả việc đặt tên đường phố cũng có quy hoạch đồng bộ thì không  thể có chuyện “trận đồ bát quái” như vậy.

Đằng này, Hà Nội của ta từ năm 1954 đến nay thay đổi đến bảy lần quy hoạch, có 26 lần tổ chức đặt tên mới và điều chỉnh độ dài các đường phố. Thăng Long – Kẻ Chợ ban đầu chỉ có 36 phố, phường (con số 36 chỉ là ước lệ, cũng như trên rừng có 36 thứ chim, mưu lược có 36 chước, 36 kiểu cười).

Tên phố ban đầu chỉ là tên mặt hàng của nghề thủ công cổ truyền được bày bán ở đó để thuận tiện cho việc giao thương. Đến giờ, nói chung, ta vẫn giữ nguyên để bảo tồn những tên phố mang tên nghề cổ truyền một thời Kinh kỳ Thăng Long, dù Hàng Rươi không còn bán rươi.

Cũng chẳng còn ai mang quần áo đi nhuộm nhưng vẫn còn phố Thợ Nhuộm mà đúng ra phải gọi là Hàng Bông - Thợ Nhuộm để phân biệt với Hàng Bông Đệm, Hàng Bông Lờ.

Khi người Pháp chiếm Hà Nội, họ quy hoạch, xây dựng, mở mang, nên đặt tên phố tên đường, cả đại lộ bằng tên các viên quan toàn quyền, tướng lĩnh của họ. Tiếp quản thủ đô, dĩ nhiên ta phải đặt lại theo quan niệm của ta, thế là tên đường phố lại nhiều xáo trộn, đổi thay.

Năm 1975, sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nhất là trong mươi năm trở lại đây, chúng ta nhìn lại, suy nghĩ thấu đáo hơn, khách quan hơn về một số nhân vật lịch sử của các thời kỳ trước.

Vừa qua Hà Nội mới có thêm một số đường phố mang tên các danh nhân như Trần Thủ Độ, Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi, v.v. Có thể, không phải tất cả các trường hợp thay đổi đều được công luận đồng thuận.

Đến giờ, mọi người vẫn cứ tiếc tên một số đường cũ. Chẳng hạn, cùng với phố Huế tạo nên ý nghĩa Bắc – Trung - Nam là con một cha, nhà một nóc. Cũng như TP Hồ Chí Minh có xa lộ Hà Nội, TP Huế có đường Hà Nội, Đống Đa; Đà Nẵng có đường Hải Phòng, v.v.

Tôi nghĩ, có thể trong tương lai một số địa danh, danh nhân, danh lam thắng cảnh của cả nước, phải có mặt ở Thủ đô như Nam Bộ, Lam Sơn (Thanh Hóa), Côn Sơn (Hải Dương), Mỹ Sơn (Quảng Nam), v.v.

Chị làm tôi nhớ đến tên một danh nhân miền Nam, đã có mặt ở thủ đô mà tôi có một phần can dự. Tôi biết rất rõ đấy không phải là một danh tướng lẫy lừng trận mạc. Nhưng ở nhà thơ một bài này (tuy ông còn rất nhiều bài khác) có một bài thơ cả nước biết đến, trong ấy, có một câu thơ cả nước thuộc lòng. Cứ như ông đã nói hộ tình cảm của cả đồng bào miền Nam với miền Bắc, với Thăng Long - Hà Nội: “Từ thủa mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Chính vì thế khi biết tên Huỳnh Văn Nghệ nằm trong danh sách đặt tên cho một đường phố thủ đô, tôi đã viết hai bài đăng báo của Hà Nội. Năm sau, HĐND Thành phố thông qua. May quá. Nãy giờ, chị có nói nhận thức lịch sử là một quá trình. Đây là một ví dụ chăng? Bên cạnh tên danh nhân, ở nhiều nước, tôi thấy người ta đặt tên đường toàn bằng chữ số. Ý chị thế nào?

Tôi nghĩ ta vẫn phải duy trì cả hai cách truyền thống và hiện đại mà nhiều nước đã sử dụng. Trước mắt, tôi nghĩ, các khu đô thị mới xây dựng, các khu chung cư có thể áp dụng đặt tên số hóa cho các đường nội bộ.

Năm cách đặt tên

Thủ đô mở rộng, việc nhiều đường phố ở Hà Đông, Sơn Tây trùng tên với Hà Nội (trước khi mở rộng địa giới). Ta giải bài toán này thế nào?

Mỗi giai đoạn lịch sử, sau một vài năm phát triển, Hà Nội mỗi năm phải đặt thêm tên mấy chục đường phố rồi. Với việc Hà Nội nhập vào mình trọn vẹn cả tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và bốn xã của tỉnh Hòa Bình, việc đặt tên đường phố càng bận rộn và phức tạp hơn. Còn việc trùng tên là tất nhiên, nhà văn ạ.

Ngay cả địa danh là cái khó trùng mà trong cả nước vẫn có một số nơi trùng tên. Hầu như thành phố, đô thị nào trong cả nước cũng đều có tên Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, v.v.

Tháng 7/2009 HĐND thành phố Hà Nội quyết định giữ nguyên trạng tên các đường phố bị trùng lặp. Để tránh nhầm lẫn, chỉ cần ghi thông tin đầy đủ tên đường phố kèm theo tên, quận, thị xã.

Liên quan đến ý kiến cho rằng “Nên đặt tên đường phố theo một nguyên tắc chung, chẳng hạn, tên danh nhân lớn nên đặt cho đường lớn, đường chính. Tên các danh nhân hoặc địa danh nhỏ hơn thì đặt cho các đường nhỏ hơn, đường xương cá”, chị thấy thế nào?

Hoàn toàn hợp lý. Có điều, đấy chỉ là một phần nhỏ trong năm cách đặt tên cho đường, phố, công trình công cộng, mà Hà Nội đang thực hiện. Đó là đặt tên theo địa danh, nghề cổ truyền, danh nhân, di tích lịch sử văn hóa và sự kiện lịch sử.

Trong năm cách đặt tên trên, bốn cách tương đối thống nhất. Riêng việc đặt tên danh nhân còn rất nhiều điều cần bàn thảo. Ngoài những danh nhân là anh hùng dân tộc, danh nhân quốc gia được cả nước suy tôn, các danh nhân khác căn cứ vào đâu để so sánh công trạng đặt tên cho đường, phố lớn bé, to nhỏ?

Cách làm hiện nay của Hà Nội là phân loại danh nhân theo các lĩnh vực hoạt động văn hóa - lịch sử, chính trị - cách mạng, khoa học – kỹ thuật, anh hùng liệt sĩ. Danh nhân thời kỳ cổ, trung, cận đại đã được lịch sử đánh giá thì không có gì phải bàn cãi (tuy vẫn còn một số trường hợp cần được lịch sử làm sáng tỏ).

Đối với các danh nhân đương đại thì các bộ, ban, ngành chọn ra những nhân vật tiêu biểu. Người ta thường dựa vào công tích của họ, được tính bằng cấp độ huân chương, các danh hiệu cao quý nhà nước trao tặng.

Nói thì có vẻ đơn giản nhưng đi vào thực tế mới thấy hết sự phức tạp của vấn đề. Chả thế, mấy năm trước Bộ VH&TT (cũ) có đề án nghiên cứu các hình thức tưởng niệm danh nhân, trong đó có đưa ra các khái niệm, định nghĩa danh nhân, nhưng để phân loại thì quả là khó.

(còn nữa)

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

MỚI - NÓNG